Bộ Công Thương trong tháng Độc lập đầu tiên

Trong một tháng độc lập đầu tiên, với chức trách của mình, Bộ Quốc dân Kinh tế (sau này đổi tên thành Bộ Công Thương) đã tham mưu, đề xuất nhiều chính sách cho Chính phủ nhằm đẩy lui “giặc đói”, bước

Phản ứng chính sách mau lẹ

Sau Cách mạng tháng 8, tổ chức chính quyền đầu tiên của Nhà nước Công nông non trẻ là Chính phủ Cách mạng lâm thời, ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2/9, ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngay khi mới ra đời, chính quyền Cách mạng non trẻ đã phải đối phó với một tình thế hết sức hiểm nghèo, hàng loạt nguy cơ, thách thức đến từ “giặc đói”, “giặc dốt”, và đặc biệt là “giặc ngoại xâm”. Vì thế, Chính phủ Cách mạng lâm thời được lập nên trước hết là để củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số thành viên Chính phủ Lâm thời. Bộ trưởng Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà đứng hàng thứ hai, bên trái.

Nhìn vào danh sách, trong 15 thành viên Chính phủ chỉ có 2 bộ quản lý kinh tế, gồm Bộ Quốc dân Kinh tế và Bộ Tài chính. Còn lại, nội các ưu tiên dành cho những lĩnh vực mang tính chất “sống còn” lúc bấy giờ, như Bộ Cứu tế xã hội (không thể thiếu đối với đất nước vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người), Bộ Tuyên truyền (thật sự hữu ích cho đất nước có trên 95% số dân mù chữ), Bộ Thanh niên (tập hợp sinh viên và thanh niên yêu nước)... Và do đó, gánh nặng “kinh bang tế thế” dồn cả vào 2 bộ quản lý kinh tế.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó “chống giặc đói” được Hồ Chủ tịch đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất số 1. Người nói: “Nhân dân đang đói..., những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống!”. 

Tình thế lúc đó cực kỳ cấp bách. Chính phủ đã phát động phong trào toàn dân tăng gia sản xuất, nhưng ngô, khoai và các thứ lương thực phụ khác phải ba bốn tháng mới có. Bộ Quốc dân Kinh tế đã nhanh chóng làm tờ trình và được Chủ tịch Chính phủ lâm thời chấp thuận bằng một Sắc lệnh số 7 về việc đảm bảo sự buôn bán và chuyên chở thóc gạo được tự do giữa ba miền Bắc, Trung, Nam mà thực dân Pháp đã ngăn cấm trước đó.

Điều đáng nói là Sắc lệnh số 7 ban hành ngày 5/9, nghĩa là chỉ sau 2 ngày Hội đồng Chính phủ tuyên chiến với “giặc đói”. Nay đọc lại Sắc lệnh này ta vẫn không khỏi cảm thấy sửng sốt về sự mau lẹ trong phản ứng chính sách của một bộ kinh tế vừa mới ra mắt quốc dân đồng bào 3 ngày trước.

SẮC LỆNH SỐ 7

Chủ tịch Chính phủ lâm thời Dân chủ Cộng hòa

- Xét tình hình kinh tế quốc gia và riêng về vấn đề thóc gạo;

- Xét tờ trình của ông Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế;

Sắc:

Khoản thứ nhất: Tất cả các thể lệ thi hành từ trước đến nay về sự buôn bán và chuyên chở thóc gạo, đều bỏ đi hết;

Khoản thứ hai: Sự buôn bán và chuyên chở thóc gạo trong toàn hạt Bắc Bộ Việt Nam được hoàn toàn tự do.

Khoản thứ ba: Từ nay bao nhiêu số thóc gạo Chính phủ cần dùng vào việc công sẽ mua thẳng của tư gia.

Khoản thứ tư: Kẻ nào tích trữ thóc gạo, mưu sự đầu cơ, xét ra có phương hại đến nền kinh tế, sẽ bị nghiêm phạt theo quân luật và gia sản sẽ bị tịch thu”.

(Nguồn: Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam LAWDATA của Văn phòng Quốc hội)


Nhờ sắc lệnh này, chỉ trong tháng 9 năm 1945, việc vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc đã đạt 30 nghìn tấn; giúp người dân các tỉnh phía Bắc vượt qua được cái đói trong khi đợi hoa màu đến kỳ thu hoạch. Đây là một kỳ tích trong bối cảnh thực dân Pháp đã đưa quân đội vào Nam bộ làm bùng lên cuộc kháng chiến bắt đầu từ ngày 23/9, khiến cho việc vận chuyển thóc gạo giữa các miền gặp rất nhiều trắc trở.

Phục hồi sản xuất công nghiệp, thương mại

Chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật những năm trước đó đã để lại những hậu quả rất nặng nề. Ruộng đồng bị bỏ hoang do chính sách “nhổ lúa trồng đay” của phát xít Nhật làm người dân bị cái đói dồn đến đường cùng, phải tha phương cầu thực.

Tình hình công thương nghiệp cũng bị sa sút, ngưng trệ tương tự nông nghiệp. Công nghiệp khai thác mỏ chỉ còn hoạt động bằng khoảng 1/10 so với trước; còn công nghiệp chế biến hầu như tê liệt hoàn toàn. Sản xuất tiểu, thủ công nghiệp cũng bị đình đốn, giảm sút mạnh. Vì vậy, nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường rất khan hiếm. Về thương nghiệp: cả nội, ngoại thương đều bị tê liệt, xuất nhập khẩu sa sút.


Công báo ngày 6/10/1945 đăng 10 Nghị định của Bộ Quốc dân Kinh tế (Nguồn: Thư viện Quốc gia)

Chính sách kinh tế lúc đó được xác định là kiến thiết nền kinh tế quốc dân làm cho dân giầu, nước mạnh theo những nguyên tắc: tự do kinh doanh, tăng gia sản xuất, bảo vệ quyền lợi quốc gia, điều hòa quyền lợi giữa tư sản và lao động, giữa địa chủ và nông dân, giữ vững chủ quyền về quan thuế và ngoại thương; khuyến khích và giúp đỡ công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp, củng cố tài chính quốc gia.

Trên nguyên tắc tự do nội thương, Bộ Quốc dân Kinh tế đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm khuyến khích mở rộng việc buôn bán, làm cho hàng hóa được lưu thông tự do trong toàn quốc. Chỉ trong 2 tuần lễ, từ 19/9 đến 2/10 năm 1945, Bộ đã ban hành 10 nghị định, trong đó xóa bỏ tất cả mọi hạn chế về lưu thông các hàng hóa thông thường cho kinh tế và đời sống, như gỗ, giấy, lương thực, thực phẩm...

Có thể kể là: Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế để việc buôn bán, chuyên chở vỏ gió và các loại vật liệu khác dùng vào việc làm giấy được hoàn toàn tự do (ngày 19/9); Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế bãi bỏ luật lệ thi hành về sự buôn bán và chế biến nhựa thông (ngày 26/9); Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế bãi bỏ các luật lệ buộc phải có giấy phép của Chính phủ mới được khai trương, khuếch trương, nhượng lại hay di chuyển những cơ quan thương mại, kỹ nghệ và tiểu công nghệ (ngày 2/10)...

Những biện pháp này đã đem lại kết quả tốt đẹp. Thóc gạo và các loại hàng hóa thông thường khác được điều hòa dễ dàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, kích thích sản xuất phát triển. Đặc biệt là đã xóa bỏ chế độ độc quyền nhà nước về muối, diêm dân được tự do bán muối ra thị trường sau khi nộp thuế theo quy định. Nhờ đó, giá bán muối của diêm dân tăng nhanh, thu nhập và đời sống của diêm dân được cải thiện rõ rệt, không những đủ ăn, đủ mặc mà còn mua sắm được nhiều đồ dùng gia đình có giá trị. Mặt khác, do được lưu thông tự do trên thị trường, nên giá bán muối ở các vùng giảm so với trước, việc mua bán thuận tiện, nhất là ở các tỉnh miền núi, nhà nào cũng có đủ muối ăn và muối dự trữ.

Hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia sản xuất do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, Bộ Quốc dân Kinh tế đã quy định một số biện pháp để khuyến khích tận dụng đất đai trồng màu cứu đói:

- Tất cả những người có ruộng đất phải khai báo với chính quyền địa phương về diện tích canh tác. Ngoài số diện tích đó, phần nào chưa canh tác thì buộc phải cho người thiếu ruộng mượn tạm trong một vụ để trồng màu.

- Người mướn ruộng phải đảm bảo canh tác hết diện tích đó trước tết âm lịch, tức ngày 2 tháng 2 năm 1946 và đến tháng 4/1946, thu hoạch xong thì phải trả lại ngay cho chủ cũ.

- Vì trâu bò bị chết nhiều qua nạn đói và nạn lụt (chỉ riêng trong nạn đói đầu năm 1945, 30 vạn con trâu bò đã bị chết, bằng 2/3 tổng số trâu bò cày kéo thời gian đó) nên sức kéo khan hiếm nghiêm trọng. Để khắc phục khó khăn này, các địa phương phải tổ chức sản xuất các loại nông cụ nhỏ và nhẹ để có thể sử dụng sức người thay cho sức trâu bò.

Bộ Quốc dân Kinh tế cũng trực tiếp động viên các nhà kỹ nghệ cấp tốc sản xuất thêm nông cụ và bán ủng hộ cho nông dân (bán không lấy lãi, có trường hợp không tính công sản xuất, chỉ tính chi phí nguyên liệu).

Theo đề nghị của Bộ Quốc dân Kinh tế, Chính phủ cho phép các hãng kỹ nghệ hoặc thương mại ngoại quốc hiện có ở Việt Nam vẫn được phép tiếp tục công việc kinh doanh như cũ; trong trường hợp vì nền trật tự công cộng, Chính phủ Việt Nam có quyền kiểm soát và nếu cần.

Nhờ chủ trương đó, nhiều xí nghiệp của Pháp khác vẫn hoạt động bình thường như các xí nghiệp thuộc ngành điện, nước ở một số thành phố (ngoài Hà Nội), vải sợi (Nam Định), dệt len, xi măng (Hải Phòng), gạch ngói (Đáp Cầu), đã cung ứng cho thị trường được một số hàng hóa cần thiết, như: than mỏ, xi măng, gạch ngói, vải, giấy... đảm bảo duy trì được công ăn việc làm cho công nhân, lao động, góp phần đảm bảo sinh hoạt bình thường trong nhân dân.

Trong thời gian này, đã ra đời một số doanh nghiệp công nghiệp quy mô vừa của người Việt sản xuất một số loại hàng trước đây chỉ do các nhà máy của người Pháp sản xuất hoặc phải nhập khẩu, như xà phòng giặt, sơn Gecko ở Hà Nội, sơn Resistanco ở Hải Phòng...

Trong một tháng độc lập đầu tiên, với chức trách của mình, Bộ Quốc dân Kinh tế đã tham mưu, đề xuất nhiều chính sách cho Chính phủ trên các các lĩnh vực kinh tế nhằm đẩy lui “giặc đói”, bước đầu phục hồi sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại trên cơ sở động viên mọi nguồn lực trong xã hội, kể cả nguồn lực tư bản nước ngoài. Những thành tựu này đã góp phần to lớn vào tăng cường năng lực nội sinh cách mạng của quần chúng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa, bảo vệ nền độc lập, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ, tăng cường thực lực, đảm bảo đủ sức tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm sau này.