Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố: Không đủ bằng chứng để tự khởi động điều tra bán phá giá hàng Dệt May Việt Nam

Ngày 6/5/2008, sau khi xem xét số liệu 6 tháng (lần 2) đối với chương trình giám sát nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức ra tuyên bố, không có đủ bằng chứng để tự kh

        Ông David Spooner- Trợ lý Bộ trưởng phụ trách nhập khẩu của Hoa Kỳ cho biết: “Bộ Thương mại sẽ tiếp tục cam kết của mình giám sát nhập khẩu từ Việt Nam, nhằm đảm bảo rằng, hàng may mặc sẽ không được bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ và đe dọa khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Hoa Kỳ”. Ông Spooner nói thêm: “Điều tra của chúng tôi cho thấy, giá hàng may mặc Việt Nam tương đương và trong phần lớn các cat, thậm chí còn vượt các nhà cung cấp chủ chốt khác, bao gồm các nước Trung Mỹ”.

Mặc dù Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã kết luận “không có đủ bằng chứng để tự khởi động điều tra chống bán phá giá”, nhưng phía Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục giám sát thương mại với 5 nhóm hàng may mặc nhập khẩu từ Việt Nam gồm quần, sơ mi, đồ lót, quần áo bơi và áo len trong 6 tháng tới để xem xét trong lần tiếp theo, bắt đầu vào tháng 9/2008. Chương trình giám sát nhập khẩu sẽ kết thúc vào cuối nhiệm kỳ của Chính quyền hiện nay.

Về phía Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đánh gía cao tuyên bố trên của Bộ thương mại Hoa Kỳ và cho rằng, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thừa nhận và tôn trọng một sự thật là, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã không hề bán phá giá hàng dệt may vào Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng đến thị trường và các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Mặc dù cơ chế trên đi ngược với các nguyên tắc của WTO, không phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ và tác động không nhỏ đến xu hướng quan hệ thương mại, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng ngành Dệt May và các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực thi các giải pháp tự giám sát cần thiết, đồng thời hợp tác với Bộ Thương mại, các Hiệp hội ngành hàng và các nhà nhập khẩu, bán lẻ Hoa Kỳ nhằm vận động, đấu tranh chống lại cơ chế giám sát nói trên. Đây là thắng lợi của sự thật, của xu thế quan hệ thương mại và hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

       Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ nên chấm dứt cơ chế giám sát nêu trên, hoặc ít nhất hạn chế quy mô giám sát và đưa ra các tiêu chí rõ ràng hơn đối với việc giám sát, để các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể yên tâm đầu tư, sản xuất và các nhà nhập khẩu bán lẻ Hoa Kỳ có thể yên tâm và chủ động hơn trong việc lập kế hoạch đặt mua hàng ổn định tại Việt Nam, nhằm phát triển quan hệ thương mại và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

         Thay mặt Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lê Quốc Ân cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Hiệp hội, ưu tiên lựa chọn các đơn hàng có giá trị gia tăng cao, nhất là đối với các nhóm hàng nhạy cảm khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo lợi nhuận, giải quyết thoả đáng thu nhập của người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm 2008.