“Bức tường” giữa các nước lớn

Sau khi Mỹ tuyên bố sẽ chính thức áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhôm và thép của các nước Trung Quốc, Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU), hơn nửa tháng qua, quyết định này đã không nhữn
Một trong những “nạn nhân” lớn nhất của chính sách thuế nói trên từ Mỹ là Trung Quốc. Giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới này, “câu chuyện thuế” không chỉ dừng lại ở nhôm, thép, mà đang mở rộng theo hướng trở thành một cuộc chiến thương mại. Sau rất nhiều lần Mỹ - Trung tuyên bố trừng phạt, trả đũa nhau về thương mại, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 15/6 cho biết mức thuế mới 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7 tới và sau đó Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế đối với 284 danh mục sản phẩm mới. Danh mục hàng hóa đánh thuế đợt này gồm các sản phẩm công nghệ cao, nhưng không bao gồm các hàng hóa mà người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng như TV, điện thoại di động... Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD, với cáo buộc Bắc Kinh “vi phạm quyền sở hữu trí tuệ” và tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa. Trong khi đó, Trung Quốc cho biết sẽ lập tức đáp trả với mức thuế tương đương để bảo vệ nền kinh tế.
Không chỉ châm ngòi cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, “vũ khí thuế” của Mỹ cũng đã trở thành nhân tố gây chia rẽ G7 cũng như đẩy Washington về “bên kia chiến tuyến” với chính các đồng minh phương Tây của mình. Quyết định áp thuế nhập khẩu mà Mỹ đưa ra ngay trước thềm Hội nghị cấp cao G7 diễn ra ở Canada vừa qua đã lập tức “phủ bóng đen” lên hội nghị này và khiến G7 bị chia rẽ sâu sắc. Các nhà lãnh đạo châu Âu bước vào Hội nghị G7 với những lời lẽ không mấy đẹp đẽ dành cho ông chủ Nhà Trắng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi hành động áp thuế của Mỹ là “bất hợp pháp và sai lầm”, đồng thời cảnh báo EU sẽ đáp trả “một cách mạnh mẽ và thích hợp”. Ông Macron cũng chỉ trích rằng Mỹ đang đối phó với sự mất cân bằng toàn cầu bằng cách “tạo ra chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và thương mại” và khẳng định chủ nghĩa dân tộc về kinh tế sẽ làm tê liệt bất kỳ ai, kể cả Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho rằng đây là quyết định “đáng thất vọng”. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố sẽ đáp trả chính sách thuế nhằm vào Canada của Mỹ.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/6 tuyên bố, ông đã yêu cầu các đại diện của Mỹ không tán thành tuyên bố chung của Hội nghị G7 vừa bế mạc tại Canada. Lý do mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra là Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có “tuyên bố sai trái” trong cuộc họp báo sau hội nghị. Trên đường tới Singapore sau khi rời Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Quebec sớm hơn kế hoạch tới 4 tiếng, Tổng thống Trump đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng phát biểu của Thủ tướng Canada Trudeau tại cuộc họp báo sau hội nghị là “rất kém cỏi và không thành thật”. Trump chỉ trích việc Thủ tướng Canada gọi “thuế của Mỹ như một sự xúc phạm”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo thêm rằng việc đánh thuế là đòn đáp trả mức thuế 270% mà Canada áp vào mặt hàng bơ sữa. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, những gì diễn ra tại Hội nghị cấp cao G7 cho thấy khối này ngày càng hoạt động giống với mô hình G6+1 hơn. Dù G7 tiếp tục hoạt động trên danh nghĩa đồng minh, song rõ ràng lợi ích nhóm đã bị suy giảm.
Trong khi đó, giới phân tích nhận định, việc Mỹ áp thuế nêu trên với các đồng minh sẽ là “dao hai lưỡi” với chính nước này. Cùng với những tuyên bố cứng rắn, Trung Quốc và các nước G7 cũng đã tuyên bố sẽ “ăn miếng trả miếng’ trước chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Cuối tuần qua, Trung Quốc áp thuế bổ sung hơn 600 sản phẩm của Mỹ. Theo Tân Hoa xã, Ủy ban thuế quan Trung Quốc đã quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ tổng trị giá 50 tỷ USD. Theo tuyên bố của Ủy ban trên, mức thuế bổ sung đối với 545 mặt hàng tổng trị giá khoảng 34 tỷ USD, bao gồm nông sản và xe hơi, sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7 tới. Thời gian áp thuế bổ sung đối với 114 mặt hàng còn lại sẽ được thông báo sau.
Trước đó, Canada tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ, bao gồm các mặt hàng thịt bò, cà phê, bánh kẹo cũng như cả thép và nhôm, với tổng giá trị lên tới 12,8 tỷ USD. Mexico cũng thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa với nhiều loại hàng hóa của Mỹ, bao gồm thép và một loạt các mặt hàng nông phẩm, bao gồm thịt lợn, táo và các loại phô mai khác nhau. Mexico vừa công bố các biện pháp đáp trả gần như ngay lập tức sau khi Mỹ tuyên bố quyết định áp thuế nói trên. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết biện pháp đáp trả đũa của Mexico sẽ nhằm vào các mặt hàng gồm thép, chân giò lợn, táo, nho và phomát, vốn có xuất xứ từ các bang của Mỹ ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Các nhà phân tích cho rằng, trong thời gian tới, nước Mỹ cũng sẽ đối mặt các rắc rối khi EU đã tuyên bố sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức thương mại Thế giới (WTO). Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hôm 31/5 tuyên bố quyết định của Washington là không thể chấp nhận và EU sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa. Trong khi đó, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom cho biết EU sẽ bắt đầu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO và các biện pháp đáp trả của EU sẽ cân xứng và phù hợp với quy định của WTO. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ chịu sức ép lớn khi các đồng minh “quay lưng” và không chấp nhận đối thoại với Washington, nhất là trong các vấn đề kinh tế, thương mại. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire mới đây cảnh báo Pháp sẽ từ chối tham gia đàm phán thương mại với Mỹ. Theo ông, “việc bị tấn công về thuế sẽ không giúp chúng ta mở bất kỳ cánh cửa nào cho đối thoại”.Một kịch bản “gậy ông đập lưng ông” dường như có dấu hiệu xuất hiện tại nước Mỹ khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thị trường giao dịch New York, Mỹ, đã đồng loạt giảm điểm trong phiên mở cửa sáng 15/6. Nguyên nhân là do tâm lý quan ngại của giới đầu tư đã trở lại sau khi Mỹ chính thức công bố quyết định tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu - động thái có thể đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước lên một nấc thang mới. Sau 2 phút giao dịch đầu tiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 0,6% còn 25.014,96 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số ngành kỹ thuật công nghệ Nasdaq lần lượt giảm 0,4% và 0,5%. Trong khi đó, đồng USD đã bị mất giá. Tỷ giá hối đoái USD/Euro ở mức 1,1623 USD/1 Euro, giảm so với mức 1,1580 USD đổi 1 Euro trước đó.
Cuối tuần qua, báo chí Trung Quốc đã chế nhạo quyết định áp thuế của ông Trump rằng “người khôn thì xây cầu, kẻ khờ xây tường”. Chưa rõ quyết định của ông Trump là khôn hay khờ, song có một điều chắc chắn rằng, chính sách thuế của ông đang dựng lên một bức tường ngăn cách giữaMỹ và các đối tác, đồng minh quan trọng của Washington và nước cờ này nếu đi quá xa sẽ gây tổn hại cho kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu. Dù Tổng thống Trump cuối tuần qua khẳng định giảm nhẹ nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, nhưng giới chuyên gia nhận định động thái áp mức thuế mới trên nhiều khả năng sẽ đẩy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, thậm chí cả những nước lớn khác, đến bờ vực một cuộc chiến thương mạin