Các yếu tố ảnh hưởng khả năng trả nợ ngân hàng của nông hộ trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An

TS. TRẦN THẾ SAO (Trưởng Bộ môn Ngân hàng - Khoa Tài chính ngân hàng Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy Binary Logistic nhằm phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng của nông hộ trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Kết quả nghiên cứu cho thấy trình độ học vấn, diện tích đất canh tác, thu nhập phi nông nghiệp và thời hạn trả nợ có mối quan hệ thuận chiều với khả năng trả nợ đúng hạn của nông hộ. Ngược lại, số tiền vay và số người phụ thuộc có mối quan hệ nghịch chiều với khả năng trả nợ đúng hạn của nông hộ. Qua đó, nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị cho ngân hàng, chính quyền địa phương và nông hộ nhằm giúp gia tăng khả năng trả nợ đúng hạn của nông hộ.

Từ khóa: Hộ nông dân, khả năng trả nợ ngân hàng, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

1. Giới thiệu

Huyện Bến Lức nằm phía Đông tỉnh Long An, là cửa ngõ phía Bắc của miền Tây Nam Bộ. Quốc lộ 1A, trục giao thông chính của quốc gia, nối liền vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi qua huyện Bến Lức, từ đó hình thành các điểm trung chuyển hàng hóa từ miền Tây lên TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Với phần lớn dân cư sống bằng nghề nông, muốn phát triển nền kinh tế của huyện thì cần phải phát triển đời sống của nông dân. Tuy nhiên, nông dân ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và một trong những lý do chính là do thiếu vốn. Vì vậy, việc cấp tín dụng cho nông dân là một việc làm cần thiết để họ đầu tư phát triển. Nhưng khi được cấp tín dụng rồi thì điều quan trọng là phải đảm bảo trả nợ đúng hạn, không gây rủi ro cho ngân hàng. Xuất phát từ thực tiễn đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng của nông hộ, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp để nâng cao khả năng trả nợ ngân hàng của nông hộ.

Nghiên cứu này có ý nghĩa thiết thực vì: (i) Đối với nông hộ: Giúp nông hộ có thể vay đủ vốn để sản xuất kinh doanh, trả nợ đúng hạn, đảm bảo uy tín và tạo niềm tin cho những lần giao dịch tiếp theo, từ đó góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của huyện nhà; (ii) Đối với ngân hàng: Cung cấp cho ngân hàng các cơ sở để đánh giá và định lượng các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của nông hộ, từ đó có thể mở rộng cho vay nông nghiệp an toàn, hiệu quả, góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân và hỗ trợ giúp nông nghiệp nông thôn ngày càng phát triển; (iii) Đối với chính quyền địa phương: Giúp chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ nông dân trong việc phát triển kinh tế nói chung và trả nợ đúng hạn nói riêng.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Nông hộ và kinh tế nông hộ

Theo Frank Ellis (2000), nông hộ được hiểu như là các hộ gia đình làm nông nghiệp, tự kiếm kế sinh nhai trên mảnh đất của mình, sử dụng chủ yếu sức lao động của gia đình để sản xuất, các thành viên trong hộ dành phần lớn thời gian cho các hoạt động nông nghiệp.

Kinh tế nông hộ là loại hình kinh tế trong đó các hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào lao động gia đình, trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu của hộ gia đình, nếu có sản phẩm dư thừa, hộ nông dân có thể đưa ra thị trường tiêu thụ.

2.2. Tín dụng nông nghiệp đối với nông hộ

Tín dụng nông nghiệp là tất cả các hoạt động tín dụng ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho các đối tượng nông nghiệp nông thôn và người nông dân (Nguồn: Agribank). Tín dụng nông nghiệp là một công cụ không thể thiếu cho sự chuyển đổi kinh tế xã hội của các cộng đồng nông thôn. Nếu tín dụng nông nghiệp được chú trọng và phát triển, nó sẽ kích thích sự hình thành vốn, tăng năng suất tài nguyên và quy mô của các hoạt động nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới trong nông nghiệp, tăng hiệu quả tiếp thị và gia tăng giá trị đồng thời tăng thu nhập ròng cho nông dân.

2.3. Khả năng trả nợ và các yếu tố ảnh hưởng

Khả năng trả nợ là khả năng tài chính của các tổ chức hoặc cá nhân để trả một món nợ. Khả năng trả nợ của khách hàng là điều kiện quan trọng để ngân hàng xem xét cho vay. Vì vậy, khi cho khách hàng vay, ngân hàng cần phải xác định được các yếu tố tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng.

Yasir Mehmood, Mukhtar Ahmad, Muhammad Bahzad Anjum (2012) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến trễ hạn trả nợ tín dụng nông nghiệp cho thấy sự giám sát cẩu thả của nhân viên ngân hàng, sử dụng vốn vay sai mục đích, lãi suất cao và sự biến đổi trong kinh doanh gây ra sự chậm trễ trong việc trả nợ của khách hàng.

Kohansal, Mansoori (2009) sử dụng mô hình logit để giải thích khả năng trả nợ vay đúng hạn. Kết quả cho thấy kinh nghiệm của nông dân, thu nhập, khoản vay nhận được và giá trị tài sản thế chấp có quan hệ đồng biến với khả năng trả nợ; trong khi lãi suất cho vay, khoản trả góp nghịch biến với khả năng trả nợ.

Wongnaa và Awunyo-Vitor (2013) bổ sung thêm sự giám sát của ngân hàng và thu nhập phi nông nghiệp đồng biến với khả năng trả nợ.

Ifeanyi N. Nwachukwu, Samuel C. Alamba, và Anthony Oko-Isu (2014) lại cho thấy số thành viên trong gia đình và các vấn đề tài chính có ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của nông dân.

Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011) cho thấy thu nhập sau khi vay và số thành viên trong gia đình có thu nhập đồng biến với khả năng trả nợ đúng hạn của nông hộ.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra chọn mẫu thông qua bảng câu hỏi khảo sát. Số mẫu nghiên cứu là 250 hộ, phù hợp tiêu chuẩn chọn mẫu được phát triển bởi Yamane (1967). Các hộ nông dân trong mẫu đang vay vốn tại các ngân hàng trên địa bàn. Dựa trên số liệu thu thập được từ bảng câu hỏi khảo sát, tác giả phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy Binary Logistic nhằm xác định mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của nông hộ.

4. Mô hình nghiên cứu

Qua các nghiên cứu trước và để phù hợp với tình hình thực tế tại huyện Bến Lức nói riêng và tại Việt Nam nói chung, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của nông hộ trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An như sau:

Y = β0 + β1X1+ β2X2+ β3X3+ β4X4+ β5X5+ β6X6+ β7X7 + β8X8 + β9X9 + β10X10 + α

Trong đó:

Y: là khả năng trả nợ vay của nông hộ (Y = 1 nếu hộ nông dân trả nợ đúng hạn và bằng 0 nếu hộ nông dân không trả nợ đúng hạn).

α: hệ số chặn phản ánh mức độ ảnh hưởng của các yếu tố khác đến chỉ tiêu phân tích.

βj (j= 1,10): hệ số ước lượng phản ánh mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đến biến phụ thuộc.

Xj(j= 1,10): các biến độc lập ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của nông hộ. Các biến này được xác định, mô tả cũng như kỳ vọng về mối quan hệ với biến phụ thuộc được mô tả trong bảng 1:

5. Kết quả nghiên cứu

Kiểm định ý nghĩa hệ số hồi quy: kiểm định Wald về ý nghĩa của các hệ số hồi quy của 4 biến X3, X4, X7, X8 đều có mức ý nghĩa sig<0.01; 2 biến X6, X9 có mức ý nghĩa sig<0.05. Vì vậy, có thể bác bỏ giả thuyết H0: β3 = β4 = β6 = β78 = β9

Kết quả kiểm định cho thấy mối tương quan giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập trong mô hình có ý nghĩa thống kê tổng quát.

Kết quả kiểm định cho thấy giá trị -2LL= 76,518 không cao lắm, điều này thể hiện mức độ phù hợp khá tốt của mô hình tổng thể. Đồng thời, kết quả kiểm định cho thấy 84,6% sự thay đổi của biến phụ thuộc được giải thích bởi 10 biến độc lập trong mô hình, còn lại là do các yếu tố khác.

Kết quả kiểm định cho thấy tỷ lệ dự đoán đúng của toàn mô hình là 93,2%.

Kết quả phân tích các biến của mô hình:

Theo kết quả của mô hình nghiên cứu tại bảng 2, có 6 biến độc lập ảnh hưởng đến khả năng trả nợ có ý nghĩa thống kê: biến trình độ học vấn, số người phụ thuộc, thu nhập phi nông nghiệp, số tiền vay, diện tích đất canh tác và thời hạn trả nợ.

- Biến trình độ học vấn: Trình độ học vấn cao là một trong những lợi thế cho chủ hộ khi tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình, có nguồn tiền để trả nợ vay đúng hạn.

- Số người phụ thuộc của chủ hộ: Nếu chủ hộ có người phụ thuộc càng nhiều có nghĩa là chủ hộ phải trả nhiều hơn cho những khoản chi phí sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, chi cho việc học hành, khám chữa bệnh và các khoản chi khác, điều này làm giảm mức thu nhập bình quân của chủ hộ cũng như khả năng tiết kiệm, tích lũy của chủ hộ và có thể gây bất ổn cho kinh tế gia đình làm tăng xác suất trả nợ vay không đúng hạn.

- Diện tích đất canh tác của chủ hộ: Đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt để tạo ra thu nhập cho hộ nông dân. Diện tích đất canh tác càng nhiều thì càng có nhiều thu hoạch trong sản xuất, tạo ra nhiều thu nhập và ngược lại. Vì vậy, diện tích đất canh tác có ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của hộ nông dân.

- Thu nhập phi nông nghiệp của chủ hộ: Những chủ hộ có nhiều công ăn việc làm thì sẽ tạo ra nhiều thu nhập hơn, nâng cao mức sống của các thành viên trong gia đình. Khi có thu nhập phi nông nghiệp, các hộ nông dân sẽ dễ dàng trong việc trả nợ vay, gia tăng uy tín và xây dựng được nhiều niềm tin tại ngân hàng.

- Số tiền vay của chủ hộ: Có quan hệ nghịch biến với biến phụ thuộc, không thỏa kỳ vọng của mô hình nghiên cứu. Điều này có thể giải thích bởi trong thời gian qua, việc thu hoạch từ nông nghiệp bị giảm sút do tình hình xâm nhập mặn, sâu bệnh phá hoại. Bên cạnh đó, nông sản bị thương lái ép giá trong khi chi phí đầu tư cao nên dẫn đến thua lỗ. Một số chủ hộ dùng số tiền vay sai mục đích như trả nợ vay, chi cho y tế khẩn cấp. Đây có thể là nguyên nhân làm cho biến số tiền vay có ảnh hưởng nghịch biến với khả năng trả nợ của nông hộ.

- Thời hạn trả nợ của chủ hộ: Thực tế cho thấy, khi đi vay mà thời hạn trả nợ càng dài thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho người đi vay trong việc trả nợ. Lịch trả nợ vay được người đi vay thiết kế dựa vào điều kiện kinh tế của họ kết hợp với cán bộ ngân hàng, thì người đi vay sẽ chủ động hơn trong việc trả nợ. Bên cạnh đó, thời hạn trả nợ vay dài, mà được chia nhỏ để trả từ từ thì lại càng dễ trả hết nợ.

Kết quả cho thấy Bảng 6 yếu tố có ý nghĩa thống kê tác động mạnh theo thứ tự sau: thu nhập phi nông nghiệp (X7), số người phụ thuộc (X4), thời hạn trả nợ (X9), trình độ học vấn (X3), diện tích đất canh tác (X6) và số tiền vay (X8).

6. Khuyến nghị

Dựa trên những phân tích và phát hiện của nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:

6.1. Đối với các ngân hàng

Cần nâng cao trình độ thẩm định của cán bộ tín dụng đối với các phương án sản xuất kinh doanh của nông hộ, từ đó làm cơ sở để ngân hàng cho vay vốn có hiệu quả hơn. Ngân hàng phải nắm được thông tin về nông hộ, về quá trình sản xuất kinh doanh của nông hộ, thường xuyên giám sát quá trình sản xuất kinh doanh, hay cách sử dụng vốn của nông hộ.

Lịch trả nợ cần thiết kế linh hoạt hơn để hạn chế được tình trạng nợ quá hạn. Ngân hàng nên định lịch trả nợ mà không buộc nông hộ phải bán với giá thấp ngay sau khi thu hoạch, điều này sẽ tạo điều kiện cho nông hộ cải thiện thu nhập, và do đó làm giảm tỷ lệ nợ quá hạn. Đối với những hộ chậm trả nợ do ảnh hưởng khách quan như thu hoạch trễ hơn thời gian trả nợ thì ngân hàng nên gia hạn thêm thời gian trả nợ cho những hộ này.

6.2. Đối với chính quyền địa phương

Cung cấp thông tin để giúp các nông hộ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về tín dụng nông thôn để nông hộ của huyện có thể vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Khuyến khích nông hộ mua bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, tài sản phục vụ sản xuất, nhằm phân tán rủi ro khi sử dụng vốn tín dụng. Như vậy, sẽ góp phần giải quyết những khó khăn khách quan mà nông hộ gặp phải.

Đưa ra nhiều chương trình khuyến nông, hướng dẫn và hỗ trợ nông hộ thực hiện các chương trình một cách có hiệu quả. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến hiệu quả của sản xuất theo quy trình sản xuất khoa học để nông hộ học hỏi và làm theo. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng nên bám sát, theo dõi việc thực hiện các phương pháp canh tác mới trong nông nghiệp để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giới thiệu các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc phòng ngừa bệnh cho cây trồng, vật nuôi cho nông hộ để mang lại năng suất cao. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nông nghiệp với nội dung sát với tình hình thực tế của huyện, nội dung đơn giản để nông hộ dễ hiểu. Địa phương chủ động mời các nhà nông nghiệp, nhà nghiên cứu để tìm ra những quy trình sản xuất khoa học phù hợp với địa phương để phổ biến cho nông hộ từ đó góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao khả năng trả nợ cho nông hộ.

Bố trí cán bộ khuyến nông thường xuyên đi thực tế để xem xét tình hình sản xuất canh tác của nông hộ.

6.3. Đối với nông hộ

Do tính chất của công việc làm nông là theo thời vụ, nên có lúc các nông hộ sẽ có thời gian nhàn rỗi. Vì vậy trong thời gian này, các nông hộ cũng nên tìm thêm việc làm phi nông nghiệp để có thêm thu nhập. Có việc làm phi nông nghiệp, thì số tiền vay từ ngân hàng họ chỉ sử dụng cho hoạt động nông nghiệp. Điều này sẽ giúp họ có một đầu ra tốt hơn và trả nợ tốt hơn.

Mạnh dạn chuyển đổi nông nghiệp, học hỏi áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để giải quyết kịp thời các khoản nợ.

Trước khi đi vay nông hộ nên tính toán trước số tiền cần vay và kế hoạch trả được nợ vay, để không phải vượt quá khả năng trả nợ, dẫn đến nợ càng thêm nợ. Số tiền vay từ ngân hàng của nông hộ nếu được đầu tư đúng mục đích sẽ dễ dàng giúp nông hộ tạo ra được nhiều thu nhập hơn và tỷ lệ trả được nợ cũng sẽ cao hơn những nông hộ sử dụng số tiền vay cho mục đích tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trương Đông Lộc, Nguyễn Thanh Bình, 2011. Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay đúng hạn của nông hộ tỉnh Hậu Giang. Tạp chí Công nghệ ngân hàng, số 64.

2. CA Wongnaa, D. Awunyo-Vitor, 2013. Factors Affecting Loan Repayment Performance Among Yam Farmers in the Sene District, Ghana. Agris on-line Papers in Economics and Informatics, No 2.

3. Frank Ellis, 2000. Rural livehood diversity in developing countries: evidence and policy implications. Oxford university press, May 2000.

4. Ifeanyi N. Nwachukwu, Samuel C. Alamba, Anthony Oko-Isu, 2014. Determinants of loan repayment among cooperative farmers in Awka North Lga of Anambra State, Nigeria. European Scientific Journal, Vol.10, No.22.

5. Kohansal M.R, Mansoori H, 2009. Factors affecting loan repayment performance of farmers in Kharasan- Razavi province of Iran. A paper presented in a conference on International Research on Food Security. Natural Resource Management and Rural Development, University of Hamburg, October 6-8,2009.

6. Nwagbo EC, Illebani D, and Erhabor PO, 1989. The role of credit in Agricultural Development: A case study of small-scale food production in Ondo State of Nigeria. Samaru Journal of Agricultural Education, No. 3, pp. 29-35.

7. Yamane, Taro, 1967. Statistics, An Introductory Analysis, 2nd Ed.. New York: Harper and Row.

8. Yasir Mehmood, Mukhtar Ahmad, Muhammad Bahzad Anjum, 2012. Factors affecting Dalay in Rapayment of Agricultural credit: a case study of District Kasur of Punjab province. World Applied Sciences Journal, No. 17, pp. 47-451.

FACTORS AFFECTING THE REPAYMENT POSSIBILITY OF FARMERS IN BEN LUC DISTRICT, LONG AN PROVINCE

Dr. TRAN THE SAO

Head of Department of Finance, Faculty of Finace and Banking, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

The Binary Logistic regression model was used in this study to identify factors affecting the loan repayment possibility of farmers in Ben Luc district, Long An province. The study’s results showed that factors including educational level, cultivated area, non-agricultural income and repayment term have correlation relationship with the timely repayment possibility of farmers. In contrast, factors including the loan amount and the number of borrowers dependents have inverse correlation relationship with the timely repayment possibility of farmers. Thereby, this study made recommendations to banks, local administrative authorities and farmers on increasing the possibility of timely repayment of farmers.

Keywords: Farmer, loan repayment possibility, Ben Luc district, Long An province.