Các yếu tố tác động đến lạm phát của Việt Nam

TS. NGUYỄN ANH PHONG, ThS. NGUYỄN DUY HIỆP (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá các yếu tố tác động đến lạm phát của Việt Nam bằng cách sử dụng phương pháp VAR kết hợp hàm phản ứng, với dữ liệu thu thập được tính theo tháng từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2016. Kết quả cho thấy, các yếu tố đến chỉ số lạm phát trong 10 tháng tiếp theo, bao gồm: Tác động của cung tiền M2, lãi suất, chỉ số sản xuất công nghiệp, tỷ giá và chỉ số lạm phát kỳ trước. Các nhân tố khác mặc dù có tác động nhưng tác động biên rất nhỏ nên không tạo ra hiệu ứng. Từ kết quả này, tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị trong thời gian tới như: Cần kiểm soát giá cả thường xuyên, hợp lý và linh hoạt; điều hành chính sách tiền tệ, mở rộng hay thu hẹp tín dụng cũng xem xét linh hoạt. Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng tạo hiệu ứng làm tăng chỉ số lạm phát trong ít nhất 5 tháng, hay chỉ số sản xuất công nghiệp gia tăng cũng tạo đà tăng chỉ số giá ít nhất trong 1 quý tiếp theo. Do đó, cần quan sát liên tục biến động cán cân thương mại, dự báo kịp thời cung cầu ngoại hối, cầu tín dụng để phản ứng và điều tiết kịp thời.

Từ khóa: Lạm phát, các yếu tố tác động, phương pháp VAR.

1. Đặt vấn đề

Trong năm 2017, Chính phủ đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4%. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, để kích thích kinh tế, bên cạnh mục tiêu kìm chế lạm phát thì mục tiêu tăng trưởng tạo thu nhập và công ăn việc làm cũng rất quan trọng. Để nền kinh tế tăng trưởng, Chính phủ phải áp dụng tổng hòa các chính sách, trong đó bao gồm chính sách tiền tệ và tài khóa. Như vậy, nghiên cứu đánh giá các yếu tố tác động đến lạm phát nhằm tìm ra các yếu tố chính yếu tác động đến lạm phát, từ đó có chính sách điều tiết hợp lý vẫn là bài toán đặt ra trong bối cảnh mới, mặc dù nghiên cứu này đã có nhiều công trình nghiên cứu trước đó. Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trong bối cảnh mới, với dữ liệu chuỗi thời gian dài, đảm bảo tính khoa học và hợp lý.

2. Tổng quan lý thuyết, dữ liệu và mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát trong và ngoài nước có thể được nhóm thành 3 trường phái mà sau đây chúng tôi sẽ lượt khảo và trình bày, gồm: Nhóm trường phái kinh tế học cơ cấu, nhóm theo trường phái kinh tế học tiền tệ và nhóm nghiên cứu thuộc trường phái tiếp cận theo thuyết ngang giá sức mua (PPP). Do đó, các nghiên cứu đánh giá các yếu tố tác động đến lạm phát dựa trên lập luận từ nguyên nhân gây ra lạm phát và dựa vào ba trường phái xem xét lạm phát: Trường phái cơ cấu, trường phái tiền tệ và trường phái ngang giá sức mua. Tổng quan lại có các nghiên cứu điển hình trong và ngoài nước gần đây như sau:

Nghiên cứu của Jongwanich và Park (2008) xem xét các yếu tố quyết định lạm phát của 9 nước đang phát triển ở châu Á (gồm có Việt Nam) dựa trên mô hình kết hợp giữa các yếu tố chi phí đẩy (dựa theo giá dầu và giá lương thực thực phẩm quốc tế) và các yếu tố cầu kéo (mức dư cầu, tỷ giá, giá hàng hóa nhập khẩu, chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng). Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2007-2008, lạm phát ở các nước này chủ yếu là do dư cung và kỳ vọng lạm phát (do tổng cầu tăng quá mức và chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài nhiều năm).

Nghiên cứu của Ito và Sato (2006) xem xét tác động của tỷ giá vào lạm phát ở các nước Châu Á sau khủng hoảng 1997 và chỉ ra rằng mặc dù tác động của khủng hoảng làm tăng giá nhập khẩu nhưng mức tác động đến CPI là tương đối thấp (trừIndonesia).

Nghiên cứu của Farhad Taghizadeh-Hesary và Naoyuki Yoshino (2015), nghiên cứu ảnh hưởng của biến động giá dầu đến tăng trưởng kinh tế và chỉ số CPI các nước mới nổi và phát triển. Tác giả dùng phương pháp SVAR đánh giá tác động nhân quả, kết quả cho thấy biến động giá dầu có ảnh hưởng lên tăng trưởng nhiều ở các nước phát triển hơn các nước mới nổi và ảnh hưởng của giá dầu đến lạm phát của Trung Quốc là cao hơn các nước phát triển khác.

Trần Thị Thùy Anh (2014) nghiên cứu về tác động của cung tiền đến lạm phát ở Việt Nam giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013. Trong đó, chủ yếu tác giả mô tả quan hệ giữa cung tiền và lạm phát, cũng như đánh giá tác động của lạm phát đến các khía cạnh kinh tế và xã hội. Nghiên cứu sử dụng hoàn toàn phương pháp tổng quan lịch sử và mô tả không định lượng các quan hệ này.

Nghiên cứu của Phan Lê Trung và Phạm Lê Thông (2014), nghiên cứu này nhằm phân tích các nhân tố tác động đến lạm phát trong giai đoạn 1992-2012, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát. Kết quả ước lượng mô hình véc tơ điều chỉnh sai số VECM với các biến số chỉ số giá tiêu dùng CPI, GDP, lượng cung tiền M2, tín dụng, lãi suất, tỷ giá, giá dầu và giá gạo quốc tế cho thấy lạm phát ở Việt Nam chịu tác động nhiều bởi lạm phát kỳ vọng và tỷ giá hối đoái. Trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ không phản ứng nhanh và hiệu quả trong vệc kiềm chế lạm phát ở Việt Nam. Với nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả tổng hợp thành các yếu tố được thể hiện theo Bảng 1.

Với dữ liệu thu thập được tính theo tháng từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2016, tổng cộng có 156 quan sát. Để đánh giá tác động các yếu tố tác động đến lạm phát, tác giả sử dụng phương pháp VAR (Vector Autoregression).

3. Kết quả nghiên cứu

Do dữ liệu thuộc dạng dữ liệu chuỗi thời gian, nên các biến phải được kiểm tra tính dừng (Bảng 2)

Bảng trên cho thấy có 3 biến không dừng gồm M2 (cung tiền M2), In (lãi suất cho vay quy theo tháng), Oil (giá dầu).

Kết quả trên cho thấy: Chỉ số lạm phát của tháng trước có ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát hiện hành (với hệ số tác động biên là 0,41%); biến động tăng/giảm cung tiền M2 của 3 tháng trước có ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát của tháng hiện hành (với hệ số tác động biên là 0,42%); biến động lãi suất cho vay của tháng trước có ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát của tháng hiện hành (tác động biên là -1,96%, nghĩa là nếu biến động chênh lệch lãi suất của tháng trước so với tháng trước đó tăng 1% tác động làm chỉ số lạm phát giảm 1,96%, có thể do biến động lãi suất kỳ trước tăng chính phủ và thị trường sẽ có các chính sách hay động thái để điều chỉnh lạm phát), giá dầu tháng trước tăng/giảm so với tháng trước đó 1% cũng ảnh hưởng làm chỉ số lạm phát tháng hiện hành tăng/giảm 0,03%; biến ngân sách cũng có tác động với 2 độ trễ với 2 dấu tác động ngược chiều (nghĩa là thâm hụt ngân sách tháng trước có tác động ngược chiều nhưng trạng thái thâm hụt ngân sách của tháng trước đó lại có hiệu ứng đẩy làm tăng chỉ số lạm phát); cuối cùng là chênh lệch xuất nhập khẩu tháng trước có ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát (tác động biên là -0,0002%, nghĩa là nếu thâm hụt cán cân giảm hay thặng dư cán cân tháng trước sẽ làm giảm chỉ số lạm phát tháng này).

4. Một số khuyến nghị

Với phân tích các biến có ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát thông qua VAR (Bảng 3), tác giả sử dụng đồ thị hàm phản ứng nhằm đánh giá tác động trong ngắn hạn và dài hạn trong thời kỳ tới. (bảng 4)

Kết quả phân tích đồ thị hàm phản ứng (IRF-Impulse responses fuctions) bao gồm các biến không có tác động xét về độ trễ, nhưng cũng có tương tác nếu không xét đến độ trễ. Hiệu ứng tác động các phân tích trên cho thấy tác động của các yếu tố đến chỉ số lạm phát trong 10 tháng tiếp theo, các biến có tác động làm tăng chỉ số lạm phát rõ nét, bao gồm: tác động của cung tiền M2, lãi suất, chỉ số sản xuất công nghiệp, tỷ giá và chỉ số lạm phát kỳ trước. Các nhân tố khác mặc dù có tác động, nhưng tác động biên rất nhỏ nên không tạo ra hiệu ứng (đường giới hạn) trên IRF. Kết quả này đưa đến một số gợi ý trong dự đoán hay điều hành giá cả: Chính phủ cần kiểm soát giá cả thường xuyên, hợp lý và linh hoạt (nhất là trước các biến động giá cả bên ngoài như hàng hóa nhập khẩu, giá dầu), bởi vì chỉ số giá tháng trước sẽ tạo đà đẩy giá cho tháng sau nên nếu việc kiểm soát và điều hành không linh hoạt, kịp thời sẽ tạo ra sức đầy tăng giá cho nhiều tháng tiếp theo. Việc điều hành chính sách tiền tệ, mở rộng hay thu hẹp tín dụng cũng xem xét linh hoạt vì kết quả cho thấy việc mở rộng cung tiền trong 1 vài tháng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số lạm phát, nhưng sau ít nhất 1 quý (3 tháng) sẽ tạo hiệu ứng thúc đẩy làm tăng chỉ số lạm phát. Ngoài ra, tỷ giá tăng, cũng tạo hiệu ứng làm tăng chỉ số lạm phát trong ít nhất 5 tháng; hay chỉ số sản xuất công nghiệp gia tăng cũng tạo đà tăng chỉ số giá ít nhất trong 1 quý tiếp theo.

Như vậy đến cuối tháng 12/2016, rơi vào thời điểm Tết, tình hình thâm hụt ngân sách vẫn cao, thâm hụt cán cân thương mại, chỉ số sản xuất công nghiệp gia tăng, tín dụng được mở rộng sẽ tạo đà tăng chỉ số giá cho các tháng đầu năm 2017 nhất là trong quý 1 năm 2017. Để chỉ số lạm phát đạt theo kế hoạch đề ra trong năm 2017 thì ngay trong quý 1, Chính phủ cần có các chính sách kịp thời (chính sách tiền tệ, tài khóa, tỷ giá) nhằm ổn định sản xuất, tiêu dùng và giá cả trong các tháng tiếp theo trong năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Friedman, Milton (1970) “A theoretical framework for Monetery Analysis”, Journal of Political Economy 78(2), 193-238.

2. Barnett, Vincent.John Maynard Keynes. London: Routledge, 2013.ISBN 978-0415567695.

3. Bruce E. Hansen (2000), “Sample Splitting and Threshold Estimation”, Econometrica, 68, pp.575-603.

4. Clarke, Peter.Keynes: The Twentieth Century's Most Influential Economist. Bloomsbury, 2009,ISBN 978-1-4088-0385-1.

5. Phillips Alban W. (1958), "The relationship between unemployment and the rate of change of money wages in the UK 1861-1957," Economica.

6. Trần Thị Thùy Anh (2014), Cung tiền, lạm phát và tác động của nó đến kinh tế vĩ mô, Tạp chí Tài chính số 1, 2014.

7. Phan Lê Trung và Phạm Lê Thông (2014), Các nhân tố vĩ mô ảnh hưởng đến lạm phát Việt Nam, Tạp chí Công nghệ ngân hàng, số 102 tháng 9/2014.

8. Farhad Taghizadeh-Hesary and Naoyuki Yoshino (2015), Macroeconomic Effects of Oil Price Fluctuations on Emerging and Developed Economies in a Model Incorporating Monetary Variables, ADBI Working Paper Series.

FACTORS INFLUENCING VIETNAM'S INFLATION

PhD. NGUYEN ANH PHONG

MA. NGUYEN DUY HIEP

University of Economics and Law, Vietnam National University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study was conducted to assess the determinants of Vietnam's inflation by using the VAR method and combining the response function, with monthly data collected from January 2004 to December 2016. The results show that factors affecting inflation in 10 continuous months including: Impact of the M2 monetary supply, interest rates, industrial production index, exchange rate and previous inflation index. Other factors, though having some influences, are dismal, so they did not generate any effect. From this result, the author has made some recommendations in the coming time such as: regular price control; monetary policy administration, flexible credit expansion or tightening. In addition, the rising exchange rate had also affected the inflation index for at least five months, or the increase in the industrial production index also led to a rise in the price index for at least the next quarter. Therefore, it is necessary to continuously observe the fluctuation of trade balance as well as timely forecast the foreign exchange demand and credit demand.

Keywords: Inflation, impact factors, VAR methods.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây