Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam

Tạ Thị Đoàn (Học viện Chính trị khu vực 1)

TÓM TẮT:

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế, do đó, Việt Nam cần tận dụng những sức mạnh sẵn có và nắm lấy cơ hội để tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để làm được điều này, cần hình thành một tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính tổng thể về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa, con người Việt Nam và sự quan tâm vào cuộc của toàn xã hội.

Từ khóa: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế Việt Nam, phát triển kinh tế tri thức.

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được đưa ra ở Cộng hòa Liên bang Đức năm 2011 tại Hội chợ Công nghệ Hannover. Đến năm 2012, được sử dụng đặt tên cho một chương trình hỗ trợ của Chính phủ Đức hợp tác với giới nghiên cứu và các hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Đức nhằm cải thiện quy trình quản lý và sản xuất trong các ngành chế tạo thông qua “điện toán hóa”. Ngày 20/01/2016, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới đã khai mạc với chủ đề “Làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Từ đó, đến nay, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên thế giới để mô tả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được tạo nên bởi sự hội tụ của các công nghệ mới chủ yếu như IoT- Internet kết nối mọi vạn vật, rô bốt cao cấp, công nghệ in ấn 3D, điện toán đám mây, công nghệ di động không dây, trí tuệ thông minh nhân tạo, công nghệ nano, khoa học về vật liệu tiên tiến, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử.

2. Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Trước tình hình thực tiễn, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại những cơ hội và thách thức tác động đến phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới. Cụ thể:

2.1. Về cơ hội

Một là: Các chủ thể trong nền kinh tế có điều kiện tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu của nền sản xuất xã hội.

Hai là: Cơ hội phát triển nhanh hơn nhiều ngành kinh tế và phát triển những ngành mới thông qua mở rộng ứng dụng những tiến bộ, thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển, công nghệ sinh học (thuộc các lĩnh vực như công nghiệp không gian, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp giải trí, công nghiệp sinh học, công nghiệp quốc phòng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...).

Ba là: Cơ hội đón đầu, hình thành và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất kinh doanh, quản lý những tiến bộ, thành tựu công nghệ (kể cả phương thức sản xuất, quản lý) từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đối với năng lượng tái sinh, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, Việt Nam có lợi thế đối với hai loại hình năng lượng này bởi chi phí của nó không quá cao. Việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng sẽ giúp Việt Nam giảm tải được áp lực về môi trường và sự phụ thuộc vào bên ngoài đối với thủy điện, nhiệt điện, dầu khí và điện hạt nhân.

Bốn là: Lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mạng xã hội, di động, phân tích và điện toán đám mây (SMAC) đang là xu hướng mới mẻ của cả thế giới và Việt Nam có cơ hội phát triển lĩnh vực này.

Với lợi thế hiện có như hạ tầng Internet tương đối tốt, giá rẻ trong khi thiết bị di động cấu hình cao, giá thấp đang trở nên phổ biến cũng như sự khuyến khích phát triển của chính phủ, Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ SMAC rất lớn. Một yếu tố thuận lợi nữa là Việt Nam có các đối tác quan trọng là các tập đoàn công nghệ lớn và có nhiều kinh nghiệm như Microsoft trong quá trình tư vấn, xây dựng, và phát triển SMAC nói chung và điện toán đám mây tại Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này là một cơ hội để Việt Nam đuổi kịp các nước phát triển trong kỷ nguyên số. Việc ứng dụng kỷ nguyên số còn cho phép chúng ta đẩy nhanh được việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều ngành nghề, góp phần khắc phục những khó khăn hiện có. Những ngành cần ứng dụng này nhất hiện nay là thương mại điện tử, giao thông vận tải, đo lường địa chất, hay đo lường chất lượng môi trường.

Năm là: Công nghệ sinh học, CMCN 4.0 có tác động mạnh mẽ đến năng suất cũng như chất lượng cây trồng vật nuôi, từ đó, tăng giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam được đánh giá vẫn có lợi thế đối với ngành Nông nghiệp. Nếu có những sự cải cách về giống cùng cách thức nuôi, trồng sẽ tạo ra một nền nông nghiệp sạch với các sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Đối với lĩnh vực y tế, nhiều bệnh nan y, nhất là ung thư đang trở thành vấn đề sức khỏe mang tính chất toàn cầu, gây ra những mất mát về người, sự tốn kém về kinh tế trong điều trị và ngăn chặn. Những công trình nghiên cứu của công nghệ sinh học ứng dụng thành công trong y dược, đặc biệt là trong sản xuất thuốc và trong chuẩn đoán bệnh là đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn tới đây.

2.2. Về thách thức

Một là: Thách thức trong lĩnh vực giải quyết việc làm: với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa. Các hệ thống robot có trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn hoặc trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhất là trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Đây là một trong những thách thức lớn nhất, bởi chuyển dịch cơ cấu lao động trong gần 20 năm qua của Việt Nam rất chậm và chậm hơn nhiều nếu so với chuyển dịch cơ cấu GDP. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động giá rẻ. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo mới là lợi thế. Hơn thế, các công nghệ hiện đại châm ngòi cho cuộc cách mạng mới trong nhiều ngành trong nền kinh tế thế giới như công nghệ in 3D, robot và tự động hóa lại sử dụng rất ít nhân công. Các loại hình công nghệ này sẽ thách thức mô hình “sản xuất hàng loạt” bằng mô hình “tùy chỉnh hàng loạt” và tự động hóa với chi phí thấp hơn. Trong tương lai, nhiều lao động trong các ngành nghề của Việt Nam có thể thất nghiệp ví dụ như lao động dệt may, lắp ráp, số lao động này hiện đang chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng làm cản trở về nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới ở các quy mô doanh nghiệp, ngành lĩnh vực và cả nền kinh tế trong điều kiện xuất phát điểm phát triển của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước.

Hai là: Thách thức về quản trị nhà nước cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nước ta. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn nếu công cuộc cải cách cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được Nhà nước đề ra trong thời gian qua thực hiện không thành công. Bên cạnh đó, những thách thức về an ninh phi truyền thống sẽ tạo ra áp lực lớn nếu Nhà nước không đủ trình độ về công nghệ và kỹ năng quản lý để ứng phó.

Ba là: Các nước công nghiệp mới nổi và nhiều nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, hợp tác để có đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp thứ 4 đem lại để giành lợi thế phát triển. Áp lực lớn cho Việt Nam về sự tỉnh táo trong hội nhập, hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường nhất là thị trường khoa học công nghệ, cải thiện đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, tích lũy đầu tư để thu hút chuyển giao, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nền kinh tế.

3. Đề xuất giải pháp

Thời gian tới để Việt Nam nắm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì cần thiết thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xây dựng một nhận thức chung trong toàn xã hội đối với những thay đổi nhanh chóng do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang tới. Sự chủ động và sẵn sàng là một điều quan trọng, góp phần “tăng tốc” nhanh lúc ban đầu của một quốc gia. Cần đưa những cơ hội và thách thách thức liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào như là một nội dung bắt buộc của việc phân tích bối cảnh tác động để điều chỉnh những thông số của các kế hoạch phát triển trung và dài hạn, đặc biệt là chương trình đầu tư hạ tầng lớn, trước hết là internet, thông tin, truyền thông…

Rà soát và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng đón đầu, lựa chọn và đi thẳng vào khai thác sử dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Coi khoa học công nghệ là một trong yếu tố dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế. Thu hút đầu tư gắn liền với nhiệm vụ thu hút ứng dụng tiến bộ, thành tựu công nghệ của thế giới.

Thứ hai, cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như khu vực doanh nghiệp (nhất là đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, khai thác tài nguyên, công nghiệp chế tạo do các ngành này có khả năng chịu nhiều tác động) và khu vực ngân hàng về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để giúp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư nhằm tránh các khoản đầu tư sai, qua đó giúp ngăn ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Đổi mới thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý có tính đến tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trước hết nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển thị trường khoa học công nghệ theo hướng hội nhập, xây dựng môi trường pháp lý cho phát triển các ngành nghề kinh doanh mới ở Việt Nam đang bắt đầu nảy sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp này. Nhà nước cần tạo điều kiện thật thuận lợi về môi trường cho các doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia và ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

Các cấp, ngành cần nhanh chóng rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động để sẵn sàng các điều kiện và thực hiện ngay từ bây giờ việc hội nhập, hợp tác, chủ động đón nhận, đưa Việt Nam vào nhóm nước đang phát triển đi đầu trong tham gia, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Đổi mới tư duy, bộ máy và phương thức quản lý điều hành, hoạch định cơ chế chính sách phù hợp với sự thay đổi có tính cách mạng về công cụ, công nghệ sản xuất và quản lý. Đặc biệt là yêu cầu về xử lý tổng hợp khối lượng thông tin lớn, phản ứng nhanh nhạy với các tình huống và tính minh bạch trong quản lý, ra quyết định.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, khuyến khích tinh thần doanh nghiệp, tạo động lực cho mọi thành phần kinh tế không ngừng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần nâng cao kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ của cán bộ công chức các cấp để thực thi hiệu quả chính sách đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu. Chiến lược đổi mới sáng tạo ở tầm quốc gia cần lựa chọn đầu tư có chọn lọc và mạnh mẽ nguồn lực cả từ nhà nước và xã hội vào một số ngành/lĩnh vực cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời tranh thủ sự cộng tác từ quốc tế. Trong ngắn hạn có thể tập trung vào cải tiến công nghệ sẵn có nhằm tăng năng suất, giá trị gia tăng của sản phẩm một cách nhanh chóng, từ đó tạo nguồn lực và động lực cho những hoạt động nghiên cứu và phát triển quy mô hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp - viện/trung tâm nghiên cứu theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp. Phát triển thị trường vốn cho nghiên cứu và phát triển theo hướng gia tăng vai trò của nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Thứ năm, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng và sáng tạo. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội, gắn lý thuyết với thực hành, đẩy mạnh sự hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp, chú trọng xây dựng cho sinh viên khả năng và tinh thần sáng tạo. Trong đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng của người lao động gắn với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, thực hiện đào tạo và đào tạo lại trong công việc.

Thứ sáu, phát triển mạnh mẽ hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông hoàn chỉnh, hiện đại, an toàn bằng nguồn lực của nhà nước cũng như xã hội hóa. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và truyền thông có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp thế hệ thứ 4. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, quản lý hành chính, triển khai sâu rộng các ứng dụng của chính phủ điện tử. Có chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông thành ngành kinh tế trọng điểm, nâng cao giá trị các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, xem đây là trụ cột của nền công nghiệp thế hệ thứ 4.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trần Đại Quang (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống, Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ Khai khóa Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngày 3/10/2016.

2. Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Cách mạng công nghiệp 4.0, Thông tin chuyên đề, số 08-TTCĐ/VPTW, ngày 10/8/2016.

3. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Một số đặc điểm, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

4. Hội Cơ khí Thành phố Hồ Chí Minh (2016), Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Bối cảnh, các xu hướng lớn và những sản phẩm điển hình, http://hame.org.vn/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-boi-canh-cac-xu-huong-lon-va-nhung-san-pham-dien-hinh.html, ngày 16/7/2016.

5. Nguyễn Thái (2016), Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - kỳ I,http://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-ky-i-20160120215723260.htm, ngày 20/01/2016.

6. Ngọc Linh (2016), FPT và cuộc Cách mạng khoa học lần thứ 4, http://enternews.vn/fpt-va-cuoc-cach-mang-khoa-hoc-lan-thu-tu.html, ngày 9/3/2016.

7. PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với chính sách khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam.

8. Trần Văn Thọ. Việt Nam 40 năm qua và những năm tới: Cần một nền kinh tế thị trường định hướng phát triển. Thời đại mới. Tạp chí Nghiên cứu và Thảo luận, số 33. Tháng 7/2015.

9. Báo Tin tức Việt Nam (2016), “Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, tham khảo tại: http://baotintuc.vn/tu-lieu/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu- 4-kv-i-20160120215723260.htm

4th industrial revolution: Opportunity and challenges for economic development in Vietnam

Ta Thi Doan

National Academy of Public Administration, Hanoi Campus

Abstract:

Industry 4.0 creates many opportunities and challenges for the economy, thus Vietnam needs to take advantage of available resources to participate in the Industry 4.0, which promotes the process of industrialization and modernization of the country associated with the development of knowledge economy in the context of international integration. In order to do this, a comprehensive vision of how technology affects every socio-economics aspects is required.

Keywords: Industrial Revolution 4.0, Vietnam economy, knowledge economy development.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây