Cải cách hành chính không chỉ nhằm vào thứ hạng mà phải đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp về công tác cải cách hành chính (CCHC) diễn ra vào chiều ngày 22/8/2016 tại Hà Nội.
Theo Đề án xác định Chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ, việc đánh giá PAR INDEX của các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện theo 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần. Cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC bao gồm: 6 tiêu chí và 18 tiêu chí thành phần; Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ bao gồm: 6 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần; Cải cách thủ tục hành chính bao gồm: 3 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước bao gồm: 5 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức bao gồm: 5 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: 3 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần; Hiện đại hóa nền hành chính bao gồm: 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần.Thang chấm điểm đánh giá là 100 điểm.


Theo đó, điểm Chỉ số CCHC của Bộ Công Thương năm 2015 với điểm theo Bộ Nội vụ thẩm định: 50,00 điểm/60 điểm; Điểm điều tra xã hội học: 32,19 điểm/40 điểm. Tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Công Thương năm 2015 đạt 82,19 điểm (điểm số này trong năm 2014 đạt 76,15 điểm). Như vậy, điểm số năm 2015 so với năm 2014 đã tăng 6,04 điểm nhưng thứ bậc bị tụt. So với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đơn vị đứng đầu (đạt 89,42 điểm) thì điểm số của Bộ Công Thương kém 7,23 điểm; so với Bộ Khoa học và Công nghệ (đạt 82,21 điểm) là đơn vị đứng trên Bộ Công Thương một bậc thì điểm số chênh lệch chỉ là 0,02 điểm.

Đối với công tác chỉ đạo, điều hành CCHC tại Bộ Công Thương, đây là lĩnh vực Bộ Công Thương đạt điểm số cao nhất trong 07 lĩnh vực chấm điểm Chỉ số CCHC, được Hội đồng thẩm định đánh giá cao (luôn đạt trên 90%) thể hiện qua số liệu các năm: Năm 2012: 92,13%; Năm 2013: 96,38%; Năm 2014: 95,13%; Năm 2015: 94,36%. Về Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Hội đồng thẩm định chấm đạt điểm tối đa. Qua đánh giá điểm số cho thấy, lĩnh vực này đã có sự tiến bộ nhất định, thể hiện qua điểm số đạt 13,77 so với năm 2014 là 12,60 điểm (bao gồm cả điểm điều tra XHH). Về lĩnh vực Cải cách thủ tục hành chính, trong năm 2015, Bộ Công Thương đã có nhiều cố gắng trong cải cách thủ tục hành chính, thể hiện qua vị trí xếp hạng đứng thứ 9/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (năm 2014 đứng thứ 15/19), đạt điểm số 11,61/14 điểm. Chỉ số này phản ánh năm 2015 đã có sự tiến bộ so với năm 2014 trong việc cải cách các thủ tục hành chính của Bộ Công Thương. Về lĩnh vực Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong năm 2015 Bộ Công Thương đạt 11,37/12.5 điểm, xếp thứ 18/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (năm 2014, Bộ Công Thương đạt 10,86/12,5 điểm, xếp thứ 8/19 Bộ, Cơ quan ngang Bộ). Như vậy, mặc dù điểm số của lĩnh vực này có tăng so với năm 2014 nhưng thứ hạng lại giảm. Điều này cho thấy, các Bộ, ngành khác cũng đã có những bước nhảy vọt trong lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy. Về lĩnh vực Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, Năm 2015 Bộ Công Thương đạt 9,85/16,5 điểm, xếp thứ 18/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (năm 2014 đạt 9,05/16,5 điểm, xếp thứ 13/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ). Về lĩnh vực Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: Năm 2015 Bộ Công Thương đạt 9,22/10,5 điểm, xếp thứ 15/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Chỉ số này năm 2014 đạt 6,73/10,5 điểm, xếp thứ 13/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Về lĩnh vực Hiện đại hóa hành chính, Bộ Công Thương đạt 11,45/14 điểm, xếp thứ 16/19 Bộ, cơ quang ngang Bộ. Năm 2014, lĩnh vực này đạt 11,16/14 điểm, xếp thứ 4/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Như vậy, năm 2015 Bộ Công Thương mất 2,55 điểm.

Xét tổng thể, Chỉ số CCHC năm 2015 cho thấy các Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt được điểm số tương đối cao so với các năm 2012, 2013, 2014. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các Bộ, cơ quang ngang Bộ trong công tác CCHC. Vì vậy, khoảng cách điểm số giữa các Bộ năm 2015 được rút ngắn. Vị trí xếp hạng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có khi chỉ hơn nhau 0,02 điểm. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2015 cho thấy tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt kết quả trên 80%.




Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, CCHC không chỉ nhằm vào thứ hạng của Bộ Công Thương mà phải đo bằng sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đầu mối rà soát, đánh giá lại bảy lĩnh vực để đối chiếu với chỉ tiêu xếp hạng của Bộ Nội Vụ đáp ứng đầy đủ với yêu cầu của Chính phủ đặt ra. Bên cạnh đó, cần căn cứ vào tiêu chí để làm rõ được những bất cập trong công tác tổ chức điều hành của Bộ Công Thương. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phân tích, làm rõ vai trò, nhiệm vụ liên quan đến văn bản pháp quy, thể chế theo hướng minh bạch, đơn giản, công khai nhằm loại bỏ những thủ tục không cần thiết, phù hợp nhằm đáp ứng được hiệu quả công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Bộ phối hợp với các đơn vị trong Bộ hoàn thành sớm đánh giá cũng như những kiến nghị, đề xuất những nhiệm vụ của CCHC năm 2016 đảm bảo kết quả chất lượng về thứ hạng của Bộ Công Thương không những trong xếp hạng CCHC mà còn hướng tới việc đảm bảo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hành chính công của Bộ, đặc biệt là thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Văn phòng Bộ cụ thể hóa những nhiệm vụ chưa thực hiện được hoặc chưa có hiệu quả trong công tác cán bộ để thống nhất được với Đề án tiêu chí Bộ Nội vụ đã ban hành, chỉ đạo chung cho các Bộ, ngành. Bên cạnh hướng vào công khai, minh bạch dịch vụ hành chính công trực tuyến cần tiếp tục xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng các khung khổ pháp chế đảm bảo CCHC phù hợp với cam kết hội nhập cũng như tiến trình hội nhập chung của đất nước. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần phải phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định mới về cơ cấu tổ chức bộ máy nhiệm vụ của Bộ Công Thương, tinh giảm bộ máy hành chính đảm bảo tính chuyên nghiệp đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Công Thương. Bộ trưởng yêu cầu đơn vị đầu mối tiếp tục rà soát lại những lỗ hổng, rút kinh nghiệm từ những tồn tại trong thực tiễn để có những kiến nghị trong công tác CCHC thời gian tới; Phối hợp công tác CCHC với các Tập đoàn, Tổng công ty, Sở Công Thương để vận hành thông suốt từ Bộ Công Thương đến Chính phủ.