Tóm tắt:

Ngày càng nhiều các doanh nghiệp dành sự quan tâm và đầu tư để phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Hình thức mua bán - giao dịch qua mạng internet giúp họ mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu nhanh và thuận tiện đối với người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí giao dịch, quảng bá… Dẫu vậy, cùng với ưu thế như đã kể trên, TMĐT cũng tồn tại bên cạnh nó những hạn chế. Cụ thể như ở thị trường Việt Nam hiện nay, nếu không sớm quản lý tốt, TMĐT đang có nguy cơ mạnh ai nấy làm. Do đó cần thực hiện một số giải pháp quan trọng để đẩy mạnh phát triển hoạt động TMĐT.

Từ khóa: Thương mại điện tử, thị trường, doanh nghiệp, mua sắm trực tuyến, hàng hóa, hàng giả hàng nhái…


1. Thương mại điện tử - xu hướng kinh doanh tất yếu

Phân tích từ các chuyên gia kinh tế cho thấy, doanh nghiệp có thể giảm chi phí giao dịch nhờ TMĐT, đó là chi phí cho việc xử lý các yêu cầu bán hàng, thỏa thuận, thương lượng giá cả, đi lại, nhân sự. Thậm chí một công ty máy tính đã công bố họ tiết kiệm được hơn 500 triệu USD trong một năm nhờ TMĐT. Trong xu thế toàn cầu hóa, TMĐT tăng cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp bởi các doanh nghiệp có thể sử dụng TMĐT để tìm đối tác cung cầu phù hợp nhất cho mình. Nếu như doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tăng doanh số thì người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn nhờ TMĐT. Thay vì phải mất nhiều thời gian để khảo sát giá cả, sản phẩm ở các cửa hàng để lựa chọn, chưa kể sẽ phải chịu đựng sự khó chịu của người bán hàng khi xem mà không mua, thì giờ đây người mua chỉ ngồi lướt trên các web TMĐT để so sánh vì giá cả và thông tin sản phẩm đã có sẵn, không mất nhiều thời gian mà lại có vô vàn sự lựa chọn khác nhau. Người tiêu dùng cũng không tốn chi phí đi lại mà còn có thể mua được hàng rẻ hơn so với hình thức mua bán thông thường do doanh nghiệp tối ưu được chi phí nên hạ giá thành sản phẩm.

Theo thạc sĩ Dương Tố Dung (trong Giáo trình thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp), hiện nay sở dĩ Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, bởi một số lý do sau đây: TMĐT giúp đỡ doanh nghiệp rất nhiều trong việc tìm kiếm khách hàng để xuất khẩu hàng hóa (tìm kiếm khách hàng dễ hơn, nhanh hơn, ít tốn kém hơn); TMĐT là xu hướng tất yếu của thế kỷ XXI. Doanh nghiệp Việt Nam chưa ứng dụng TMĐT tức là bị tụt hậu và thua thiệt về cơ hội cạnh tranh và phát triển trong và ngoài nước; TMĐT thực sự là một công cụ đa năng và hữu hiệu giúp doanh nghiệp trong nước rất nhiều việc khi chi phí đầu tư hay thực hiện là rất ít.

Và nhìn ở phía người mua, TMĐT cũng mang lại rất nhiều lợi ích, cơ hội cho cá nhân trong vai trò người mua. Cụ thể, tham gia TMĐT, quyền của người mua được gia tăng đáng kể: chọn lựa hàng hóa, tham khảo thông tin, khảo sát giá, mua từ bất kỳ nhà cung cấp nào trên mạng internet, yêu cầu đặc biệt theo sở thích cá nhân, mua rẻ hơn, chính sách trả lại hàng nếu không hài lòng. Dẫu vậy, TMĐT cũng có những nhược điểm nhất định của nó. Đó là một số sản phẩm không thể ứng dụng được TMĐT, ít nhất là trong bối cảnh hiện tại, ví dụ như các thực phẩm nhanh hỏng, các đồ trang sức đắt tiền, đồ cổ bởi việc vận chuyển và xác định giá trị thật của nó khó có thể làm từ xa. Một số doanh nghiệp tham giathị trường TMĐT giới hạn phạm vi giao hàng của mình khá nhỏ hẹp. Nhân sự phục vụ trong ngành TMĐT còn thiếu và còn yếu về năng lực do đây là ngành mới. Các phần mềm TMĐT chưa đáp ứng hết đòi hỏi của ngành. Luật Thương mại điện tử chưa chặt chẽ nên còn xảy ra nhiều những gian lận trong giao dịch - vấn đề này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau. Đặc biệt có một điều còn khiến nhiều người tiêu dùng hiện nay đang rất băn khoăn đó là văn hóa thương mại điện tử chưa hoàn thiện. Vì vậy, không ít người chưa tin tưởng vào việc mua bán online hay thực hiện thanh toán qua thẻ tín dụng trên internet.

2. Những tồn tại và bất cập trong quản lý loại hình kinh doanh TMĐT

Theo số liệu thống kê, trong năm 2015, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin (CNTT) đã xử phạt được hơn 1 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm hoạt động TMĐT như: Thiết lập website mà không thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương, các website vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ… Trước đó, năm 2014, sai phạm phổ biến nhất của các website TMĐT là thiết lập website mà không thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chiếm tới 87% tổng số lỗi vi phạm. Trên 100 trường hợp vi phạm bị xử phạt trên 2 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2015, Cục TMĐT và CNTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm trên 60 website TMĐT bán hàng và 3 sàn giao dịch TMĐT chưa tiến hành thông báo, đăng ký với số tiền lên tới trên 1 tỷ đồng.

Thực tế đã cho thấy, trên nhiều website bán hàng hiện nay tại Việt Nam rất dễ để tìm thấy những sản phẩm khuyến mại giảm tới 40 - 50% nhưng khi đặt hàng lại bị báo hết hàng. Hay đặt hàng thành công nhưng “nửa đường đứt gánh” do lỗi hệ thống, chất lượng sản phẩm không như hình, giao hàng không đúng thời hạn, thậm chí không giao hàng. Với một số website TMĐT “rởm”, tình trạng này không phải là hiếm, do đó người dùng cần phải hết sức cảnh giác khi giao dịch.

Giờ đây, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái cũng đang là những thách thức với người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Thị trường Việt Nam đã chứng kiến nhiều trường hợp website bán hàng trên mạng hoặc các đơn vị bán hàng của website bị tố cáo do lừa đảo, hay chỉ đơn giản là quản lý hàng hóa của đối tác bán hàng không nghiêm ngặt, để lọt hàng giả, hàng nhái trên các trang TMĐT. Một trường hợp gần đây có thể kể đến là sự việc đơn vị bán hàng Panda Home bị Cục Quản lý thị trường kiểm tra về việc kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc. Những mặt hàng này cũng bị nghi ngờ là được giao dịch online trên các trang TMĐT, trong đó có Lazada. Sau khi được phản ánh, Lazada đã tiến hành các hoạt động rà soát hàng hóa của nhà bán hàng để xác minh nguồn gốc và chất lượng hàng hóa của đơn vị này.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các website mua bán trực tuyến cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển của TMĐT Việt Nam. Sự thiếu tin tưởng vào việc mua bán trên mạng cũng như việc thanh toán tiền hàng trực tuyến đã trở thành thách thức chính khiến TMĐT ở Việt Nam chưa thể nào thực sự nhập cuộc. Hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai, song để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái trong TMĐT cũng không hề đơn giản. Ông Nguyễn Tường Minh - Tổng Thư ký Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh phân tích: “Khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng bị rơi vào ma trận giữa trang web bán hàng được cấp phép và chưa được cấp phép, giữa loại hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hàng giả, hàng nhái, giữa nhãn hiệu có và không tham gia bán hàng trên mạng, giữa món hàng ảo chỉ có trên hình ảnh và chất lượng thật”.

Bên cạnh đó còn là những bất cập trong việc thu thuế TMĐT. Đầu tháng 12/2015, tại hội thảo “Bàn về những nội dung giải quyết thách thức về thuế trong nền kinh tế số”, ông Bùi Văn Nam - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chỉ ra rằng, các tiến bộ hiện đại trong công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều loại hình kinh doanh có quy mô lớn hơn và hoạt động kinh doanh trên một khoảng cách xa hơn so với mô hình kinh doanh truyền thống. Theo đó, chính điều này đang tạo ra thách thức không hề nhỏ đối với thu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh không hiện diện tại nước tạo ra giá trị hàng hóa.

Trong kinh doanh TMĐT, nhiều tồn tại đã và đang được đưa ra như tính hợp pháp và nghĩa vụ thuế của mô hình hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ kết nối vận chuyển của Uber hay tính hợp pháp và nghĩa vụ thuế của hoạt động kinh doanh tiền điện tử hay tiền kỹ thuật số. Trước đó là việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia như dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, Facebook hay việc cung cấp dịch vụ ứng dụng và game thông qua “chợ” ứng dụng của Apple, Google trên thiết bị di động...

Rõ ràng, từ những góc khuất trong việc kinh doanh TMĐT, nhìn rõ hơn những kẽ hở và những điểm yếu của loại hình kinh doanh đang trở thành xu thế tất yếu ở thị trường Việt Nam.

3. Giải pháp đẩy mạnh phát triển hoạt động TMĐT

Theo các chuyên gia về kinh tế muốn đẩy mạnh phát triển TMĐT cần phải thực thi nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia.

Theo Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 - 2020, một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT là xây dựng được hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, đặc biệt là loại hình TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C); thẻ thanh toán được sử dụng rộng rãi để giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt; áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT. Cụ thể, xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia; xây dựng giải pháp thẻ thanh toán TMĐT tích hợp; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động vận chuyển cho TMĐT; xây dựng hạ tầng chứng thực chữ ký số cho TMĐT. Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu trong TMĐT; xây dựng hệ thống đảm bảo lòng tin cho hoạt động mua sắm trực tuyến và cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến.

Tiếp đó là xây dựng thương hiệu trực tuyến: Phát triển các sản phẩm cũng là một giải pháp quan trọng. Trong đó, xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai ứng dụng TMĐT; xây dựng và duy trì sàn giao dịch TMĐT nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong nước và thế giới; xây dựng các giải pháp để phát triển ứng dụng TMĐT trên nền thiết bị di động và phát triển nội dung số cho TMĐT. Đồng thời, triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực của Việt Nam; xây dựng đồng bộ giải pháp đáp ứng đơn hàng trực tuyến để các doanh nghiệp triển khai ứng dụng; xây dựng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Theo GS.TS. Đỗ Thế Tùng - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh: trong số 6 giải pháp để phát triển TMĐT (gồm đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng cho TMĐT, hoàn thiện môi trường pháp lý, đảm bảo an toàn cho giao dịch TMĐT, phát triển các dịch vụ công phục vụ cho TMĐT, tăng cường hơn nữa sự hợp tác khu vực và quốc tế trong phát triển TMĐT), thì việc hoàn thiện môi trường pháp lý được xem là quan trọng.

Hiện chúng ta có nhiều văn bản pháp luật về quản lý TMĐT đã được ban hành, nhưng vẫn cần thiết phải hoàn thiện hệ thống văn bản để điều chỉnh hoạt động của loại hình TMĐT ở Việt Nam. Khi hành lang pháp lý đã có, việc thực thi các đạo luật cùng với các văn kiện dưới luật điều chỉnh các hoạt động thương mại phải thật nghiêm và mạnh tay mới có thể thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về giao dịch TMĐT.

Tài liệu tham khảo:

1. Các website về thương mại điện tử.

2. Chỉ số Thương mại điện tử hàng năm của Bộ Công Thương.

3. Giáo trình về Thương mại điện tử của các trường đại học.

4. Báo chí chuyên ngành về thương mại điện tử.

Ngày nhận bài: 12/12/2015

Ngày chấp nhận đăng bài: 12/01/2016

Thông tin tác giả:

TS. Lê Kim Anh

Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên

ĐT: 0983171387

Email: [email protected]





 


  

Implementing synchronous solutions to promote development of e-commerce

Dr. Le Kim Anh

Thai Nguyen College of Economics and Finance

Abstract:

More and more enterprises are interested in developing E-commerce. The online trading via the Internet helps enterperises expand market, buid brand quiclky, bring convenience to their consumer, saving trading and promotion cost… Beside e-commerces advantages, e-commerce also has its disadvantages, especially in Vietnam market. If the authories do not manage e-commerce well in the early stages, e-commerce can be used for wrong purposes. Therefore, it is necessary to implement some soulutions to promote the development of e-commerce in Vietnam.

Keywords: E-commerce, market, enterprise, online shopping, goods, counterfeit consumer goods.