Câu chuyện 12h đêm của Nữ Giám đốc Xí nghiệp may

Là Giám đốc quản lý 18 đội sản xuất (18 chuyền may), với hơn 1000 công nhân, chị Nguyễn Thị Hà năm nay 42 tuổi đã gắn bó với Tổng Công ty May Hưng Yên hơn 18 năm.`

Chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Xí nghiệp May 1 thuộc Tổng Công ty May Hưng Yên
Quãng thời gian làm giám đốc chỉ hơn 2 năm, nhưng chị đã có những hành động, việc làm đáng được học hỏi cho những người quản lý đặc thù của ngành may. Một kỷ niệm sâu sắc mà chị Hà vẫn còn nhớ đó là cuộc gọi điện thoại của một nữ công nhân “nức nở” tâm sự về gia đình lúc 12 giờ đêm. Trước tình huống không tốt đẹp của gia đình công nhân này, chị đã quyết định cùng chồng nửa đêm tới nhà nữ công nhân đó trong vai trò là người hòa giải. Tại đây chị đã chia sẻ những khó khăn, vất vả về thời gian lẫn công việc đặc thù của công nhân làm may. Chị trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện và vận động gia đình người thân của nữ công nhân này cần quan tâm, giúp đỡ để hoàn thành công việc tốt nhất. Kết thúc câu chuyện, vợ chồng người công nhân đó đã được giải quyết. Người vợ không quyết định ôm con về nhà mẹ đẻ nữa, còn người chồng đã hạn chế đi chơi và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Và người nữ công nhân đó đã yên tâm với công việc may của mình mà không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất chung của doanh nghiệp.

Ngoài ra còn có những câu chuyện về việc luân chuyển vị trí ngồi làm việc của công nhân sao cho hàng hóa sản xuất không bị ùn tắc. Chị còn tâm sự, có một lần tại một chuyền sản xuất hay bị ứ đọng hàng chưa may kịp, chị đã điều chuyển 1 công nhân nam tới vị trí mới của chuyền may này, nhưng chị đã gặp phải thái độ không hợp tác, người nam công nhân đó kiên quyết không chịu đi. Trước tình huống đó, chị đã sử dụng những biện pháp vừa tâm lý, vừa cứng rắn khuyên nhủ để tác động cho người công nhân hiểu được vị trí quan trọng của mình là ngồi ở vị trí đó để giúp chuyền may không bị ùn tắc nữa, việc làm này là để đảm bảo tiến độ cho cả xí nghiệp về đích đúng chỉ tiêu và thời gian quy định. Cuối cùng nam công nhân đó đã vui vẻ vào vị trí được phân công .

Những kinh nghiệm làm việc trên đến từ 18 năm tham gia lao động sản xuất tại May Hưng Yên đã trau dồi và tôi luyện cho chị trưởng thành từ một người công nhân lên vị trí quản lý.

Làm Giám đốc Xí nghiệp may được 2 năm, nhưng chị đã có 18 năm thâm niên trong nghề may.

Sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ Thuật May Gia Lâm, nay là Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, chị xin về làm công nhân may tại Tổng Công ty May Hưng Yên, rồi tham gia quản lý ở những vị trí như, chuyền trưởng, tổ trưởng chuyền may.... Mãi đến năm 2015 chị mới chính thức được lãnh đạo Tổng Công ty tin tưởng giao phó vị trí Giám đốc Xí nghiệp 1 để quản lý 18 chuyền sản xuất và 1000 công nhân.

 Nhớ lại những ngày đầu, trong vai trò là người công nhân may trên chuyền, với kiến thức thực tế ít ỏi, chị đã có những cố gắng để hoàn thành công việc, song có những sản phẩm, do thiếu kỹ năng và tay nghề còn thấp với bậc 3/6  nên vẫn còn 1, 2 lỗi. Chính điều đó làm chị luôn băn khoăn, suy nghĩ tìm mọi cách để học hỏi, nâng cao tay nghề, tránh hàng lỗi cho công ty. Sau đó chị lần lượt đảm nhiệm vai trò tổ trưởng, học lớp quản lý và đảm nhiệm cụm trưởng của 3 chuyền. Với những quyết tâm và quản lý có chiều sâu, chị đã khắc phục được những khó khăn trong việc giao hàng đúng hẹn, đặc biệt là những mặt hàng truyền thống đã ký kết của công ty nhờ bố trí nhân lực hợp lý. Qua 18 năm gắn bó với May Hưng Yên, xuất phát điểm từ một người công nhân yêu nghề tha thiết, thủy chung gắn bó với nghề, luôn phấn đấu học hỏi và trau dồi kiến thức cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Cuối cùng trời đất đã không  phụ lòng người, chị trở thành người nữ giám đốc Xí nghiệp may được cấp trên tin tưởng và  đội ngũ công nhân yêu quý, nể phục.

Bài và ảnh: Thu Hoài - Phạm Tuyên