Chất thải điện tử: Cần sự quan tâm đúng mức

Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã dự báo khoảng 20 triệu đến 50 triệu tấn chất thải điện tử (CTĐT) được thải ra mỗi năm, trong đó châu Âu chiếm khoảng 9 triệu tấn. Riêng Trung Quốc

1 – Một số vấn đề về chất thải điện tử trên thế giới

CTĐT đang phát triển nhanh nhất dưới dạng chất thải rắn của đô thị, chiếm từ 3 - 5% nguồn nguyên vật liệu, đồng thời tăng trung bình 3 – 5% mỗi năm. Tại các nước đang phát triển, lượng CTĐT đã tăng gấp 3 lần vào năm 2011. Năm 2012 số điện thoại di động trên thế giới đã vượt ngưỡng 2 tỉ chiếc, trong khi tuổi đời sử dụng của chúng chỉ khoảng 2 năm. Như thế có thể thấy lượng CTĐT ngày càng nhiều và đang là vấn đề bức xúc.

Chỉ có khoảng 75 - 85% CTĐT được chôn trực tiếp xuống đất hoặc thiêu cháy ra tro. Năm nay, ước tính có trên 60 triệu tấn rác điện tử cần phải được tái sử dụng, tái chế hoặc tiêu hủy. Tỉ lệ tái chế có thể tăng tới 50% hoặc cao hơn trong năm 2013 hay không còn tùy thuộc vào sự can thiệp của chính phủ hoặc những hỗ trợ về kinh tế cho người dùng. Mỹ là quốc gia xả CTĐT nhiều nhất thế giới và được dự báo là có hơn 3 triệu tấn CTĐT trong 2013.

Theo các nhà quan sát, mặc dù các quốc gia phát triển là nơi thải ra nhiều CTĐT, nhưng những “món hàng” này nhanh chóng được chuyển hết qua các quốc gia đang phát triển hoặc những nước thuộc thế giới thứ ba. Tại nhiều nước, kinh doanh “rác thải điện tử” trở thành một ngành công nghiệp ăn nên làm ra và thậm chí trở thành một ngành kinh doanh phi pháp rất có lời.

Một sự thật là CTĐT được đưa đến các “nhà máy” tái chế để sửa chữa, lắp ráp thành... những sản phẩm mới. Và họ bán cho châu Phi, Indonesia, Argentina... và cả Việt Nam.

Tại Việt Nam, khá nhiều công ty cũng đã nhập các laptop (một thời máy giặt), linh kiện từ “sọt rác” ngoại quốc về rồi chỉnh sửa, lắp ráp, sơn phết lại thành những máy tính khá đẹp rồi tiếp tục tung ra thị trường bán. Người mua thường là các thành phần nghèo.

Mặt khác, CTĐT được ví là quý hơn cả quặng vàng. Bởi lẽ, theo tính toán của các chuyên gia, mỗi tấn CTĐT chứa lượng vàng nhiều gấp 17 lần so với một tấn quặng vàng và 40 lần so với quặng đồng. Mỗi năm, có 40 triệu thiết bị điện tử trở thành rác thải và cùng với chúng là một lượng lớn kim loại quý. Ví dụ, trong 41 điện thoại di động có một số lượng vàng tương đương lượng vàng trong 1 tấn quặng vàng.

Vì quyền lợi quốc gia nên các nước giầu luôn đổ rác thải độc hại sang các nước nghèo. Do đó, vào năm 1989, Công ước Basel đã được thông qua làm nền tảng cho những nỗ lực quốc tế, nhằm quản lý ngành thương mại rác thải, ngăn chặn các nước giàu đổ rác thải độc hại sang các nước nghèo. Tuy nhiên, bất chấp Công ước Basel, những người buôn bán CTĐT vẫn tìm được cách luồn lách, tiếp tục kinh doanh mặt hàng siêu lợi nhuận này.

Về quản lý CTĐT thì các nước văn minh và châu Âu quản lý CTĐT rất chặt chẽ: có chính sách rõ ràng và nhận thức cộng đồng cao. Ngược lại, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mức độ quản lý CTĐT có sự khác nhau rõ nét giữa hai nhóm quốc gia. Nhóm một là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... với nhóm quốc gia thứ hai gồm: Trung Quốc, Philippine, Campuchia, Lào, Việt Nam. Trong đó, nhóm một, việc quản lý CTĐT rất nghiêm ngặt, công cụ pháp lý và tài chính được xây dựng theo hướng khuyến khích và kiểm soát tốt việc tái chế.

Mặt trái của việc tái chế CTĐT là ở những nơi tập trung CTĐT sẽ bị nhiễm các chất độc hại như chì, thủy ngân và một số chất hóa học độc hại khác. Những chất độc này nhanh chóng theo nước, không khí... để xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra những hậu quả khó lường. Theo số liệu của LHQ, khoảng 70% CTĐT trên toàn cầu kết thúc ở Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, thị trấn Guiyu ở quận Triều Dương, tỉnh Quảng Đông là trung tâm xử lý CTĐT chính của Trung Quốc. Hàng trăm ngàn người dân ở đây trở thành các chuyên gia tháo gỡ CTĐT. Trên mọi đường phố, người lao động ngồi trên vỉa hè bên ngoài nhà xưởng, sử dụng búa và khoan tháo dỡ từng bộ phận các thiết bị gia dụng. Và cũng tại đây, tỉ lệ nhiễm chì trong máu của trẻ em lên tới 70%.

2 – Vài nét về vấn đề CTĐT ở Việt Nam

Có lẽ, không nhiều người Việt Nam biết và hiểu cụ thể về CTĐT. Ở Việt Nam người ta chưa thấy tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ, máy tính, điện thoại di động - cố định, máy pho to, máy in…vất như vất rác ở ngoài đường (giống các nước phát triển). Trong khi đó, theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử vào năm 2000 đạt 892 triệu đô-la Mỹ, đến năm 2004 con số này tăng đến 1 tỷ 349,5 triệu đô-la và hai năm gần đây tăng vọt lên 3 tỷ 714,3 triệu đô-la vào năm 2008 và 3 tỷ 931 triệu đô-la vào năm 2009. Tương ứng với sự gia tăng của lượng máy nhập khẩu là sự gia tăng của lượng máy bị thải bỏ. Theo một ước tính của ngành môi trường, lượng rác thải điện thoại trong nước mỗi năm khoảng 400 tấn, ẩn chứa bên trong đó là các chất độc hại chưa qua xử lý như chì, thủy ngân… Và theo một kết quả điều tra, tổng lượng các CTĐT tại 52 công ty ở các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam được ước tính khoảng 1.630 tấn/năm. Trong đó, tổng lượng CTĐT phát sinh từ Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là 1.370 tấn/năm (chiếm 84% tổng lượng thải). Khối lượng này được dự báo sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới do sự phát triển của công nghiệp điện tử tại Bắc Ninh.

Các chuyên gia đã cảnh báo về việc chất thải rắn thuộc các ngành điện - điện tử đang tăng lên rất nhanh và rất độc hại. Nên những nhà khoa học có tầm nhìn và lương tâm đều lo ngại vấn đề CTĐT đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Vấn đề trở nên nghiêm trọng không chỉ do sự gia tăng khối lượng CTĐT mà hơn nữa, đó là các nguy cơ đe dọa đối với môi trường và sức khỏe con người, do các thành phần có nhiều chất độc hại như thủy ngân, chì, chrome…

Những người có hiểu biết và trách nhiệm với tương lai của con cháu chúng ta không thể không lo về vấn đề CTĐT. Vì hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có chương trình nghiên cứu về vấn đề xử lý CTĐT dù giới khoa học có ít nhiều quan tâm.

Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng thu nhập của người dân Việt Nam và sự phát triển của cộng đồng thông tin, nhu cầu về các thiết bị điện tử và viễn thông tăng đáng kể, tạo ra thị trường sản xuất và xuất nhập khẩu phát triển sôi động, nhưng cũng đồng thời gia tăng khối lượng CTĐT vào trong môi trường.

Tuy CTĐT ở Việt Nam chúng ta chưa nhìn thấy thảm họa, nhưng theo trào lưu chung của thế giới thì CTĐT chiếm 3-5% tổng rác thải. Hiện nay, chúng ta có khoảng 45 triệu tấn rác thải rắn/năm, trong đó rác điện tử chiếm một phần đáng kể. Như vậy, chúng ta cũng không thoát khỏi vấn đề bức xúc về CTĐT.

Cách khoảng năm năm, trong một bản báo cáo dày 175 trang, một nhóm các chuyên gia của Công ty Môi trường Đô thị (URENCO) ở Hà Nội, qua nghiên cứu hơn 400 hộ gia đình, 400 văn phòng và 400 cơ sở sửa chữa, tái chế trên bảy tỉnh thành phố, đã ghi nhận một sự gia tăng đáng kể về số lượng rác công nghệ cao trong các năm từ 2002 đến 2006.

Trong năm 2007, Bộ Môi trường Nhật Bản phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo ở Hà Nội về vấn đề này, nhưng sau đó, câu chuyện rác thải điện tử đã trở nên im ắng và nhường chỗ cho những vấn đề môi trường cấp bách hơn, dù khối lượng rác thải là các sản phẩm điện tử hư cũ như ti-vi, máy tính, điện thoại di động, máy điều hòa không khí… ngày càng nhiều.

3 - Cần sự quan tâm đúng mức

Có thể nói, hiện nay vấn đề CTĐT ở Việt Nam chưa là vấn đề bức xúc vì chúng ta chưa có nhiều CTĐT. Nhưng vấn đề ở chỗ: những linh kiện điện tử đó sẽ được các đầu mối mua lại, phân loại và chuyển cho các cửa hàng đồ điện tử tân trang rồi… bán lại cho người sử dụng. Đội quân thu gom và tái chế lượng rác thải này gồm hơn 1.000 cơ sở cùng hàng chục ngàn người mua ve chai này được các chuyên gia môi trường ví von là “cứu tinh” cho môi trường của thành phố.

Vấn đề cần quan tâm và lo lắng là nhập CTĐT và tái chế để sử dụng như thế nào cho hợp lý. Chúng ta cần phải có cách nhìn và biện pháp sao cho đáp ứng nhu cầu của người dân và vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, điều đáng nói là công nghệ tái chế tại các cơ sở này còn quá lạc hậu. Sau khi các kim loại và linh kiện điện tử còn dùng được được bóc tách và đem bán hoặc sửa chữa, phần còn lại chủ yếu được đốt hoặc nghiền rồi pha thêm hóa chất để tạo ra sản phẩm mới, vốn là các sản phẩm đơn giản như chai lọ, túi nylon với số lượng còn hạn chế.

Vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, chất thải nhựa gây ra đang được các ngành chức năng quan tâm, nhưng trên thực tế chưa có giải pháp nào hữu hiệu, dù tiềm năng là rất lớn, chẳng hạn như trong việc tái chế chất thải nhựa.

Hiện chúng ta chủ yếu tập trung nghiên cứu nhiều vào việc xử lý chất thải tập trung, chẳng hạn như chất dioxin, dầu biến thế, dầu nhớt, thuốc trừ sâu, thực phẩm…, hay nói nôm na là những nghiên cứu “có đầu ra”.

Sớm hay muộn thì cơ quan chức năng cũng phải chú trọng vào việc xử lý CTĐT vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của loại rác này rất lớn, trong khi tiềm năng tái sử dụng lại cao, vì thế vừa giải quyết được vấn đề môi trường lại vừa có hiệu quả về kinh tế.

Một vấn đề đáng quan tâm hơn là dù chứa nhiều chất độc hại như thủy ngân, chì, chrome… nhưng loại rác này vẫn chưa được xem là chất thải nguy hại, nên chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng, giới nghiên cứu lẫn xã hội.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải được đánh động về vấn đề CTĐT và cần phải thay đổi tư duy quản lý môi trường của mình, đưa ra các chiến lược quản lý rác này ngay tại nguồn, khuyến cáo, ngăn ngừa thay vì xử lý tốn kém và chôn lấp rác.