Chỉ số sản xuất công nghiệp các tỉnh phía Nam tăng gần 10%

Tiếp đà tăng trưởng trong năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp 07 tháng đầu năm 2018 của 20 tỉnh khu vực phía Nam tăng bình quân 9,81% so với cùng kỳ năm trước.

Phát huy thế mạnh

Sáng 24/8, tại thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh thành phố khu vực phía Nam lần thứ V – 2018. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, lãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương các tỉnh khu vực phía Nam.... Hội nghị với chủ đề “Liên kết phát triển ngành công thương, phát huy thế mạnh của vùng”.

Hội nghị nhằm trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công thương theo chức năng nhiệm vụ được giao; đánh giá tình hình phát triển công nghiệp, thương mại và hiệu quả hợp tác giữa các Sở Công Thương khu vực phía Nam năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ phát triển ngành trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: “Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả mà ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đạt được trong năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương”.

Năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp của khu vực phía Nam tăng bình quân 10,73% so với năm 2016, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2017 cả nước tăng 9,4%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 07 tháng đầu năm 2018 tăng bình quân 9,81% so với cùng kỳ năm trước (Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng 2018 cả nước tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước) .

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn duy trì được hoạt động sản xuất và có mức sản lượng tăng khá so cùng kỳ như: Sản phẩm điện tử, ngành dệt, may mặc, giày dép các loại, thủy sản đông lạnh, thức ăn chăn nuôi, gạo... Cả vùng hiện có 109 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động thu hút được khoảng 1.406 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký đầu tư 61.598 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 74%, tạo việc làm cho hơn 152.000 lao động.

Thời gian qua, tình hình giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đổi ổn định. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi tiêu dùng của người dân là ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức hiệu quả, góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân đối với hàng Việt, thay đổi ý thức tiêu dùng trong cộng đồng, từng bước loại bỏ hàng nhái, kém chất lượng ra khỏi thị trường; từ đó, giúp các doanh nghiệp Việt cải tiến chất lượng sản phẩm và khai thác tốt hơn thị trường nội địa.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2018

Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2018, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ như: Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Với thế mạnh về nông - thủy sản vùng Tây Nam Bộ, cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản và thực phẩm (trái cây, lúa gạo, thủy sản) theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thuộc hai lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài. Chú trọng xây dựng những “cánh đồng lớn”, phát triển các mô hình lúa – cá có giá trị cao hơn, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng thủy sản, gạo thành phẩm”.

Tiếp đà tăng trưởng trong năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp 07 tháng đầu năm 2018 của 20 tỉnh khu vực phía Nam tăng bình quân 9,81% so với cùng kỳ năm trước

Trên cơ sở tham luận tại hôi nghị, ngành Công Thương các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các Nghị quyết và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương; tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Ngành Công Thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần thực hiện các chỉ tiêu: Chỉ số phát triển công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực ước đạt 2.518.316 tỷ đồng, tăng 12,93% so với năm 2017; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn khu vực ước đạt 121,59 tỷ USD, tăng 11,64% so với năm 2017.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất toàn bộ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ, có đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" một cách thiết thực, hiệu quả và triển khai tốt Chương trình xúc tiến thương mại trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, góp phần cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh.

Ông Châu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao chất lượng của Hội nghị: “Các sở Công thương, các doanh nghiệp và các cơ quan thuộc Bộ nhằm tổng hợp, phân tích, đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, đặc biệt là những giải pháp, bài học kinh nghiệm của từng địa phương trong việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để các địa phương khác nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn của mình, góp phần duy trì tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới”.
Vũ Lê