Chống buôn lậu thuốc lá: Cuộc chiến còn nhiều cam go

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu còn nhiều phức tạp, hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung chủ yếu vào rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đ

Thuốc lá lậu ngày càng nhiều

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), hiện thuốc lá điếu nhập lậu vào thị trường nội địa đang có chiều hướng gia tăng với khoảng 100 nhãn, trong đó, hai nhãn chủ yếu là Jet và Hero, chiếm 90% tổng số thuốc nhập lậu. Năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, tổng số thuốc lá nhập lậu có thể lên tới 930 triệu bao. Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến buôn lậu thuốc lá điếu ngoại tăng là do lợi nhuận lớn, hơn 30 lần so với kinh doanh thuốc lá hợp pháp.

Thuốc lá lậu đã tác động xấu đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước: Lấy đi 22% thị phần thuốc lá điếu nội địa, gây thất thu cho ngân sách nhà nước 4.500 tỷ đồng mỗi năm; lượng nguyên liệu mất khoảng 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000 hecta); mất việc làm của nông dân: 6 triệu công lao động/năm; mất việc làm của công nhân: 600.000 công lao động/năm; và hàng trăm nghìn lao động trong các ngành thương mại, dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, thuốc lá lậu không có nguồn gốc xuất xứ, không tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và lộ trình giảm tar, nicotine, gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Những bất cập trong việc xử lý

Theo ông Phạm Kiến Nghiệp - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, những năm qua, dưới sự chỉ đạo tập trung của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban Chỉ đạo 127 TW), các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ buôn lậu thuốc lá, tuy nhiên, kết quả đạt được còn ở mức độ khiêm tốn, trung bình mỗi năm chỉ bắt giữ và tiêu hủy được 1% lượng thuốc lá nhập lậu, còn 99% lượng thuốc lá nhập lậu vẫn đang tung hoành trên thị trường.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 3.176 vụ buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu với tổng số tiền xử phạt là 8,87 tỷ đồng. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh - nơi tiêu thụ thuốc lá lậu lớn nhất cả nước, đã phát hiện 851 vụ vận chuyển, buôn bán với hơn 333.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu, nhiều nhất là nhãn hiệu Jet và Hero. Mặc dù vậy, tình hình buôn lậu, buôn bán vận chuyển thuốc lá điếu vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi và đa dạng hơn.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương về công tác quản lý thị trường 6 tháng cuối năm 2014, ý kiến của đại diện các cơ quan chức năng tại các địa bàn nóng bỏng tình trạng thuốc lá nhập lậu như An Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh, đều có chung chia sẻ về những khó khăn trong công tác ngăn chặn việc buôn bán thuốc lá nhập lậu, đó là: Hoạt động buôn lậu, vận chuyển thuốc lá nhập lậu chủ yếu vào ban đêm hoặc thời gian thay ca, nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng; Thuốc lá nhập lậu thường tập kết cất giấu rải rác trong nhà dân, sử dụng các phương tiện xe máy, xuồng máy, ghe máy có công suất lớn chạy với tốc độ cao, vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần qua ngõ các cánh gà, đường mòn khu vực cửa khẩu hoặc qua đường đồng ruộng, sông, kênh rạch vào nội địa. Đối tượng đầu nậu - người vận chuyển hình thành những đường dây rất chặt chẽ, thuê người theo dõi mọi hoạt động của lực lượng kiểm tra tại trụ sở cơ quan, tại nơi đóng chốt, bất cứ sự di chuyển nào của lực lượng kiểm tra đều có người theo dõi, báo cáo về cho đầu nậu để có biện pháp đối phó.

Trong thị trường nội địa, thuốc lá lậu tuy không còn được bày bán công khai như trước, nhưng vẫn được các đối tượng kinh doanh nhà hàng, khách sạn… bán lén lút với số lượng không ít. Thủ đoạn chủ yếu là cất giấu thuốc lậu tại nơi ở hoặc gửi ở nhà bên cạnh để bán cho khách, khi bị kiểm tra thì ném thuốc lá ra khỏi nơi kinh doanh nhằm tẩu tán và không thừa nhận là chủ hàng. Do vậy, việc tổ chức khám nơi cất giấu là nhà ở và phương tiện vận chuyển đang lưu thông trên đường là rất khó khăn.

Thêm một khó khăn nữa ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chống buôn lậu thuốc lá, đó là công tác bắt giữ, truy tố các đối tượng đầu nậu - những kẻ giữ vai trò chính yếu trong đường dây kinh doanh thuốc lá nhập lậu lại gặp trở ngại vì không bắt được quả tang và thiếu chứng cứ. Đa phần những người vận chuyển chỉ là người được thuê và luật pháp không thể truy tố hình sự đối với các đối tượng này. Về kinh phí, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu còn hạn chế: nhiều đơn vị tại một số tỉnh, thành vất vả điều tra chống buôn lậu, nhưng không được thanh toán chi phí kịp thời, đã làm giảm tinh thần đấu tranh chống loại tội phạm này.

Với thực trạng buôn lậu thuốc lá như trên, có thể nói, cuộc chiến chống thuốc lá lậu còn dai dẳng, nhiều cam go và chưa có hồi kết.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu

Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra lực lượng quản lý thị trường cả nước triển khai quyết liệt, đồng bộ trên diện rộng hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với các hàng hóa nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng. Đồng thời, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao phụ trách địa bàn với kết quả kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc công chức để xảy ra tình trạng vi phạm trên địa bàn.

Đến hết quý 3/2014, tại các tuyến và địa bàn trọng điểm phải có sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Sau đó, tổng kết, sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát... Cục Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật thương mại tới người dân, thương nhân thông qua các chương trình phát thanh - truyền hình, hội thảo, tập huấn, các hội chợ triển lãm “hàng thật, hàng giả”, nhằm cảnh báo cho người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác chống buôn lậu