Chống thuốc lá lậu: Cần ý chí và quyết tâm chính trị cao

Ngày 2/12/2014, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Mới chỉ “hớt” phần ngọn

Báo cáo về tình hình buôn bán trái phép, nhập lậu thuốc lá, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế cho biết: tình trạng nhập lậu thuốc lá vẫn nhức nhối và diễn biến ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn cho kinh tế, xã hội, thất thu thuế. Thủ đoạn buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi. Các đối tượng tập trung hàng tại các kho bên phía nước bạn, giáp biên giới, sau đó tìm cơ hội vận chuyển vào Việt Nam từ đường bộ, thủy bằng các phương tiện chuyên dùng, tốc độ cao như xe máy “siêu độ”, xuồng máy cao tốc. Thời gian qua, các lực lượng chức năng trong đó có lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường… đã có nhiều cố gắng trong công tác ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, và đạt được những kết quả nhất định. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 34.636 vụ, khởi tố 369 vụ/488 bị can. Số thuốc lá tang vật bị bắt giữ hơn 20 triệu bao. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn còn nhiều hạn chế và vẫn chỉ như “muối bỏ bể” so với tình hình thực tế.

Ông Đỗ Hữu Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, lợi dụng đường biên giới nước ta dài, nhiều đường mòn, lối mở, trong khi các lực lượng chức năng tham gia chống buôn lậu thuốc lá mỏng, trang bị thô sơ, thiếu kinh phí, phương tiện, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Lực lượng chức năng rất khó để bắt giữ các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu khi chúng đang vận chuyển. Trên đường thủy, buôn lậu thường dùng xuồng có vận tốc cao gấp 10 lần phương tiện của lực lượng chức năng. Trên đường bộ cũng vậy, chúng dùng những chiếc xe máy “độ” lại, chạy với tốc độ kinh hồn.

Cũng theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, hiện TP.HCM là địa bàn trung tâm tiêu thụ và tái phân phối thuốc lá lậu từ các tỉnh lân cận (Tây Ninh, Long An, An Giang…). Mặc dù đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn xong TP.HCM vẫn chưa kiểm soát được tình hình, hiệu quả quản lý và tỷ lệ xử lý hình sự thấp. “Cần biết rằng chủ buôn lậu không tham gia vận chuyển, mà tất cả đều là người dân nghèo, họ làm thuê. Bắt người vận chuyển là mới “hớt” phần ngọn. Cho nên, giải pháp căn cơ là giải quyết vấn đề sinh kế cho người nghèo vùng biên giới. Bên cạnh đó, triệt phá ngay tại các điểm tập kết thuốc lá lậu sát biên giới”, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Giám đốc Công an TP.HCM phát biểu.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam

Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận, chỉ sau buôn ma túy. Môi trường pháp lý nghiêm ngặt đối với ngành Thuốc lá trong nước đang vô tình gián tiếp tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu phát triển nhanh chóng; một môi trường cạnh tranh không bình đẳng, khu vực kinh tế ngầm mà cụ thể ở đây là tình trạng buôn lậu, trốn thuế thuốc lá phát triển mạnh. Thuốc lá lậu do trốn thuế (thuế NK 135%, thuế TTĐB 65%, VAT 10%..) nên có thể bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (cùng chủng loại, cùng phân khúc). Thuốc lá lậu trốn thuế, giá rẻ và không phải in cảnh báo sức khỏe, không phải trích Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá nên sẽ được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn chứ không giảm.

Đánh giá những tác động tiêu cực của tình trạng buôn lậu thuốc lá đối với tình hình sản xuất kinh doanh, lao động việc làm, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) và sức khỏe người tiêu dùng, ông Vũ Văn Cường nhấn mạnh: Thuốc lá lậu đã làm giảm sản lượng tiêu thụ hơn 20%; mất 20-30% thị phần; Hàng trăm nghìn lao động mất việc làm; gây thất thu NSNN hàng năm 6.500 - 8.000 tỷ đồng. Nguy hiểm hơn, thuốc lá nhập lậu không phải in cảnh báo sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng Tar, Nicotine nên gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo kết quả phân tích của Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá thì trong thuốc lá lậu có một số độc tố cấm sử dụng, và hàm lượng Tar, Nicotine vượt mức cho phép nhiều. Tình trạng nhập lậu, buôn bán thuốc lá lậu trái phép, ngang nhiên cũng đang gây ra nhiều thách thức về an ninh trật tự xã hội.

Cần ý chí và quyết tâm chính trị cao

Để công tác chống buôn lậu thuốc lá được đẩy mạnh và có hiệu quả hơn, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm chỉ đạo các lực lượng chức năng trong ngành đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống buôn lậu thuốc lá một cách kiên quyết, triệt để ở tất cả các địa phương, cả ở cửa khẩu biên giới và trong nội địa, tới các cửa hàng bày bán thuốc lá lậu tại các phường, xã, thị trấn theo tinh thần Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu của các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 cho phép Hiệp hội tiếp tục cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu (Mức hỗ trợ kinh phí cho công tác bắt giữ và tiêu hủy mà Hiệp Hội đã đề nghị là 3.500 đồng/bao 20 điếu, không phân biệt giá các loại thuốc).

Kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 25 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan, theo đó đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe.

Theo ông Vũ Văn Cường, Chính phủ cần quyết định không tái xuất mà tiêu hủy toàn bộ thuốc lá lậu, vì hiệu quả rất thấp mà nguy cơ tái thẩm lậu thì rất cao. Chính phủ và các Bộ ngành cần xem xét tăng biên chế và công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an, biên phòng, hải quan và QLTT; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.

Theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng Quỹ PCTHTL với mức đóng là: 1% từ 01/5/2013; 1,5% từ 01/5/2016; 2% từ ngày 01/5/2019 (tính trên giá tính thuế TTĐB của bao thuốc). Hiện tại mỗi năm Quỹ có khoảng 300-500 tỷ đồng, và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống thuốc lá, các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài…; trong khi đó Quỹ chưa được sử dụng cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế trích khoảng 50% Quỹ PCTHTL cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, vì thuốc lá lậu có tác hại nhiều hơn lại trốn thuế.

Ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: “Lãnh đạo của chính quyền tại các địa bàn trọng điểm chưa thực sự có ý thức quan tâm chỉ đạo. Trên đường 9 ở Quảng Trị, các loại xe khách độ, chế các hầm chứa hàng thuốc lá lậu rất tinh vi. Chúng ta phải đấu tranh tận gốc, triệt để mặc dù khó, là triệt tiêu lợi nhuận đối với buôn lậu thuốc lá. Ở Quảng Trị, khi nông nhàn, nhiều nông dân lại đi vận chuyển thuốc lá lậu. Chỉ cần một người mặc bộ quần áo “đặc chủng” có thể nhét 40-50 cây thuốc lá”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đưa ra nhận xét: “Thuốc lá lậu đóng vào các container, rồi chúng sử dụng xuồng máy chạy vận tốc lên đến 120km/h, trong khi tàu Hải quan chỉ chạy được 40km/h. Do vậy phải tổ chức đón lõng để bắt. Mới đây bắt vụ thuốc lá lậu trị giá hơn 3 tỉ đồng do Hải quan phối hợp Công an TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đề nghị Chính phủ phát triển công ăn việc làm cho người dân khu vực biên giới, nông dân nghèo vì sinh kế mà tiếp tay cho các đầu nậu buôn lậu thuốc lá. Người dân có công ăn việc làm, thì bớt đi tiếp tay cho buôn lậu. Đề nghị khôi phục trạm kiểm soát Cầu Sắt khu vực tỉnh Tây Ninh. Đầu nậu đưa thuốc lá lậu vào TP.HCM tiêu thụ rất lớn khi bỏ trạm kiểm soát Cầu Sắt này”.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Hữu Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh tới các biện pháp tuyên truyền vận động thương nhân, người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu; tuyên truyền cho người dân hiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng thuốc lá lậu, thuốc lá không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát các điểm buôn bán, tập trung nhóm hàng trọng điểm, trong đó có thuốc lá. Tăng cường quản lý địa bàn, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở; đẩy mạnh trao đổi thông tin về các đường dây, ổ nhóm, tuyến đường vận chuyển.

Trung Tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm

Kết luận Hội nghị, Trung Tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho rằng, để Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thật sự đi vào cuộc sống đòi hỏi các giải pháp quyết liệt, xuyên suốt. Nhận diên đối tượng đã khó, đấu tranh với đối tượng càng khó hơn. Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ gốc rễ của vấn nạn này xuất phát từ đời sống nhân dân ở khu vực biên giới còn quá nghèo khó nên phải tham gia buôn lậu. Để giải quyết tình trạng này phải có các giải pháp phù hợp như: Cần có sự vào cuộc đồng bộ trong đấu tranh chống buôn lậu giữa các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, QLTT. Các lực lượng chức năng cần có ý chí và quyết tâm chính trị cao, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Khắc phục hiện trạng bắt được nhưng không xử lý hình sự được. Kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi các văn bản pháp luật để có hành lang pháp lý phù hợp nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Công Thương