Chủ tịch điều hành WEF: Đừng biến con người thành nô lệ cho robot!

Ngay cả khi trọng tâm của CMCN 4.0 là công nghệ thì con người vẫn không nên quá phụ thuộc vào chúng. Chúng ta sử dụng robot như công cụ, biện pháp để phục vụ con người.

Đây là khẳng định của người sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Giáo sư Klaus Schwab tại phiên khai mạc Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra sáng 11/9/2018.

Diễn đàn mở là sự kiện quan trọng đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” diễn ra từ ngày 11 – 13/9, tại Hà Nội.

Phát biểu mở màn sự kiện, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, khác với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) toàn diện hơn, với những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, robot…

CMCN 4.0 mang đến những kỳ vọng đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, phương thức sản xuất mới, với sự góp mặt của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp năng suất lao động tăng đột biến. Tuy nhiên, robot sẽ phải được tạo ra để phục vụ con người thay vì bắt con người làm nô lệ cho robot.

"CMCN có khả năng mang đến cho nhân loại tầm cao mới. Tuy nhiên, cần phải quan tâm nhiều tới giá trị con người. Chúng ta cần tạo ra một thế giới nhân văn hơn chứ không chỉ là những thay đổi về mặt máy móc, công nghệ", Giáo sư Schwab nhấn mạnh.

Do vậy, những ai muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc CMCN 4.0. Đầu tiên, họ cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của sự chuyển mình này. Yếu tố quan trọng nhất, theo Giáo sư Klaus Schwab là xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ càng cho những gì sắp tới.

“Để tận dụng được tiềm năng của cuộc CMCN 4.0, chúng ta phải làm chủ được nó, có nghĩa là chúng ta phải tạo ra một không khí doanh nhân, tinh thần doanh nghiệp. Đồng thời, cũng phải thấy được mối đe doạ của CMCN 4.0 sẽ làm nhiều công việc biến mất, nhưng không nên bi quan mà cần lạc quan vì công việc mới sẽ sớm xuất hiện. Do vậy, Chính phủ cần có sự chuẩn bị cho sự thay đổi này. Tư duy cũng cần thay đổi, không chỉ Chính phủ mà cả các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cho sự chuyển đổi này”, Giáo sư nhấn mạnh.

Tuy nhiên,Giáo sư Schwabcũng cho rằng, ngay cả khi trọng tâm của CMCN 4.0 là công nghệ, con người vẫn không nên trở nên quá phụ thuộc vào chúng, mà nên nắm bắt, tận dụng những công nghệ này để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Điều cần làm trong dài hạn, không chỉ ở Việt Nam, mà cả mọi nơi, là đảm bảo con người luôn ở trung tâm của cuộc CMCN 4.0. Để chuẩn bị cho CMCN 4.0, WEF đã thành lập một học viện ở San Fransico (Mỹ) và ở nhiều quốc gia khác để hỗ trợ, đảm bảo con người không trở thành nô lệ của robot. Robot chỉ là công cụ phục vụ con người”, GS Klaus Schwab nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Chủ tịch điều hành WEF, kết thúc cuộc CMCN 4.0, con người sẽ chứng kiến sự kết hợp giữa công nghệ số, vật chất, tinh thần và đặc điểm nổi bật của cuộc CMCN 4.0 này là tốc độ và toàn diện. “Các nước trên thế giới bỏ lỡ chuyến tàu 4.0 sẽ thất bại”, GS Klaus Schwab nhấn mạnh.


Hạ Vũ