Chương trình hành động của Bộ Công Thương về thực hiện hội nhập quốc tế

Ngày 21 tháng 7 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6433/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chín

Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa đường lối đối ngoại và chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Nghị quyết 22 khẳng định chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và chỉ rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng chủ yếu để triển khai công tác hội nhập quốc tế toàn diện trong thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 13 tháng 5 năm 2014, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 31/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành địa phương xây dựng các Chương trình hành động riêng để triển khai Chương trình hành động của Chính phủ.

Trên cơ sở những nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, Bộ Công Thương đã xây dựng Chương trình hành động của Bộ Công Thương để triển khai Nghị quyết số 31/NQ-CP. Chương trình hành động xác định các nội dung công việc, lộ trình cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ.

Ngày 21 tháng 7 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6433/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về Chương trình hành động hội nhập quốc tế.

Các nội dung nhiệm vụ chủ yếu được đề ra trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương bao gồm:

1. Rà soát, cập nhật và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X

a) Rà soát, cập nhật và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đảm bảo hài hòa, đồng bộ với Chương trình hành động về hội nhập quốc tế.

b) Định kỳ tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam là thành viên WTO.

2. Xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do đến năm 2020

3. Xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020

4. Nâng cao hiệu quả tham gia và tăng cường đóng góp tại các cơ chế đa phương và khu vực

a) Thực hiện nghĩa vụ thông báo và nghĩa vụ rà soát chính sách thương mại của Việt Nam trong khuôn khổ WTO. Xây dựng phương án và tham gia các cuộc đàm phán của WTO, gồm các nội dung: thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường hàng phi nông sản (NAMA), nông nghiệp, dịch vụ, giải quyết tranh chấp…

b) Thực hiện, rà soát, nâng cấp các hiệp định đã ký kết, xây dựng phương án và tham gia đàm phán các hiệp định trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN +, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

c) Kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

d) Tiếp tục triển khai và kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA Việt Nam - EU; Việt Nam - Hàn Quốc; Việt Nam - EFTA;Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và các FTA khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép đàm phán).

đ) Định kỳ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung hợp tác trong khuôn khổ các Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế với các nước.

e) Thực hiện các hoạt động nghiên cứu phục vụ đàm phán, các hoạt động truyền thông nhằm lấy ý kiến các bên liên quan cho hoạt động đàm phán và vận động hỗ trợ công tác đàm phán. Tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế.

g) Ký mới Hiệp định Xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

h) Thực hiện các nghiên cứu để nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng tầm các cơ chế liên kết kinh tế tiểu vùng, trong đó coi trọng cơ chế hợp tác Mê Công, Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Hợp tác ACMECS, Sáng kiến Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng…

i) Triển khai các biện pháp giải trình kỹ thuật kết hợp với vận động chính trị, ngoại giao trong việc vận động các nước sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

k) Tiếp tục tham gia đóng góp thực hiện các cam kết với các tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã ký, tranh thủ nguồn vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

l) Tăng cường và nâng cao vai trò của Việt Nam trong việc tham gia Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD).

m) Triển khai kế hoạch hành động quốc gia (IAP) của Việt Nam trong Diễn đàn Hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các sáng kiến hợp tác về kinh tế thương mại, đầu tư trong khuôn khổ APEC, đặc biệt tập trung nguồn lực để tổ chức thành công năm APEC 2017 tại Việt Nam.

n) Nâng cao năng lực tận dụng ưu đãi thuộc cam kết mở cửa thị trường hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia.

5. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tìm hiểu thị trường, xúc tiến các hoạt động thương mại - đầu tư; thường xuyên tiến hành đối thoại, tham vấn với doanh nghiệp để cùng tham gia xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh

6. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

a) Tổ chức đào tạo, thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

b) Thông tin, tuyên truyền về Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do đến năm 2020.

c) Tổ chức tuyên truyền về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các Hiệp định ASEAN, ASEAN +.

d) Tuyên truyền về APEC và năm APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam.

7. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hội nhập kinh tế quốc tế

a) Triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế ở các cơ quan quản lý nhà nước.

b) Thực hiện chương trình đào tạo về nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện các dự án do APEC, WTO, ASEAN và các tổ chức đa phương khác tài trợ.
Ban hành kèm theo Chương trình hành động là Danh mục 27 công việc cụ thể phân công cho các đơn vị trong Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Chi tiết xem tại đây