Chuyển đổi mô hình chợ truyền thống: Quan trọng ở cách thức thực hiện

Chợ truyền thống từ lâu được coi là nét đẹp đặc trưng trong văn hóa – thương mại của người Việt. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, sự giao thoa, hội nhập kinh tế sâu rộng và sự tăng trưởng không ng

Phóng viên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương đã có bài phỏng vấn ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhằm tìm ra một phần lời giải cho câu hỏi trên.
Phóng viên: Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội, thay vì đến các chợ truyền thống, người dân lại lựa chọn các chợ điện tử (mua hàng trực tuyến) và trung tâm thương mại. Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng này?
 


Ông Dương Duy Hưng: Việc mua bán hàng hóa của người dân trong những năm gần đây được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau. Các kênh mua bán hàng hóa trong nước cũng hết sức đa dạng, từ các chợ truyền thống đến các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ điện tử (mua qua mạng internet, truyền hình, điện thoại…). Và như vậy, ngoài chợ truyền thống, người dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc thực hiện việc mua sắm của mình. Đây là xu hướng phát triển phổ biến và bình thường ở các quốc gia trên thế giới và tôi cho rằng ở Việt Nam, đây là một xu hướng phát triển khách quan và là xu hướng tích cực trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước ta. Việc mua sắm qua nhiều kênh như vậy sẽ tạo hiệu ứng tích cực, làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà phân phối. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn mua sắm ở những kênh bán hàng có nhiều ưu điểm hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của họ. Do vậy, điều này sẽ tạo ra yêu cầu buộc các nhà phân phối, bán hàng phải không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao tiện ích và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng, mặc dù trong xu hướng phát triển đa dạng như vậy thì chợ truyền thống vẫn đã và đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống phân phối tiêu thụ hàng hóa ở Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Theo ước tính, hiện nay lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông qua hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn cả nước ta là vào khoảng trên 40%; và tỷ lệ này đối với khu vực nông thôn còn cao hơn nhiều, ước tính khoảng trên 90%. Bên cạnh đó, các chợ truyền thống đã và sẽ vẫn luôn chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, du lịch... không thể tách rời. Đây cũng chính là những yếu tố cần được tính tới trong tổng thể chung phát triển các loại hình phân phối ở nước ta trong thời gian tới.
 

(Nguồn ảnh: Internet)


Phóng viên: Theo số liệu Bộ Công Thương, cả nước có khoảng hơn 8.000 chợ, trong đó chợ ở nông thôn chiếm khoảng 86%. Theo ông, với số lượng chợ nông thôn nhiều như vậy, Chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn", về các chợ truyền thống sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Dương Duy Hưng: Theo tổng hợp được từ các địa phương, tính đến hết năm 2013, cả nước có 8.546 chợ các loại. Trong đó, số chợ hạng I chiếm 2,89%, chợ hạng II chiếm 10,83% và chợ hạng III chiếm 86,28%. Ở khu vực nông thôn, chủ yếu các chợ truyền thống là chợ hạng III, trong đó nhiều chợ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu và yếu kém. Qua đây có thể thấy những thuận lợi, khó khăn chủ yếu trong việc triển khai thực hiện Chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" như sau:

Về thuận lợi, rõ ràng là với một hệ thống chợ truyền thống mà qua đó hơn 90% lưu lượng hàng hóa được thực hiện mua bán ổn định thường xuyên sẽ là thuận lợi hết sức căn bản trong việc tổ chức triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Chợ truyền thống cũng đồng nghĩa với việc thói quen, tập quán mua bán hàng hóa đã được hình thành và duy trì trong một thời gian dài qua nhiều năm; tính ổn định và thuận tiện trong phục vụ nhu cầu mua sắm của dân cư trong khu vực cơ bản được khẳng định; khả năng thâm nhập, tiếp cận sâu tới người tiêu dùng là rất cao, v.v... Vì vậy, triển khai việc đưa hàng Việt qua hệ thống chợ này chắc chắn sẽ có những lợi thế rất quan trọng, bảo đảm cho sự thành công của Chương trình.

Về khó khăn, cũng như đã nêu trên, hệ thống chợ truyền thống nói chung và đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật. Khả năng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ... ở nhiều chợ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải có những đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ bảo đảm điều kiện tốt hơn cho hoạt động kinh doanh tại chợ.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn, hạn chế như trên nhưng tôi cho rằng những ưu điểm, lợi thế của hệ thống chợ truyền thống trong việc thực hiện Chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" vẫn là cơ bản. Nếu tổ chức và khai thác tốt những lợi thế này thì hoàn toàn có thể bảo đảm cho việc thực hiện Chương trình được rộng khắp và hiệu quả.
 

(Nguồn ảnh: Internet)


Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về công tác quy hoạch và quản lý chợ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, v.v…?

Ông Dương Duy Hưng: Trước hết, xét về diện các địa bàn trên cả nước được quy hoạch chợ thì tới nay, cơ bản tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch hệ thống chợ tại địa phương mình. Nhiều địa phương đang xem xét để rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy hoạch này trong các giai đoạn tiếp theo. Như vậy, đánh giá về diện các địa bàn được quy hoạch chợ thì đã đạt được những kết quả rất tốt.

Còn về chất lượng của các quy hoạch, theo đánh giá tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và sơ kết thực hiện Nghị định số 114/2009/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, thì có trên 97% số chợ trên địa bàn cả nước hoạt động có hiệu quả. Như vậy, vẫn còn một tỷ lệ khoảng 3% số chợ đã hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Đây không chỉ là kết quả rà soát, đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước, của các địa phương mà cũng còn là kết quả thu nhận phản ánh từ các cơ quan truyền thông trong cả nước. Những chợ này đã và đang được các địa phương xem xét để có hình thức tổ chức, sắp xếp hoặc xử lý các vấn đề hiện đang còn tồn tại, hạn chế để phát huy được hiệu quả trong thời gian tới.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh, khai thác chợ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Dương Duy Hưng: Như tôi đã nêu ở trên, trong tổng số khoảng hơn 8.500 chợ truyền thống hiện này thì có tới trên 86% số chợ là chợ hạng III, trong đó nhiều chợ có cơ sở vật chất yếu kém, lạc hậu cần được nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới. Điều này đặt ra một đòi hỏi rất lớn về nguồn lực để đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới các chợ trên cả nước. Trong khi đó, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, cả Trung ương và địa phương không thể đủ để thực hiện hết khối lượng công việc này. Vì vậy, theo tôi, rất cần có cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế cũng như các nguồn lực xã hội khác chung tay, cùng tham gia xây dựng và khai thác, phát triển hệ thống chợ trên phạm vi cả nước. Bên cạnh các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước từ Trung ương cũng như địa phương, thì nguồn lực xã hội hóa thông qua các cơ chế, chính sách nêu trên theo tôi đóng vai trò đặt biệt quan trọng. Hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác chợ, và quá trình này vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Phóng viên: Vừa qua, có một số chợ truyền thống được chuyển đổi nhưng khai thác không hiệu quả, tạo nên những phản ứng và dư luận xã hội không đồng tình, đặc biệt là từ phía các hộ kinh doanh trước đây tại các chợ truyền thống. Theo ông, nguyên nhân của hiện tượng này là gì?

Ông Dương Duy Hưng: Trước hết, tôi cho rằng cần xem xét và đánh giá vấn đề này một cách rất khách quan và phải làm rõ được vấn đề là ở chủ trương hay cách làm? Rõ ràng là xu hướng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động của các chợ là một xu hướng khách quan và cần thiết trong quá trình phát triển thương mại nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ chuyển đổi tất cả các chợ truyền thống thành các siêu thị, trung tâm thương mại mà phải xem xét, đánh giá rất cụ thể đối với từng trường hợp cụ thể. Sẽ có những chợ truyền thống nếu được chuyển đổi sẽ hoạt động tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhưng cũng sẽ có những chợ chỉ nên cải tạo, nâng cấp và giữ nguyên chức năng là chợ truyền thống vốn có của nó thì sẽ hiệu quả hơn, v.v... Với số lượng chợ lớn cần được quy hoạch và quản lý, sẽ có nhiều chợ phải di dời, chuyển đổi, nâng cấp, hoặc thậm chí là phải di chuyển sang vị trí khác, v.v... Bên cạnh đó, chợ truyền thống khi được chuyển đổi thành cơ sở mới sẽ khang trang hơn, vệ sinh hơn, bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy hơn, như vậy, bà con có nơi mua bán tốt hơn, văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phải có sự tham mưu của các cấp quản lý về thương mại cùng với chính quyền sở tại, đánh giá kỹ các khâu trước khi tiến hành thay đổi, xây dựng phương án phù hợp; đồng thời, cần có sự tham vấn của bà con một cách công khai, dân chủ và ngay từ sớm thì quá trình chuyển đổi hoặc thay đổi sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
 

(Nguồn ảnh: Internet)


Vì vậy, ở đây vai trò của các cơ quan tham mưu, xây dựng phương án cụ thể cho từng dự án đầu tư xây dựng chợ ở các địa phương là hết sức quan trọng, để bảo đảm sao cho quá trình xây dựng dự án và triển khai đầu tư được công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia dân chủ và cởi mở từ phía người dân và các hộ kinh doanh trong chợ. Rõ ràng là trong thời gian qua đã có nhiều chợ truyền thống được chuyển đổi rất thành công và hoạt động có hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhưng cũng đúng như phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, có một số chợ truyền thống sau khi chuyển đổi đã hoạt động kém hiệu quả, gây dư luận và phản ứng không đồng thuận từ phía người dân. Tôi cho rằng, nguyên nhân của điều này chính là bởi trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi đã chưa đáp ứng được những yêu cầu như nêu trên, cụ thể là bên cạnh việc xem xét, đánh giá các điều kiện về qui hoạch thì việc bảo đảm cho quá trình thông tin về chủ trương, về phương án sắp xếp kinh doanh cụ thể sau chuyển đổi, về sự tham gia đóng góp của các hộ kinh doanh trong quá trình xây dựng dự án... còn có những hạn chế.

Và như vậy, theo tôi vấn đề ở đây không phải là ở chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động của một số chợ truyền thống mà là ở chỗ sẽ chuyển đổi đối với chợ nào, cách thức xây dựng phương án và tiến hành thực hiện việc chuyển đổi ra sao mới là điều cần được lưu ý để có những đổi mới, cải tiến nhằm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Phóng viên: Được biết, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án xây dựng phần mềm quản lý chợ trên bản đồ số. Ông có thể nói rõ về mục đích, ý nghĩa của Đề án này?

Ông Dương Duy Hưng: Thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu và được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc triển khai thực hiện xây dựng bản đồ số hóa hệ thống chợ trên phạm vi cả nước.

Về cơ bản, việc làm này là nhắm tới 2 mục tiêu, đó là: Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước ở cả các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương đối với công tác phát triển hệ thống chợ thông qua việc nâng cao sự thuận tiện và khả năng theo dõi, nắm bắt, tập hợp thông tin về phát triển hệ thống chợ trong phạm vi cả nước; Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin một cách thuận lợi và đầy đủ hơn đối với hệ thống chợ trên phạm vi cả nước để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện tốt hơn trong việc xem xét, quyết định các dự án đầu tư, kinh doanh của mình trong lĩnh vực này.

Như vậy, đối với Bộ Công Thương, việc quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện quy hoạch, kiểm tra, đánh giá hàng nghìn chợ trên phạm vi cả nước sẽ chủ động, nhanh chóng, thuận tiện và chính xác hơn. Đối với các địa phương, hoạt động quản lý, theo dõi các chợ và báo cáo tình hình hoạt động của các chợ tại địa phương với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác cũng sẽ thuận lợi hơn, tiết kiệm được thời gian, giấy tờ... nhiều hơn. Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức trong việc tìm kiếm thông tin cần thiết trong quá trình xem xét, quyết định các hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.

Về nội dung và hình thức thể hiện, bản đồ này sẽ tập hợp, hệ thống hóa lại và cập nhật thường xuyên các thông tin khi có thay đổi về địa điểm, qui mô, loại hình, hình thức quản lý, chủng loại, lưu lượng hàng hóa, khả năng mở rộng, phát triển trong tương lai... đối với các chợ trên phạm vi cả nước. Các thông tin này sẽ được thể hiện trên nền bản đồ hành chính Việt Nam thông qua mạng internet và bảo đảm tiếp cận, khai thác thông tin một cách dễ dàng và thuận lợi nhất.

Theo kế hoạch, trong năm 2014 bản đồ số sẽ được hoàn thiện về mặt kỹ thuật. Trong quý I và quý II năm 2015, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tập huấn cho các địa phương sử dụng và cập nhật thông tin lên bản đồ số và dự kiến trong quý II năm 2015, hệ thống này sẽ hoàn thiện và được phổ biến rộng rãi.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.