Chuyện lạ Bamboo Airways: Gánh cả khu nghỉ dưỡng trên những chuyến bay

Kể từ tháng 6 năm trước, khi Tập đoàn FLC công bố nghị quyết về việc thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), đã có nhiều câu chuyện lạ

Đầu tiên, trong buổi công bố nghị quyết thành lập Bamboo Airways, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tuyên bố xanh rờn, cuối 2018 Bamboo Airways sẽ cất cánh. Thiên hạ “cười ruồi” cho rằng, chiêu quảng bá đó thôi. Vì Jetstar Pacific Airlines, hãng hàng không có cổ đông chính là Tập đoàn Qantas của Úc cũng rập rình mấy năm trời mới bay được.

Đến tháng 3 năm nay, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, FLC đã ký hợp đồng mua 24 máy báy với Airbus. Mọi người vẫn chưa tin Bamboo Airways có thể bay được trong 2018, vì những chiếc A321NEO đầu tiên chỉ được chuyển giao từ năm 2019.

Không những thế, dư luận còn hoài nghi về tính hiệu quả của Bamboo Airways, bởi  A321NEO là phiên bản mới thuộc dòng A321 - loại máy bay lớn nhất trong gia đình máy bay A320 của Airbus, có khả năng chở đến 240 hành khách và  có tầm bay xa nhất trên thị trường hiện nay, đạt 4.000 dặm (6.437 km) không nghỉ.


Nhưng đến ngày 17/6 khi Bamboo Airways tuyển dụng được 13 tiếp viên trưởng và 34 tiếp viên, thì mọi đồn đoán về khả năng bay trong năm 2018 của Bamboo Airways lắng xuống. Ai cũng biết, tuyển tiếp viên xong là đạo tạo, là gửi đi nước ngoài tập huấn, là trả lương… tất cả đều là tiền, nếu không chuẩn bị cất cánh, chẳng dại gì tuyển dụng sớm cả.

Tưởng như những chuyện lạ về Bamboo Airways đã hết, thì bất chợt nổi lên câu chuyện định vị của Bamboo Airways. Ngày 20/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo về Dự án vận tải hàng không Tre Việt với nội dung yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Đây là thủ tục cuối cùng tiến tới việc Bamboo Airways được cấp phép bay. Nhưng bay thế nào? Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lại một phen nữa khiến dư luận chao đảo, khi định vị cho Bamboo Airways là hãng hàng không “hybrid” - Loại hình dịch vụ lai ghép giữa hai loại hình kinh doanh, gồm (i) Hàng không truyền thống, bạn sẽ được phục vụ đầy đủ các dịch vụ tiện nghi, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng tài chính để bay; và (ii) Hàng không giá rẻ, sẽ có nhiều người bay được, nhưng hàng loạt tiện ích sẽ bị cắt giảm tối đa để tiết kiệm chi phí.

Còn Bamboo Airways là kết hợp cả hai, sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một hãng hàng không truyền thống, với giá cả hợp lý. Thậm chí Chủ tịch FLC còn cả quyết sẽ có những chuyến bay mà giá cả chỉ là “tượng trưng”.

Ơn giời, cuối cùng thì FLC cũng giải thích để mọi người khỏi mất công đồn đoán. Đó là sử dụng công cụ “khu nghỉ dưỡng” một thế mạnh đặc biệt của FLC trong những chuyến bay. Khách hàng bay của Bamboo Airways sẽ nhận được những gói ưu đãi đặc biệt khi chơi golf và nghỉ dưỡng tại quần thể FLC. Ngược lại,  khách tại các quần thể FLC có những quyền lợi lớn về chi phí khi bay bằng Bamboo Airways.

Vậy là đã rõ, “giá vé tượng trưng” chỉ dành cho những ai bay tới các khu nghỉ dưỡng của FLC.

Nguyễn Văn