Có thị trường sẽ có đủ xăng E5

Bộ Công Thương đã báo cáo đề xuất Chính phủ yêu cầu các địa phương trong cả nước cần nghiêm túc thực hiện Quyết định 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Lộ trình áp

Nếu được phê duyệt đề xuất này, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành thì đây chính là cơ hội để các đơn vị sản xuất ethanol phục hồi sản xuất và phát triển ổn định, trong đó có những dự án của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Sẵn sàng vận hành trở lại

Thực hiện Quyết định 53 của Chính phủ, PVN là đơn vị tiên phong đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ethanol. Các nhà máy tại Bình Phước, Quảng Ngãi, Phú Thọ do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) cùng với các đơn vị thành viên khác của PVN và các cổ đông tham gia góp vốn đầu tư thì 02 nhà máy đã dừng hoạt động là Bình Phước và Quảng Ngãi, nhà máy tại Phú Thọ còn chưa xây dựng xong cũng đã tạm ngừng. Nguyên nhân là do không có thị trường, việc thay thế xăng khoáng bằng xăng E5 không được thực hiện đúng lộ trình, hàng sản xuất ra không bán được, nên các nhà đầu tư buộc phải dừng dự án.

Vì thế, trong tâm thế chờ đợi quyết định mới từ Chính phủ, nếu quyết liệt triển khai lộ trình đến 01/01/2018 thay thế toàn bộ xăng khoáng A92 bằng xăng E5 thì các nhà máy sản xuất ethanol của PVN đang sẵn sàng vận hành trở lại sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường. Theo nhận định của một số chuyên gia theo đuổi dự án về nhiên liệu sinh học từ những ngày đầu tiên thì nguồn cung nguyên liệu không phải là vấn đề lớn mà điều quan trọng là thị trường, nếu giải quyết được bài toán đầu ra thì năng lực sản xuất hiện tại của các doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nguồn cung ethanol cho chế biến xăng E5.

Phát triển ổn định hệ thống phân phối

Trong công tác phân phối, hệ thống phối trộn xăng sinh học đóng vai trò vô cùng quan trọng, cần sự vào cuộc của những doanh nghiệp phân phối lớn. Về phía PVN, trong báo cáo gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ông Lê Xuân Trình – Phó Tổng giám đốc PV OIL cho biết, hiện PV OIL có 12 trạm pha chế xăng E5 bao gồm: 06 trạm pha theo mẻ (in-tank) công suất 80-85m3/mẻ và 05 trạm pha chế liên tục (in-line) đang hoạt động với tổng công suất pha chế thực tế khoảng 800 nghìn m3 xăng E5/năm.

Như vậy, tổng công suất pha chế thực tế (in-tank và in-line) đạt khoảng gần 925 nghìn m3 E5/năm. Trong năm 2015, PV OIL đã cung cấp ra thị trường khoảng 157 nghìn m3 xăng E5, trong đó khoảng 127 nghìn m3 trong hệ thống của PV OIL và 30 nghìn m3 bán cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác với hệ thống 382 cửa hàng xăng dầu bán xăng E5 tại 52 tỉnh thành trên cả nước. “Các hệ thống pha chế E5 hoạt động ổn định và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng E5 trong toàn hệ thống PV OIL” – ông Trình khẳng định.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Qua thực tế triển khai hơn 4 năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 cho rằng, việc kinh doanh xăng E5 không mang lại hiệu quả so với kinh doanh xăng truyền thống do phải đầu tư thêm bồn bể, trụ bơm, thay đổi các bảng biểu… làm tăng chi phí. Do đó, cần phải có chính sách ưu đãi cụ thể về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng E5 hơn so với kinh doanh xăng khoáng thông thường thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thu xếp nguồn vốn vay cho doanh nghiệp cũng là một bài toán cần giải quyết, bởi nếu có vốn, doanh nghiệp có thể thu mua nguyên liệu (sắn lát khô) vào chính vụ, lưu kho sản xuất sẽ giúp giảm giá thành sản xuất ethanol.

Ngoài ra, cần có chiến lược truyền thông về xăng E5, khẳng định quyết tâm thực hiện đúng lộ trình kinh doanh xăng E5 đã được Chính phủ ban hành để làm cơ sở định hướng người tiêu dùng và các doanh nghiệp có liên quan. Bởi chỉ khi thực hiện đúng lộ trình thì thị trường xăng E5 mới rộng mở, đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng E5 yên tâm đầu tư. Khi các nhà máy chạy hết công suất thiết kế thì giá thành sản xuất ethanol sẽ tiếp tục giảm, đảm bảo chênh lệch lợi nhuận so với kinh doanh xăng khoáng truyền thống, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.