Còn nhiều rào cản để phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung

Để tăng cường phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam, doanh nghiệp cần vượt qua khá nhiều rào cản, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành. Sau đây là cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đìn

PV: Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” đã được khởi động tháng 5/2015. Xin ông cho biết đến thời điểm này, Dự án đã triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Hậu: Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” được thiết kế nhằm xóa bỏ các rào cản thông qua việc thực hiện 4 Chương trình hợp phần về hoàn thiện và thực thi chính sách, nâng cao năng lực kỹ thuật cho các đối tác liên quan, tăng cường các nguồn tài chính cho đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung tiến tiến, trình diễn và nhân rộng công nghệ sản xuất và sử dụng gạch không nung.

Từ sau hội thảo Khởi động dự án tháng 5/2015, Dự án đã triển khai thực hiện được nhiều hoạt động và có những kết quả ban đầu.

Đã phối hợp và hỗ trợ Bộ Xây dựng khảo sát, điều tra và đánh giá các cơ chế, chính sách về phát triển GKN do Trung ương và địa phương đã ban hành và thực thi ở các tỉnh/thành phố cho đến năm 2015. Trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển gạch không nung trong thời gian tới. Dự án cũng đã hỗ trợ Bộ Xây dựng soạn thảo sửa đổi Nghị định 124 về Quản lý vật liệu xây dựng làm căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 24a về Quản lý vật liệu xây dựng từ tháng 4/2016.

Liên quan đến các thể chế về tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, Dự án đang tiếp cận với các quỹ, các tổ chức tài chính để kết nối các doanh nghiệp với nguồn tài trợ. Dự án trình diễn sản xuất gạch không nung tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá Thái Nguyên bắt đầu có kết quả tốt.

Có thể nói, hiện cả 4 hợp phần đang được triển khai tích cực và đã có những kết quả khích lệ.

PV: Từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp đều cho rằng, còn quá nhiều rào cản trong việc phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính cản trở phát triển gạch không nung ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Đình Hậu: Để thực hiện thành công Chương trình phát triển gạch không nung theo Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Chính phủ (Quyết định 567) đòi hỏi phải tiếp tục tháo gỡ nhiều rào cản về chính sách, thể chế, kiến thức và nhận thức, mở rộng thị trường, công nghệ sản xuất và cơ chế tài chính. Việc thực hiện các giải pháp đồng bộ này cần nhiều nguồn lực, sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, địa phương, các tổ chức tư vấn kỹ thuật, tài chính ngân hàng, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Trong đó, nhận thức của người dân về việc sử dụng gạch không nung so với gạch nung là rào cản lớn nhất mà Dự án đã xác định ngay từ đầu. Hiện nay, để khắc phục rào cản này, Ban quản lý Dự án đang tiếp tục cùng với các hợp phần chỉ đạo tổ chức thật tốt các hoạt động tuyên truyền liên quan đến nhận thức, từ người sản xuất phải nhận thức được để đảm bảo công nghệ sản xuất có sản phẩm tốt nhất. Người xây dựng nhận thức ý nghĩa của việc sử dụng gạch không nung là tốt để tăng cường sử dụng trong các công trình.Và người tư vấn thiết kế, phải coi sử dụng gạch không nung thay thế gạch nung là chủ trương đúng đắn của Nhà nước để khắc phục tình trạng ngay tư vấn thiết kế cũng vẫn sử dụng gạch nung như hiện nay.

Dự án trình diễn sản xuất gạch không nung theo công nghệ ép rung tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá

PV: Có ý kiến cho rằng, ngay người giám sát, kỹ sư công trình cũng không nắm được kỹ thuật nên khi xây dựng không đúng kỹ thuật dẫn đến lún, nứt, làm ảnh hưởng đến thương hiệu gạch không nung. Dự án có giải pháp gì để giải quyết điều này?

            Ông Nguyễn Đình Hậu: Hiện nay, trong khuôn khổ dự án, chúng tôi đã xây dựng xong khung chương trình đào tạo và các tài liệu để có thể triển khai tổ chức 15 khóa đào tạo trong các năm 2016-2017. Đối tượng đào tạo là các nhà quản lý doanh nghiệp, nhà tư vấn, thiết kế, các kỹ sư xây dựng…

Về cơ bản, tất cả các qui chuẩn tiêu chuẩn chúng ta đã đủ. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng thì chúng ta  phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và tăng cường tuyên truyền ứng dụng sử dụng gạch không nung, ưu điểm so với gạch nung và đặc biệt là ý nghĩa về bảo vệ môi trường của gạch không nung.

PV: Có ý kiến cho rằng công nghệ sử dụng sản xuất gạch không nung của Việt Nam lạc hậu hơn so với thế giới, vậy làm thế nào khắc phục tình trạng này?

Ông Nguyễn Đình Hậu: Thực ra vật liệu không nung có rất nhiều loại. Ở đây, chúng ta chỉ tập trung vào gạch không nung thôi. Hiện có rất nhiều loại công nghệ, thiết bị, nhập từ Trung Quốc cũng có, tự chế tạo cũng có, công suất nhỏ cũng có, công suất lớn cũng có. Các công nghệ hiện nay cũng có công nghệ ở mức tiên tiến nhưng cũng có công nghệ ở mức thô sơ và đơn giản nên chất lượng quản lý chưa được đồng đều.

Về phía Dự án, chúng tôi cùng các nhà tư vấn sẽ cùng tiếp cận với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Dự án để họ củng cố lại từ công nghệ rồi hướng tới một tiêu chuẩn qui chuẩn đã được công bố thì sản phẩm gạch không nung mới thực sự được người tiêu dùng yên tâm tin tưởng.

PV: Vậy, công nghệ của Dự án trình diễn tại Nhà máy Xi măng Lưu Xá có được coi là công nghệ hiện đại?

Ông Nguyễn Đình Hậu: Nhà máy Xi măng Lưu Xá hiện đang sử dụng công nghệ ép rung để sản xuất gạch bê tông. Đặc trưng của công nghệ ép rung là sử dụng máy ép thủy lực để tạo hình viên gạch bằng cách sử dụng đồng thời lực ép và rung có tần số lên đến 4.500 vòng/phút để đầm, ép định hình viên gạch, tạo nên sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Đây là công nghệ khá phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam do thời gian tạo hình ngắn và năng suất cao; sản xuất được nhiều loại sản phẩm gạch bê tông có kích cỡ, hình dạng và độ rỗng khác nhau bằng cách thay khuôn với thông số kỹ thuật tương ứng; suất đầu tư trên 1 triệu viên gạch quy tiêu chuẩn thấp, do đó rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư.

Tuy đây chưa phải là công nghệ hiện đại nhất, nhưng lại rất phù hợp với địa bàn tỉnh Thái Nguyên do có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu như mạt đá, cát vàng, xi măng, tro xỉ nhiệt điện và phế thải công nghiệp. Hơn nữa, việc không sử dụng phương pháp nung đốt trực tiếp đã góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm không khí. Đồng thời giá thành thấp nên chi phí xây dựng công trình làm từ gạch không nung giảm từ 18-20%. Tất cả các yếu tố trên chô thấy, công nghệ này là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay của Thái Nguyên và do đó, Dự án sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong tương lai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Sản phẩm gạch không nung 

PV: Xin ông cho biết định hướng của Dự án trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đình Hậu: Hiện Dự án mới triển khai được một năm thời gian còn 4 năm nữa. Mục tiêu chính là hoàn thành tất cả mục tiêu đã đặt ra trong văn kiện của Dự án. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong vấn đề mở rộng các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, xây dựng, sử dụng vật liệu gạch không nung. Tiếp tục xây dựng các dự án trình diễn và nhân rộng ra các địa phương.

Ngoài ra, truyền thông cũng là một vấn đề quan trọng. Để người tiêu dùng yên tâm sử dụng gạch không nung phải bắt đầu từ vấn đề liên quan đến công nghệ. Công nghệ tốt thì sản phẩm sản xuất ra mới có chất lượng tốt. Hiện nay, chúng ta có khá nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, tuy nhiên lại rất khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp chưa thực sự quản lý được công nghệ sản xuất của mình, viên gạch ra không đồng đều, từ đó dẫn đến những nghi ngờ về mặt chất lượng, gây ảnh hưởng đến tâm lý người sử dụng. Truyền thông sẽ đóng vai trò là người kết nối các doanh nghiệp đến với người tiêu dùng để hiểu nhau và cùng chung nhận thức về việc phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF). Mục tiêu tổng quát chính của Dự án là hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất gạch không nung thay thế gạch nung hiện nay với mục tiêu dự kiến trong thời hạn 5 năm giảm phát thải trực tiếp 383.000 tấn CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước đạt 13,4 triệu tấn. CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi Dự án kết thúc.