Công đoàn Công Thương Việt Nam: Sáng tạo trong hoạt động đối ngoại

Sáng ngày 19/01/2016, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác đối ngoại năm 2016.

Vượt khó năm 2015

Theo nhận định của CĐCTVN, công tác đối ngoại năm 2015 diễn ra trong điều kiện tương đối thuận lợi. CĐCTVN tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của cấp trên cũng như sự cộng tác tích cực của các đơn vị trực thuộc, từng bước tạo được và tăng một số đầu mối thực hiện công tác đối ngoại của công đoàn trong hệ thống. Kết quả hợp tác quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là việc hình thành Cộng đồng ASEAN, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định Thương mại Tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EV - FTA)... khiến các hoạt động trao đổi, nhất là trao đổi thông tin giữa công đoàn Việt Nam và các nước gia tăng.

Tuy nhiên, đây lại được coi là một năm vượt khó của đối ngoại CĐCTVN trong bối cảnh phải hạn chế số lượng đoàn ra, số lượng thành viên tham gia đoàn đi công tác nước ngoài, cũng như tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn trong nước đều theo hướng tinh gọn, thiết thực. Năm 2015, CĐCTVN đã tổ chức được 6 lượt đoàn ra với 16 lượt cán bộ dự hội nghị, hội thảo và tập huấn tại nước ngoài, đón 8 đoàn với 88 khách quốc tế vào thăm và làm việc song phương, đón 4 lượt đoàn với 35 khách (không bao gồm khách quốc tế đang làm việc tại văn phòng đại diện Việt Nam) vào phối hợp tổ chức 20 lượt sự kiện...

Ông Nguyễn Xuân Thái - Phó Chủ tịch CĐCTVN cho biết, số lượng 6 lượt đoàn ra trong năm 2015 chỉ bằng 1/4 so các năm trước đó. Nguyên nhân là do các tổ chức tiếp tục thực hiện các quy định của Đảng, Chính phủ về “Tăng cường và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài”, nên tuy CĐCTVN nhận được nhiều lời mời dự các sự kiện của các tổ chức công đoàn quốc tế, nhưng do yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, một số hoạt động đối ngoại buộc phải hoãn hoặc cắt giảm. Mặt khác, để thực hiện một hoạt động đối ngoại, cần rất nhiều thủ tục và qua nhiều cấp, phần nào gây ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị và thực hiện, trong khi các doanh nghiệp còn rất bận với hoạt động chính là sản xuất - kinh doanh.

Công tác đối ngoại trong năm nay còn khá thành công trong việc phối hợp với các đoàn quốc tế tổ chức hội thảo, tập huấn về hoạt động công đoàn tại Việt Nam. Các sự kiện được thực hiện an toàn, hiệu quả, vận dụng sáng tạo nguồn hỗ trợ tài chính của đối tác nước ngoài. Qua đó, cán bộ công đoàn ngành Công Thương có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ về mọi mặt như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thương lượng, kỹ năng tập huấn công tác an toàn - vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phương pháp hoạt động công đoàn tại cơ sở đồng thời hiểu biết hơn về những khó khăn, thách thức trong xu thế toàn cầu hóa đối với hoạt động công đoàn.

Năm 2016 tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại

Năm 2016 được xác định là năm đổi mới hoạt động quan hệ quốc tế, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác đối ngoại, nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại, đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu quốc tế, tăng cường quan hệ với công đoàn các nước láng giềng, thúc đẩy các quan hệ truyền thống, đề xuất những nội dung hợp tác mới.

Tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác đã được ký kết song phương với các tổ chức công đoàn quốc tế và được phê duyệt, đồng thời tích cực, chủ động thực hiện những nhiệm vụ mới do Tổng LĐLĐVN giao hoặc những thỏa thuận với công đoàn bạn dưới sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN.

Mọi hoạt động đối ngoại của CĐCTVN đều thực hiện nhất quán theo phương châm “Chủ động - Linh hoạt - Sáng tạo - Hiệu quả” và “Tiết kiệm”, vì quyền và lợi ích của người lao động.

Ông Lý Quốc Hùng - Chủ tịch CĐCTVN tiếp thu ý kiến của Tổng LĐLĐVN để rút kinh nghiệm triển khai hoạt động đối ngoại năm 2016 tiết kiệm, hiệu quả

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, yêu cầu tiết kiệm được quát triệt chặt chẽ, để thực hiện hiệu quả hoạt động quan hệ quốc tế cần có sự đầu tư thích đáng, trọng tâm và thiết thực; đảm bảo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo thực hiện; biết nắm bắt tình hình và xu hướng vận động, biến đổi của phong trào công nhân, công đoàn trong nước và quốc tế; có kỹ năng lập kế hoạch và tổng hợp hoạt động, đồng thời, huy động sự tham gia của các cấp công đoàn trong hệ thống; tranh thủ được sự hỗ trợ về nhân tài, vật lực của đối tác một cách hợp lý. Mặt khác, cần có nền tảng hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau với các đối tác để tiếp tục duy trì và mở rộng quan hệ đối ngoại Công đoàn Ngành.

Để làm được điều này, CĐCTVN sẽ chủ động mở rộng quan hệ với các tổ chức công đoàn cùng ngành nghề theo định hướng hợp tác của Tổng LĐLĐVN, phát triển quan hệ có chiều sâu với các tổ chức thuộc nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại Việt Nam; đồng thời, xác định nội dung hợp tác phong phú, đa dạng nhưng phải cụ thể, thiết thực. Trong năm 2016, hợp tác đào tạo vẫn là một lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhất. Bên cạnh đó cần tiến hành các hoạt động hợp tác nghiên cứu…

Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Ban Đối ngoại Võ Văn Nhật ghi nhận những nỗ lực của CĐCTVN trong công tác đối ngoại và khẳng định, Tổng LĐLĐVN luôn cố gắng tạo điều kiện cho các công đoàn ngành trong hoạt động đối ngoại được thuận lợi nhất có thể. Tuy nhiên, một giải pháp mà theo ông Nhật, các công đoàn cần lưu ý là có kế hoạch và đẩy mạnh việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ công đoàn. Trong bối cảnh đoàn ra khó khăn, phải tiết kiệm triệt để chi phí thì việc một đoàn ra chỉ có 3 - 4 người, trong đó đã có 1 người là phiên dịch thì vô hình chung đã làm mất đi cơ hội học tập nâng cao trình độ của 1 cán bộ công đoàn.

Chủ tịch CĐCTVN Lý Quốc Hùng trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của Tổng LĐLĐVN trong các mặt hoạt động của CĐCTVN, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại. Ông Hùng tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ban Đối ngoại Tổng LĐLĐVN và sẽ rút kinh nghiệm triển khai trong năm 2016 sao cho hiệu quả và tiết kiệm.

Hồ Nga