Công đoàn Dệt May Việt Nam: Xây dựng hình ảnh đẹp và toàn diện của ngành Dệt May

20 năm qua, Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn sát cánh cùng người lao động, động viên người lao động chung sức xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn tron

Sức khỏe công nhân - “tài sản” doanh nghiệp

Công đoàn Tổng công ty Dệt May được thành lập năm 1996. Sau tái cơ cấu, Tổng Công ty Dệt May Việt Nam trở thành Tập đoàn Dệt May Việt Nam, thì Công đoàn Tổng Công ty Dệt May Việt Nam chuyển đổi thành Công đoàn Dệt May Việt Nam, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ I nhiệm kỳ (1998 - 2003)

Dệt may là một ngành kinh tế đặc thù, vừa mang tính chất thời trang, vừa mang tính chất thời vụ. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn giúp ngành phát triển bền vững. 20 năm qua, các cấp công đoàn Dệt May đã cùng với chuyên môn luôn hướng tới mục tiêu làm sao để công nhân được chăm sóc tốt về sức khỏe và tinh thần. Điều này giúp cho doanh nghiệp có lực lượng lao động khỏe mạnh, gắn bó hơn với nơi làm việc, góp phần nâng cao năng suất lao động, dẫn đến tăng trưởng kinh doanh bền vững...

Với sự vào cuộc của các cấp công đoàn, các doanh nghiệp đã nỗ lực tạo dựng một môi trường lao động tốt, bảo đảm điều kiện an toàn, môi trường vệ sinh, đầu tư các dịch vụ tiếp cận chăm sóc sức khỏe, làm cơ sở cho việc thiết lập mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

Dệt may còn là ngành kinh tế duy nhất có trên 80% lực lượng lao động nữ. Thực tế tại các doanh nghiệp, lao động nữ phần lớn ở độ tuổi rất trẻ nhưng ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin về sức khỏe sinh sản. Thêm vào đó, phần lớn lao động nữ nhập cư là đối tượng dễ bị bỏ quên, dễ bị tổn thương và gặp nhiều khó khăn về nhà ở… Từ thực tế đó, hoạt động công đoàn luôn hướng tới mục tiêu để nữ công nhân được chăm sóc tốt về mặt sức khỏe sinh sản; đồng thời, quan tâm tạo sự bình đẳng nam nữ về việc làm, thu nhập.

Những hoạt động trên cho thấy, các cấp công đoàn và chuyên môn trong ngành Dệt May thực sự coi sức khỏe, tinh thần của người công nhân là một loại “tài sản” quý giá của doanh nghiệp; coi đây là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì nếu không có lực lượng lao động khỏe mạnh, tận tụy với công việc thì doanh nghiệp không thể ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó cũng là con đường ngắn nhất dẫn tới sự phát triển bền vững, ổn định về xã hội và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Loại “tài sản” trên ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp và toàn ngành. Bởi lẽ, nước ta đang hướng tới trở thành một trung tâm sản xuất dệt may của thế giới. Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế thì điều kiện trở thành trung tâm sản xuất Dệt may của thế giới thì một ngành công nghiệp cần có khả năng cung ứng 10% trở lên nhu cầu của thế giới (hiện tại ta cung ứng được 4%); có khả năng phát triển bền vững trong 20-30 năm; có thị trường trong nước quy mô đủ lớn; có hệ thống giao thông và nhất là hệ thống cảng biển thuận tiện cho xuất khẩu; chi phí ngoài sản xuất có tính cạnh tranh cao, nhất là cạnh tranh về thời gian giao hàng…

Đối chiếu với các tiêu chí trên thì Việt Nam đủ các điều kiện đề phát triển thành trung tâm Dệt may của thế giới trong 10-15 năm tới. Lý do hết sức thuyết phục là để sản xuất cung ứng trên 70 tỷ USD hàng Dệt may (đáp ứng tiêu chí 10% nhu cầu thế giới), Việt Nam cần có khoảng 7-8 triệu lao động trong khu vực này, tăng thêm 5 triệu lao động so với hiện nay. Với quy mô dân số Việt Nam, đặc biệt là với 30 triệu lao động còn ở khu vực nông thôn, theo tính toán là dư thừa khoảng 20% lao động thì việc thu dụng thêm 5 triệu lao động trong 10-15 năm tới là hoàn toàn khả thi. Chính vì thế, chính sách coi trọng sức khỏe người công như “tài sản” của doanh nghiệp, tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp sẽ càng phát huy tác dụng, lợi thế để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn nhân lực vào khu vực này.

Sức lan tỏa của các phong trào thi đua

Năm 2015, với 27,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, Dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; sử dụng trên 2,5 triệu lao động công nghiệp; tạo 1/5 số việc làm mới hàng năm; là nước có quy mô dệt may xuất khẩu đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 - 2014, Dệt may Việt Nam là quốc gia duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, chứng tỏ năng lực cạnh tranh của ngành trên thế giới khá tốt; năng suất lao động kỹ thuật ngành May Việt Nam được xếp vào top đầu của thế giới, v.v…

 Các hoạt động phong trào của Công đoàn Dệt May đã góp phần làm cầu nối gắn kết người lao động thi đua hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho toàn ngành

Những thành tựu trên là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh hội nhập sâu rộng hơn nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Đồng thời, cũng khẳng định sức vươn lên bằng nội lực mạnh mẽ của ngành, trong đó có sự góp sức của các phong trào thi đua có sức lan tỏa đến từng người lao động.

Trong quá trình phát triển và trưởng thành, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức và phát động nhiều phong trào có ý nghĩa thiết thực và mang những nét nổi bật của công nhân lao động dệt may. Điển hình là vận động CNLĐ hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và cuộc vận động "Đồng hành cùng doanh nghiệp Dệt May VN cùng đồng bào biển đảo của Tổ quốc"; tham gia sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước, như Phong trào "Năng suất, chất lượng, hiệu quả"; Phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", Phong trào "Phụ nữ hai giỏi" với hàng trăm danh hiệu Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà cấp ngành và cấp toàn quốc; Hội thi thợ giỏi ngành dệt may...với hàng trăm thợ giỏi, bàn tay vàng cấp ngành đã được suy tôn, trong đó có cả các giải cấp ASEAN và các phong trào khác...

Tại Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ (2013-2018), đồng chí Nguyễn Văn Ngàng, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đánh giá cao những thành tích đạt được của Công đoàn Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2013; đồng thời giao nhiệm vụ cho Ban thường vụ và BCH nhiệm kỳ này: “Công đoàn Dệt May Việt Nam cần tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền, giáo dục động viên CBCNVC và người lao động tích cực phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, không ngừng nâng cao hiệu quả SXKD và tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trong năm 2014, Công đoàn Dệt - May Việt nam đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, trong đó nổi bật là phong trào thi đua LĐ giỏi, LĐ sáng tạo, thu hút 755 sáng kiến với giá trị làm lợi 23.386 tỉ đồng và làm mới 83 công trình trị giá 183.588 tỉ đồng. Năm 2015, Các hoạt động phong trào là cầu nối gắn kết người lao động thi đua hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất - kinh doanh, với 1.115 sáng kiến cải tiến tương đương tổng giá trị làm lợi là 55.089 tỷ đồng; thưởng sáng kiến trên 2,3 tỷ đồng. Cụ thể, có 25 công trình trị giá 703 tỷ đồng; cấp ngành có 3 công trình được gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ II và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Kết quả năm 2015, Tập đoàn Dệt May Việt Nam có 80% đơn vị đạt danh hiệu CĐ cơ sở vững mạnh.

Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn kịp thời động viên khen thưởng những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong các phong trào hoạt động  qua các năm

Hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày thành lập CĐDMVN (14/9/1996 - 14/9/2016), từ nhiều tháng nay, công nhân, viên chức lao động và công đoàn Dệt May các cấp đã tổ chức nhiều các hoạt động thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng. Nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân và hàng vạn cán bộ, công nhân, viên chức lao động đã phấn đấu đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và sản xuất, kinh doanh. Trong chuỗi hoạt động đó, có việc tổ chức tôn vinh cán bộ công đoàn giỏi, gia đình và người lao động dệt may tiêu biểu, lao động dệt may sáng tạo; đặc biệt là cuộc thi “Cán bộ công đoàn giỏi ngành Dệt may năm 2016” được triển khai sâu rộng tới toàn thể các công đoàn cơ sở…

20 năm qua, Công đoàn đã cùng với các cấp chuyên môn quan tâm chăm lo tới sức khỏe, tinh thần người, làm cơ sở cho việc thiết lập mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp và đẩy mạnh các phong trào thi đua, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong lòng người lao động, cũng như lãnh đạo chuyên môn, góp phần xây dựng một hình ảnh đẹp và toàn diện của ngành Dệt May Việt Nam.