Công nghiệp - Thương mại 9 tháng năm 2015: Dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển

Ngày 05/10/2015, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 9 và 9 tháng năm tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ
Ngành sản xuất đang ổn định

Báo cáo của Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 9 năm 2015 tăng 10,1% so với tháng 9 năm 2014. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8% (cao hơn mức tăng 6,7% của cùng kỳ 9 tháng năm 2014 so với năm 2013 và mức tăng 5,4% của cùng kỳ 9 tháng năm 2013 so với năm 2012). Điều đáng mừng là các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,2%; ngành khai khoáng tăng 8,2%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4%. Một sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng 9 tháng năm 2015 cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành, gồm: điện sản xuất tăng 12,3%; thép cán tăng 20,1%; điện thoại di động tăng 50,4%; ti vi tăng 45,5%; ô tô tăng 55,3%; giày, dép da tăng 24,1%...

Cùng với sản xuất tiếp tục phát triển, tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2015 tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2014. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng đầu năm 2015 tăng 13,2% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (năm 2014 tăng 8,9% so với năm 2013). Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng cao so với cùng kỳ, như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 85,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 27,5%; sản xuất kim loại tăng 23,7%;... Theo đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với năm 2014. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm từ 10,9% vào 3 tháng đầu năm 2015, xuống còn 9,9% vào 9 tháng 2015.

Điều này cho thấy mặc dù còn nhiều khó khăn tác động đến phát triển kinh tế Việt Nam… nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sản xuất đang ở mức ổn định, tiêu thụ tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn so với cùng kỳ,… Đây là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Xuất khẩu tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014

9 tháng 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt gần 120,7 tỉ USD (bằng 73,1% mục tiêu kế hoạch), tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với 10,6 tỷ USD); trong đó có 24 mặt hàng có KNXK trên 1 tỷ USD.

Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa 9 tháng ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, 9 tháng năm 2015 nhập siêu ước khoảng 3,86 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu, chủ yếu với khu vực Châu Á. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,9 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 15,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là xuất khẩu ước đạt khoảng 73,2% kế hoạch năm 2015. Trong đó, khối các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng ngày càng tăng, xuất khẩu của khối FDI (không kể dầu thô) 9 tháng năm 2015 chiếm tỷ trọng 68% (9 tháng năm 2014 chiếm tỷ trọng 61,6%). Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm cho thấy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn.

Tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2015 thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2014 (tăng lần lượt là 9,6% và 14,6%), nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu giảm. Các mặt hàng xuất khẩu có sự tham gia của khối FDI như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện có mức tăng trưởng xuất khẩu không mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện sau một thời gian tăng trưởng cao, các mặt hàng này đã có sự tăng trưởng ổn định. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may, giầy dép, đồ gỗ vẫn giữ mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung đã đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng qua.

Tiếp tục nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm

Báo cáo của một số tập đoàn, địa phương và hiệp hội tại Hội nghị cho thấy những thuận lợi và khó khăn mà doanh nghiệp đã và đang phải nỗ lực vượt qua và cần sự điều chỉnh, hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành chức năng.

Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, điện thương phẩm tháng 9 của Tập đoàn đạt 12,88 tỷ kWh, lũy kế 9 tháng đạt 106,7 tỷ kWh, tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hệ số đàn hồi cao, đang tăng gấp 2 lần là vấn đề lo ngại trong việc sử dụng điện năng, vì thế cần phải tiếp tục sử dụng tiết kiệm điện.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Hùng Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tính đến hết tháng 9, Tập đoàn đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn dầu thô, tăng 4,7% so với cùng kỳ, nhưng doanh thu chỉ đạt 3,05 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước, với mức xuất khẩu 6,8 triệu tấn dầu thô nhưng doanh thu đã đem về tới 5,98 tỷ USD. Tổng doanh thu của Tập đoàn đến hết tháng 9 vẫn đạt 423.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 89.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá dầu duy trì ở mức thấp (bình quân trong tháng 9 chỉ đạt 48 USD/thùng) đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và nhiều hoạt động khác.

Theo ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), ngành Than đã nhanh chóng tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tháng 8 vừa qua, chỉ sau 1 tháng các mỏ đã tiếp tục hoạt động trở lại, ổn định đời sống người lao động sau, riêng mỏ Mông Dương bị ảnh hưởng nặng nên dự kiến đến tháng 11/2015 sẽ tái sản xuất. Trong 9 tháng 2015, giá trị sản xuất tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cân đối tài chính khó khăn do giá than thế giới thấp, sản lượng than xuất khẩu giảm, lợi nhuận của than thấp nên đang ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn đầu tư cho các dự án. Ông Biên đề nghị, tiếp sau Quy hoạch 60 điều chỉnh, cần điều chỉnh biểu đồ nguồn than nếu xu hướng doanh nghiệp trong nước sử dụng ngày càng nhiều than trong nước, cần phải có kế hoạch phân chia, cung cấp than hợp lý; đồng thời tiếp tục hội thảo về các luật Thuế như tài nguyên, môi trường để có mức thuế hợp lý, đỡ khó cho doanh nghiệp trong thời gian tới.


Ông Huỳnh Minh Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VSA) cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 ước đạt 500.000 tấn với trị giá đạt 207 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng khoảng 4,35 triệu tấn, tương ứng giá trị 1,95 tỷ USD, giảm 9,12% về khối lượng và giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014, do nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam trong các tháng đầu năm sụt giảm mạnh, cộng với yếu tố giá giảm khoảng 5,08%. VSA dự báo, nhu cầu gạo tại các thị trường truyền thống đang có dấu hiệu hồi phục tích cực, giúp cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng tới sẽ khả quan hơn.

Mục tiêu kế hoạch năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt khoảng 10%, giá trị tăng thêm công nghiệp tăng khoảng 7-7,5%/năm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,3% và kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 5%.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một số giải pháp mà Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội… cần quan tâm thực hiện. Đó là: Đẩy mạnh giải pháp kết nối thị trường trong và ngoài nước, dự báo được xu hướng giá cả thị trường thế giới; tăng cường phòng chống buôn lậu, chống hàng giả hàng kém chất lượng, đồng thời tích cực chuẩn bị sản xuất hàng phục vụ tết Nguyên đán 2016 sắp tới, làm tốt công tác điều tiết, bình ổn thị trường trong dịp Tết, tránh xáo trộn thị trường. Với xăng dầu, điện, cần bám sát thị trường thế giới và đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thị trường, người tiêu dùng và đảm bảo sự phát triển của ngành. Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; Các Tập đoàn, tổng công ty cần đẩy mạnh tiến độ các công trình trọng điểm để sớm đưa vào khai thác, góp phần tạo tăng trưởng cho năm 2016 và thời gian tiếp theo, kịp thời phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền phải chủ động tích cực, đa dạng hơn các hình thức thông tin với các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương về các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục cải cách hành chính, cấp phép trực tuyến, cấp C/O điện tử nhanh hơn, trách nhiệm hơn. Cục Quản lý cạnh tranh cần tăng cường nắm bắt xu thế thị trường tiềm năng về phòng vệ thương mại và tranh chấp thương mại, trong đó lưu ý một số mặt hàng mới đang khó khăn như tôn, tôn lạnh, sắt thép và có cảnh báo kịp thời với doanh nghiệp để xây dựng thị trường bền vững.