Công suất tăng 2,8 lần sau 6 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh

Sau một năm vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh, quy mô thị trường đã được tăng lên, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Đây là tín hiệu vui được các chuyên gia, đại biểu thông tin tại Hội nghị "Tổng kết Công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm (giai đoạn 1/7/2017 đến 30/6/2018)", Hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/10/2018, tại Hà Nội.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Quang Anh, Phó trưởng phòng phát điện, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2012. Trải qua 6 năm vận hành, đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực.

Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 87 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường, với tổng công suất đặt 22.946MW, tăng 2,8 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012 (chỉ có 31 nhà máy điện).

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết Công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểmThứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết Công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm

Bên cạnh đó, hệ thống điện tiếp tục được vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, không có sự cố có nguyên nhân từ việc vận hành thị trường điện đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Ngoài ra, thị trường điện đã giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng để thu hút các nhà đầu tư.

“Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống”, ông Phạm Quang Anh khẳng định.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhiệt điện Hải Phòng cho rằng, khi tham gia vào thị trường điện, doanh nghiệp ký hợp đồng bán buôn nên có nhiều thuận lợi trong việc chủ động lập kế hoạch. Ví dụ, như trong mùa khô, doanh nghiệp vừa có thể phát sản lượng cao và lợi nhuận cao vừa có kế hoạch trong sửa chữa máy. Mùa mưa, doanh nghiệp bố trí sửa chữa các tổ máy để phục vụ trong mùa khô phát công suất cao...

Sau một năm vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh, quy mô thị trường đã được tăng lên, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.Sau một năm vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh, quy mô thị trường đã được tăng lên, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Đánh giá một lần nữa về công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm, ông Phùng Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện I cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành đã giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tính toán, lập kế hoạch vận hành cho các nhà máy, lập lịch huy động và bảo dưỡng sửa chữa.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, đối với các nhà máy nhiệt điện, do chào giá theo chi phí biến đổi nên giá thị trường trong ngày thay đổi từng chu kỳ giao dịch, dẫn tới phải tăng giảm tải nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng tuổi thọ thiết bị và tăng nguy cơ sự cố...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam, đã được quy định trong Luật Điện lực năm 2004, và tiếp tục được cụ thể hóa trong Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.

Theo đó, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 03 cấp độ: i) Thị trường phát điện cạnh tranh; ii) Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; và iii) Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

“Tôi hy vọng, các đại biểu tham dự Hội nghị thẳng thắn trao đổi, đánh giá khách quan và toàn diện về các kết quả đạt được cũng như các khó khăn vướng mắc trong vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, cũng như các công tác chuẩn bị cho Thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2019”, Thứ trưởng Vượng kỳ vọng.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng giao Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện khung khổ pháp lý hơn nữa trong lĩnh vực này, hướng tới Thị trường phát điện cạnh tranh vận hành ổn định đạt hiệu quả cao nhất đồng thời đảm bảo việc triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị cho Thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2019.

Song song với công tác củng cố và phát triển Thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu chuẩn bị cho Thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng Lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 10 tháng 8 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 8266/QĐ-BCT phê duyệt Thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh, và chính thức triển khai các công tác vận hành thí điểm Thị trường bán buôn điện thí điểm từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Theo kế hoạch dự kiến, sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thí điểm, Thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được vận hành chính thức từ năm 2019.

“Các đơn vị cần tập trung thực hiện hoàn thành tốt giai đoạn vận hành thí điểm các tháng cuối năm 2018; hoàn thành Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện; đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT cũng như tiếp tục triển khai đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị thành viên đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện”, Thứ Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Thu Thủy