Công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh ở vị trí chuyển tiếp giữa vùng núi Trung tâm Bắc bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng nên có môi trường tự nhiên khá đa dạng. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua đã tạo

Phú Thọ là một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2012 đạt 27.320,3 tỷ đồng; năm 2013 tăng 6,43% so với năm 2012; GDP bình quân đầu người đạt 20,42 triệu đồng/năm (năm 2012) và đạt 22,5 triệu đồng (năm 2013). Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, những tác động xấu tới môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người mà người dân Phú Thọ đang là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Dệt Vĩnh Phú

Thực tế cho thấy, ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phát sinh chủ yếu từ các nguồn sau:

- Do sản xuất công nghiệp: Tập trung tại các khu, cụm công nghiệp cũ trước đây như: Khu công nghiệp Nam Việt Trì, Bãi Bằng, Lâm Thao, Thanh Ba và mới đây là Khu công nghiệp Thụy Vân, do chưa được đầu tư các hệ thống xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đảm bảo tiêu chuẩn cho phép.

- Do chất thải đô thị: Nước thải đô thị chưa được đầu tư hệ thống xử lý tập trung, rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, đặc biệt là các vùng ven đô thị, gây ô nhiễm môi trường mất mỹ quan đô thị.

- Do các hoạt động sản xuất tại làng nghề thủ công truyền thống: Chủ yếu phát sinh từ các hoạt động sản xuất mỳ bún gạo, các cơ sở mộc gia dụng, chế biến gỗ, tái chế nhựa…

- Ô nhiễm môi trường nông thôn: Phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt (chủ yếu tại các xã đồng bằng ven đô thị). Chất thải phát sinh bao gồm chất thải sinh hoạt (rác thải, nước thải) và chất thải chăn nuôi.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và tính đặc thù môi trường của tỉnh, trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân quan tâm, chú trọng thực hiện.

Để triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về BVMT, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định và chương trình hành động, như ban hành Chỉ thị số 32 CT/TU ngày 25/5/2005 về triển khai thực hiện Nghị quyết 41 NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 5/9/2012 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý và BVMT trên địa bàn tỉnh, Chiến lược BVMT tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020,…

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng rất coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, xác định đúng và phân cấp trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác BVMT; nâng cao ý thức chấp hành luật pháp và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác môi trường. Tỉnh tập trung cải thiện môi trường ở vùng đông dân cư, các khu, cụm công nghiệp, vùng nông thôn, làng nghề; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng; xã hội hóa công tác BVMT; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho BVMT...

Trong công tác điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện quan trắc, phân tích chất lượng môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất định kỳ 4 lần/năm.

Về công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận cam kết BVMT, tính đến cuối năm 2013, tỉnh đã phê duyệt 205 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 54 dự án cải tạo, phục hồi môi trường, 55 đề án BVMT và xác nhận 1.692 bản cam kết BVMT.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về BVMT được tỉnh quan tâm, tăng cường triển khai. Điển hình là việc xử lý ô nhiễm môi trường do kho thuốc trừ sâu cũ tại xã Yên Tập, Cẩm Khê; đôn đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam cải tạo hồ bùn vôi, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải; yêu cầu Công ty TNHH Miwon Việt Nam đổi mới công nghệ, đầu tư hệ thống xử lý khói bụi, nước thải,…

Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường rác thải, chất thải trong chăn nuôi ở tỉnh Phú Thọ luôn ở mức báo động và có chiều hướng gia tăng. Khắc phục tình trạng này, nhiều địa phương đã triển khai thành công phương pháp chăn nuôi lợn có sử dụng đệm lót sinh học. Phương pháp này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tăng thu nhập cho người chăn nuôi.Mới đây, tỉnh Phú Thọ cũng đã triển khai 3 mô hình xử lý môi trường, chuồng trại chăn nuôi và rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm EMUNIV. Theo đánh giá của các ngành liên quan, đây là mô hình có tác dụng BVMT rất tốt bởi EMUNIV là một chế phẩm sinh học gồm tập hợp nhiều vi sinh vật hữu hiệu, có tác dụng phân giải nhanh các chất hữu cơ có trong rác thải, phế thải nông nghiệp, than bùn tạo thành các chất dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng; tạo chất kháng sinh để tiêu diệt một số vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng; ức chế sinh trưởng các vi sinh vật gây thối, làm mất mùi hôi; hình thành các chất kích thích sinh trưởng thực vật, giúp cây phát triển tốt.

Để hạn chế hơn nữa tình trạng ô nhiễm môi trường ở thành thị cũng như ở nông thôn, Phú Thọ còn tập trung cải thiện chất lượng môi trường và phục hồi hệ sinh thái, tiến tới ngăn chặn và kiểm soát mức độ gia tăng ô nhiễm. Phấn đấu đến năm 2015: 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ sạch hoặc có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% chất thải bệnh viện được thu gom xử lý tập trung. Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh phấn đấu 30% số gia đình, 70% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn, 80% khu dân cư có thùng rác tập trung; phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường... Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung cải thiện chất lượng môi trường thông qua việc hoàn thành cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt ở khu vực đô thị, nước thải khu, cụm công nghiệp; 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; phục hồi 100% các khu vực khai thác khoáng sản theo đề án được duyệt, độ che phủ rừng đạt trên 50%...

Cũng trong giai đoạn này, Phú Thọ tập trung ngăn chặn cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường bảo đảm phát triển bền vững. Tỉnh chủ động kiểm soát và xử lý môi trường bằng việc hạn chế nhập khẩu và lưu hành các loại phương tiện giao thông, máy móc đã quá hạn sử dụng, gây ô nhiễm môi trường; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ trong việc BVMT...