Công Thương - ngành đi đầu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng

Trong năm 2017, không ký được TPP 12 và nhiều tồn tại, bấp cập tại các dự án đầu tư không hiệu quả... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành Công Thương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công

Ngành Công Thương tăng trưởng toàn diện

Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương, để nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lại câu nói nổi tiếng của nhà Bác học Lê Quý Đôn: “Phi nông bất ổn. Phi công bất phú. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng” và khẳng định, trong 4 loại hình này, Bộ Công Thương có tới 2 lĩnh vực là công và thương.

“Đây là vinh dự, danh dự và cũng là trách nhiệm của ngành đối với vận mệnh quốc gia của dân tộc, đóng góp vào sự hưng thịnh của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: ngành Công Thương cần biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn

Thủ  tướng đánh gía cao những nỗ lực của  ngành Công Thương, theo đó năm 2017 Ngành đã có nhiều đột phá, nổi bật là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao với tăng 14,5%, đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm qua trong khi khai khoáng giảm. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng công nghiệp có sự chuyển đổi rõ nét và tích cực dựa trên tăng trưởng ngành chế biến và chế tạo, giảm dần ngành nhập khẩu.

Xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 18 tỷ USD, dệt may đạt 32 tỷ USD trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt cũng không hề đơn giản. Các lĩnh vực dầu khí, than, khoáng sản tổng quát ứ đọng tiêu thụ, nhưng nhìn chung vẫn có lãi. Tập đoàn Hóa chất có 4 đơn vị khó khăn, nhưng 18 đơn vị còn lại có lãi.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có đóng góp lớn trong phát triển công nghiệp, điển hình như Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Nam... Và cũng nhờ đầu tư phát triển công nghiệp, một số địa phương đã thoát nghèo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã đề cao vai trò quan trọng của ngành Công Thương trong năm 2017

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã đề cao vai trò quan trọng của ngành Công Thương trong đóng góp chung vào phát triển kinh tế trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

“Kết quả này cần được ghi nhận đặc biệt. Năm 2017, kinh tế thế giới phục hồi rõ nét, cải cách hành chính thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Kết quả này thể hiện rất rõ ràng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Công Thương, đặc biệt là sự quyết liệt của “tư lệnh” ngành, từ đồng chí Bộ trưởng đến tất cả các đơn vị có liên quan” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ.

Ông Trần Thanh Nam cũng khẳng định, nỗ lực của ngành Công Thương đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành nông nghiệp

Đánh giá thêm về kết quả của ngành Công Thương trong một năm qua, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định, nỗ lực của ngành Công Thương đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành nông nghiệp trong một năm qua, cụ thể kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt con số 36,7 tỷ USD.

Đây được coi là sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành trong mảng nông sản. Năm 2017, hai Bộ đã cùng tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu tại các thị trường trọng tâm như EU, Mỹ, Úc. Đối với thị trường trong nước, hai Bộ cũng có kế hoạch hợp tác trong việc đảm bảo cung cầu, lượng hàng hóa, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

Năm 2017, các doanh nghiệp trong nước đều cố gắng vượt khó, nhìn vào các dự án đầu tư đều có nhân tố mới. Thủ tướng dẫn chứng, trong lĩnh vực ô tô đã xuất hiện thêm nhiều dự án mới, như Tập đoàn Vingroup với Dự án sản xuất ô tô Vinfast hay Thaco Trường Hải, Hyundai Thành Công... Cần phải khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân để có thêm các dự án đầu tư.

Đánh giá, mô hình tăng trưởng công nghiệp có sự chuyển đổi rõ nét, tích cực, dựa trên công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần nhập khẩu, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước trực thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương. Nổi bật là Sabeco - thương vụ mua bán cổ phần lớn nhất toàn cầu những tháng cuối năm 2017 với cách tổ chức niêm yết công khai, minh bạch, đấu giá, khớp lệnh trên sàn chứng khoán.

Thủ tướng nhấn mạnh, Công Thương phải là ngành đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng

Thành công của thương vụ Sabeco thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, niềm tin vào Chính phủ và kinh tế vĩ mô của Việt Nam và mang ý nghĩa là động lực cho sự thành công của các phiên thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tiếp theo.

Đồng hành với ngành Công Thương trong thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu phát triển công nghiệp và thương mại. Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ: "Trong năm 2017, Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao thương kết nối giữa Hà Nội và 50 tỉnh, thành phố với hơn 200 doanh nghiệp tham gia, ký kết trên 400 biên bản ghi nhớ với giá trị gần 25.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2016”.

Cũng theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: năm 2017, ngành Công Thương thành phố có giá trị gia tăng tạo ra ước đạt 355.646 tỷ đồng, chiếm 33,54% GRDP của thành phố (năm 2016, chỉ chiếm 31,97%). Trong đó, công nghiệp chiếm 20,5%, giá trị gia tăng ngành Công Thương năm 2017 ước tăng 7,75%, đóng góp 2,49 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế 8,25% của thành phố (công nghiệp đóng góp 1,49%, thương mại đóng góp 1,0%).

Công Thương - ngành đi đầu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng

Phát biểu chỉ đạo về phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ của ngành Công Thương 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: từ năm 2018 ngành Công Thương cần phải là ngành đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và là ngành đi đầu trong việc đưa ra các chính sách để giải phóng sức sản xuất của đất nước.

Vì vậy, Thủ tướng đã đặt ra một loạt các câu hỏi với Bộ Công Thương đó là: Làm sao ngành Công Thương phải ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường?; Làm sao thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các kênh phân phối hàng hóa?; Làm cách nào để tìm ra giá trị gia tăng mới trong công nghiệp chế biến ở Việt Nam?. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Bộ phải biến những câu hỏi của Thủ tướng thành hành động trong từng lĩnh vực cụ thể.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và tăng năng suất. Đối với nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước mà Bộ đang quản lý, Thủ tướng cho rằng mặc dù công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đã có bước chuyển biến, với thương vụ nổi tiếng thế giới, song vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, trong năm nay và các năm sau Bộ cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác này.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cũng cầu Bộ Công Thương phải là đơn vị đi đầu trong hành động với phương châm: Đổi mới, đổi mới hơn nữa; Quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; Sáng tạo, sáng tạo hơn; Hiệu quả, hiệu quả hơn nữa.

Bộ Công Thương và các cấp, các ngành phải “vượt qua tư duy nhiệm kỳ, tư duy e ngại, khó khăn”; “biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành khác một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng.


Hoàng Hòa - Huy Thắng