Công ty TNHH MTV Thép miền Nam: Về lại với khách hàng

Thực hiện tái cấu trúc đã mang lại những thay đổi lớn cho Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP. Nhờ vậy, Thép miền Nam đã lại được khách hàng đón nhận tr

Trước khi Công ty TNHH MTV Thép miền Nam thực hiện tái cấu trúc, bộ máy của Thép miền Nam rất cồng kềnh, dàn trải, việc sắp xếp người chưa đúng dẫn đến hiệu suất công việc không cao. Chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất đến đầu ra không tập trung, phân tán. Chẳng hạn như đầu vào nguyên liệu với đầu ra sản phẩm của Thép miền Nam hoàn toàn do các phòng, các ban của Tổng công ty quản lý. Từ bất cập thứ hai này dẫn đến bất cập thứ ba. Hệ thống phân phối của Tổng công ty Thép Việt Nam thông qua một hệ thống trung gian là các chi nhánh, điều này làm cho sản phẩm của các công ty sản xuất, trong đó có Thép miền Nam, tới tay người tiêu dùng đều đã bị tăng chi phí, từ đó dẫn đến công tác dịch vụ kém, rồi thị trường, thị phần thu hẹp dần…

Do vậy, muốn thay đổi, muốn làm chủ thị trường, Thép miền Nam buộc phải thực hiện tái cấu trúc. Sau khi được Tổng công ty cho phép chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình TNHH MTV, được trao quyền tự quyết, Thép miền Nam đã triển khai thực thi các giải pháp quan trọng, tình hình sản xuất kinh doanh đã có những thay đổi lớn và đặc biệt, đã tìm lại được tình cảm yêu thương mà khách hàng yêu chuộng thép miền Nam từ bao lâu nay đã giành cho.

Được cởi “trói”, Thép miền Nam bắt đầu lại từ đầu và triết lý kinh doanh đầu tiên áp dụng là xây dựng lại uy tín với khách hàng. Triết lý thứ hai là chia sẻ lợi ích với khách hàng bởi nhà sản xuất và khách hàng là cùng chung một con đường nên chung cả lợi ích lẫn khó khăn. Cần chia sẻ thẳng thắn để hai bên kết hợp với nhau đi đường dài, không chỉ vì những mục tiêu ngắn hạn. Triết lý này được truyền đạt tới các nhà phân phối chính, vì vậy, sự gắn bó giữa Công ty với khách hàng rất tốt. Trong kinh doanh, chi phí từ sản xuất xuống người tiêu dùng ít nhất, thấp nhất sẽ là tối ưu nhất. Điều này chỉ có thể thực hiện khi giảm thiểu các khâu trung gian. Và tái cấu trúc với sự mạnh mẽ, quyết liệt đã mang lại sự tinh giản và hiệu quả cần có cho một doanh nghiệp đang muốn thay đổi.

Thông thường việc xây dựng lại, giành lại thị trường… dù được đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn so với việc mới ra mắt, song cũng đầy khó khăn bởi câu chuyện niềm tin. Thép miền Nam cũng vậy.

Việc bỏ đi các chi nhánh trực thuộc là một quyết tâm và sự cứng rắn tuyệt đối của ban lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam mà xưa nay chưa có tiền lệ. Thực hiện tái cấu trúc, cắt bỏ những phần cơ thể không cần thiết, không còn phù hợp với thực tế có nghĩa là lãnh đạo phải chấp nhận vấp phải phản ứng của chính những người bị thuyên chuyển công tác, của dư luận đầy những nghi ngờ, thiếu niềm tin vào sự thành công. Đây đúng là một canh bạc cho công tác quản lý.

Những tháng ngày khởi đầu, lãnh đạo Tổng công ty mà trực tiếp là Tổng giám đốc, Ban Tổng giám đốc và lãnh đạo Thép miền Nam đều trăn trở tìm cách giải quyết khâu thị trường. Họ dành 5 ngày đầu tiên đi xuống nhà phân phối cấp 1 để tìm hiểu tâm tư của họ, rồi nói chuyện với họ về cam kết, về định hướng mới của Công ty. Họ cứ nói thôi, khách hàng cũng cứ nghe thôi, còn chuyện tin thì phải chờ 1 năm, 2 năm sau, từng bước một và không thể nóng vội.

Thật may mắn, thực chất thì những khách hàng này đã gắn bó từ sau ngày giải phóng. Khi mà lãnh đạo lớn đích thân đi xuống nói chuyện thì họ xúc động lắm, tính cam kết tăng lên rất nhiều, khách hàng đã bị chinh phục. Các nhà phân phối thép lâu năm đều là những nhà phối lớn, có năng lực mạnh và vì vậy họ có rất nhiều lựa chọn trong việc xem ai là đối tác. Tuy nhiên, trong họ có một tình cảm sâu đậm với thép chữ V, với Công ty thép miền Nam, họ luôn chờ đợi sự quay lại của chúng tôi. Đối với người tiêu dùng miền Tây thì thép chữ V đã ăn sâu vào tiềm thức về một loại thép chất lượng, uy tín nhất của người Việt, rất khó thay thế. Đó là những giá trị của truyền thống, nhưng thực tại đã mai một đi do quy luật của sự phát triển. Ai mạnh người đó thắng, đây là sự cạnh tranh. Với sản lượng sấp xỉ 1 triệu tấn/năm, hiện Thép chữ V đang là hàng đầu trong khu vực phía Nam, song danh vị này không phải bất biến - Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam phải đối diện với điều này để luôn không ngừng đổi mới.

Khách hàng đã đặt niềm tin vào Thép miền Nam, cũng giống như Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP đã đặt niềm tin vào Công ty TNHH MTV Thép miền Nam. Thật vui mừng là niềm tin đã đúng chỗ. Kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Thép miền Nam đã cho thấy điều đó. Thực hiện tái cấu trúc vào tháng 7/2014 và đến 1/1/2015 thì chuyển thành Công ty TNHH MTV, đến cuối 2015 đã đạt kết quả như sau:

Thứ nhất, về sản xuất phôi, lần đầu tiên đạt được kế hoạch 560 ngàn tấn, vượt so với mức độ bình quân trước đây cũng chỉ có được 480 ngàn tấn. Vượt trung bình 5 năm về trước là 12% so với thiết kế, vượt 25% so với cùng kỳ của 5 năm gần đó.

Thứ hai, sản xuất thép cán. Vượt 16% so với trung bình 5 năm liền kề trước đó, vượt 10% so với thiết kế.

Thứ ba, tiêu thụ vượt 23% so với trung bình 5 năm trước đó. Lợi nhuận đạt trên 300 tỷ đồng trước thuế.
Minh Thủy