Công ty TNHH MTV Thép Tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL: Tái cấu trúc thôi thúc nỗ lực không ngừng

Công ty TNHH MTV Thép Tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL là công ty con của Tổng công ty Thép Việt Nam- CTCP. Thời điểm trước khi bắt tay thực hiện tái cấu trúc, Công ty hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, quyết tâm

PV: Thưa ông, những bất cập của Công ty TNHH Thép Tấm lá Phú Mỹ trước khi thực hiện tái cấu trúc đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh như thế nào?


TGĐ Phan Quốc Tuấn: Tiền thân của Thép Tấm lá Phú Mỹ là Ban quản lý dự án Nhà máy Thép cán nguội Phú Mỹ do Tổng công ty Thép Việt Nam làm chủ đầu tư. Trải qua nhiều năm tháng sau đó, Công ty Thép Tấm lá Phú Mỹ trực thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam. Đến cuối năm 2014, Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP quyết định chuyển đổi đơn vị thành Công ty ty TNHH Một thành viên Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL.

Thép Tấm lá Phú Mỹ luôn là một đơn vị có hệ thống máy móc dây chuyền thiết bị hiện đại vào bậc nhất trong hệ thống VNSTEEL. Ngay từ tháng 7/2006, Công ty đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và được Trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn QUACERT cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2000, và cấp giấy chứng nhận môi trường Công ty phù hợp tiêu chuẩn ISO 14001:2004 vào ngày 15/01/2007.

Dù sở hữu những điều kiện thuận lợi như vậy nhưng từ năm 2008 đến năm 2014, Thép Tấm lá Phú Mỹ bắt đầu gặp nhiều khó khăn cả vĩ mô lẫn vi mô. Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường biến động lớn và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp cùng kinh doanh một mặt hàng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn. Những tồn tại trước khi chuyển đổi có thể nói gọn là sản lượng sản xuất thấp nên chưa phát huy hết năng suất của máy móc thiết bị, trong khi đó chi phí sản xuất cao làm cho sức cạnh tranh yếu so với các đối thủ cùng ngành.

PV: Sau khi thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH MTV, những bất cập này được giải quyết như thế nào, thưa ông?


TGĐ Phan Quốc Tuấn: Chủ trương của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 và nghị quyết của Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam - CTP là: Các công ty trực thuộc tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh thép nhằm nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thép Tấm lá Phú Mỹ phải trở thành một công ty hạch toán độc lập để phát huy hết công suất được đầu tư, đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép dẹt nhằm phát triển bền vững.

Sau khi chuyển đổi thành công Công ty TNHH MTV, Công ty thành lập ngay Ban thực hiện tái cơ cấu công ty gồm Ban điều hành Lãnh đạo chủ chốt của các Phòng nghiệp vụ, Phân xưởng sản xuất, thực hiện công việc rà soát tất cả các vấn đề tồn tại lien quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty để có kế hoạch lộ trình từng bước khắc phục cụ thể.

Để có thể nói hết về sự thay đổi trước và sau khi tái cấu trúc thì chỉ cần dùng phép so sánh xưa và nay. Ví dụ ngày xưa Tấm lá Phú Mỹ hoặc các đơn vị khác được Tổng công ty giao kế hoạch từ đầu năm và cuối năm thực hiện đều đạt. Nhưng tính hiệu quả của kế hoạch có đạt hay không thì khó phân định vì hiệu quả này gắn liền với hiệu quả chung của Tổng công ty. Tương tự như vậy với công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo. Có đơn vị làm ăn rất dở nhưng cuối năm Tổng công ty đạt hiệu quả tốt cũng được thơm lây. Cơ chế này khiến chả ai bị phạt nhưng sức mạnh tổng thể thì ngày càng mai một.

Nhưng sau khi tái cấu trúc tách ra độc lập thì khác hẳn, kết quả thế nào thì đơn vị phải tự chịu trách nhiệm. Từ tính trách nhiệm và tính chủ động trong công việc đó đã buộc mọi người phải biết cách tự vượt qua khó khăn bằng mọi nỗ lực, gặp vướng thì chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty để thay đổi chính sách hỗ trợ. Đó là điều mà trước khi tái cấu trúc rất khó làm.

Thêm một sự so sánh tại ví dụ về vấn đề mở rộng thị trường. Ngày xưa, việc này là của Tổng công ty, giờ đây nếu Thép Tấm lá Phú Mỹ không có doanh số thì người lao động không có lương, bản thân ban lãnh đạo bị đánh giá kém năng lực, phải chịu trách nhiệm trước Tổng công ty. Vì vậy, chúng tôi phải phải vận động, tìm kiếm hách hàng, cư xử với khách hàng theo một cơ chế mà chúng tôi tự đặt ra miễn không sai luật. Khi ban lãnh đạo có quyền tự chủ lãnh đạo, tự chịu trách nhiệm thì tinh thần này sẽ truyền xuống cho cấp trung như quản đốc, cấp phòng, rồi tới các công nhân. Mỗi vị trí mỗi nhiệm vụ, nhưng không ai có thể chối bỏ trách nhiệm.

Nhìn chung quá trình thực hiện tái cơ cấu diễn ra thuận lợi do Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ và chỉ đạo xuyên suốt từ Lãnh đạo Tổng công ty. Nhờ tái cơ cấu, chúng tôi đã đạt được một số kết quả nhất định trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, điển hình nhất là:

- Tổ chức bộ máy điều hành hoạt động và đôi ngũ cán bộ CNV Công ty đã dần được cải thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

- Mô hình hoạt động sản xuất đã chuẩn hóa, máy móc thiệt bị hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả công suất.

- Các chiến lược về sản phẩm, chiến lược khách hàng đã được đề ra cụ thể, phân tích cẩn trọng, chi tiết phù hợp với từng giai đoạn thị trường nên bước đầu hoạt động sản xuất kinh doanh có cải thiện đáng kể, thị trường tiêu thụ được mở rộng, tăng sản xuất tiêu thụ qua từng năm kể từ sau tái cơ cấu.

PV: Được biết Thép Tấm lá Phú Mỹ thiết lập cho mình bộ quy tắc ứng xử hỗ trợ cho việc thực hiện tái cấu trúc cũng như làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong nội bộ của doanh nghiệp. Xin ông cho biết về điều này?


TGĐ Phan Quốc Tuấn: Tôi may mắn có thời gian dài làm việc với liên doanh Nhật Bản nên có điều kiện học hỏi và ứng dụng một số quy tắc ứng xử mà tôi cho là hữu dụng đối với Tấm lá Phú Mỹ khi thực hiện tái cấu trúc.

Trước khi nói tới quy tắc ứng xử phải nói tới tiêu chí. Tại Thép Tấm lá Phú Mỹ bất cứ một quyết định nào, một sự việc gì, hay nhỏ hơn là một bản báo cáo nào cũng phải đạt 3 tiêu chí đánh giá là: Tính trung thực, tính trách nhiệm và tình hiệu quả.

Về tính trung thực, xin ví dụ về những báo cáo - việc thường xuyên nhất của bất kỳ một bộ phận nào. Có thể số liệu thực tế của báo cáo không “đẹp”, nhưng vì sợ trách nhiệm nên người làm báo cáo “sửa” cho đẹp. Hoặc báo cáo về một sự cố vừa mới xảy ra trong đơn vị mà thông tin không chính xác, lãnh đạo sẽ không có giải pháp để khắc phục sau này. Nên tính trung thực tôi đặt lên hàng đầu.

Thứ 2 là tính trách nhiệm. Có bất cứ việc gì xảy ra tại bộ phận của mình thì việc quan trọng nhất là phải tự xem xét phần trách nhiệm của bộ phận mình trước, rồi sau đó mới bàn tới các bộ phận liên đới.

Thứ 3 là tính hiệu quả. Việc gì không hiệu quả thì không làm.

Bất cứ việc gì cũng phải đảm bảo 3 tiêu chí đó và mọi tranh luận cũng đều dựa trên 3 tiêu chí đó, chúng tồn tại song song và phụ thuộc lẫn nhau, chỉ một tiêu chí không đáp ứng được thì những tiêu chí còn lại là vô nghĩa. Tôi lấy ví dụ trong việc tranh luận về vấn đề tăng năng suất lao động. Nếu trong các báo cáo lại phát hiện một bộ phận có số liệu không trung thực thì coi vấn đề này sẽ không được bàn đến nữa, không còn ý nghĩa để bàn. Bộ phận đó sẽ được loại luôn ra.

Giả sử các số liệu đúng hết, nhưng khi xảy ra sự cố gì đó mà bộ phận xảy ra sự cố cũng không nhận trách nhiệm của mình trước sự cố thì cũng không bàn nữa. Ví dụ tại khâu cán thép xảy ra sự cố, thay vì nhận rằng máy cán chuẩn bị không tốt thì lại đổ thừa nguyên liệu phòng vật tư đưa qua không không tốt. Trốn tránh trách nhiệm là không thể chấp nhận được.

Sau khi có những tiêu chí mang tính nguyên tắc này, Tấm lá Phú Mỹ đã thiết lập các quy chế, quy định, các hướng dẫn để mọi người thực hiện. Ví dụ trong nội quy đặt nặng tính trung thực thì người nào không trung thực người đó sẽ bị phạt nặng. Trong quá trình khen thưởng, bộ phận nào có tính trách nhiệm cao bộ phận đó được thưởng. Tức là toàn bộ các bộ quy tắc ứng xử của mình phải đáp ứng, đồng nhất với tiêu chí đã đề ra.

Thực ra nguyên năm đầu tiên sau khi thực hiện tái cấu trúc Thép Tấm lá Phú Mỹ lo tập trung hoàn thiện các quy định, quy chế tuân thủ theo mô hình sau tái cấu trúc, chưa thể đưa quy tắc ứng xử này vào ngay. Mãi đến đầu 2016 chúng tôi mới đưa vào và thực sự đã có những hiệu quả tích cực. Việc dùng các biện pháp chế tài để buộc CBCNV trong đơn vị mình thực hiện quy chế đó đã khiến mọi vấn đề hay gây tranh cãi nhất như thưởng - phạt, khen - chê… đều rất rõ ràng, ai cũng hiểu.

PV: Vậy có thể nói “quyền tự quyết” đã “cởi trói” cho hoạt động SXKD của Công ty. Những con số nào cho thấy điều đó, thưa ông?


TGĐ Phan Quốc Tuấn: Như tôi đã nói ban đầu, việc chuyển sang công ty TNHH MTV mục đích nhằm để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các công ty trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh thép, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc này đòi hỏi trách nhiệm rất cao và thôi thúc mọi thành viên trong công ty phải nỗ lực phấn đấu không ngừng. Chính sự nỗ lực không ngừng này là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của Công ty.

Điển hình nhất có thể nói là sản lượng sản xuất kinh doanh của Công ty đã có sự tăng trưởng đáng kể, năm 2015 mặc dù có nhiều khó khăn trong bước đầu chuyển đổi nhưng với sự nỗ lực từ đội ngũ CBCNV Công ty, sản lượng sản xuất tăng 23%, tiêu thụ tăng 34% so với cùng kỳ năm 2014. Năm 2016, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng sản lượng 6 tháng đầu năm sản lượng sản xuất tăng 57%, tiêu thụ tăng 51% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2015. Duy trì được công ăn việc làm ổn định cho người lao động Công ty.

Ngoài ra, một trong những yếu tố quyết định sự tăng trưởng là hoạt động sản xuất. Hiện nay, tình hình máy móc thiết bị của Công ty hoạt động rất ổn định, năng suất được cải thiện nâng cao rõ rệt, chất lượng sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.

Tái cấu trúc với sự trao quyền cho doanh nghiệp đã giúp Thép Tấm lá Phú Mỹ có thể đưa cả đơn vị từ những người công nhân nhỏ bé nhất cùng hòa chung vào guồng quay tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Sức mạnh tổng thể chúng tôi có được cũng từ đây mà ra!

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!