Cuộc CMCN 4.0 sẽ làm mất 28 triệu việc làm trong khối ASEAN

Trong số 28 triệu người lao động bị ảnh hưởng, 6,6 triệu người sẽ cần phải có những kỹ năng mới để thay thế hoặc phải chuyển sang làm việc ở một công việc hoàn toàn mới, thậm chí phải dịch chuyển sang
Hãng công nghệ Cisco (Mỹ) đã hợp tác với hãng nghiên cứu, phân tích và dự đoán kinh tế thế giới Oxford Economics (Anh) để thực hiện một cuộc nghiên cứu về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đến lực lượng lao động tại khu vực Đông Nam Á. Kết quả của cuộc nghiên cứu đã được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra vào chiều 12/9/2018 tại Hà Nội.

Nghiên cứu của Cisco được thực hiện tại 6 quốc gia ở ASEAN (Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines) với 630 triệu dân, trong đó 90% người có cơ hội tiếp cận với Internet. Cisco tin rằng tại ASEAN sẽ có những ngành công nghiệp trị giá hàng ngàn tỷ USD trong thời gian tới, với những bước đột phá dựa trên công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.

Các công nghệ dựa trên AI sẽ tạo ra sự dịch chuyển lớn về mô hình hoạt động, nhiều kỹ năng hiện có sẽ trở nên dư thừa trong tương lai. Trong đó những người lao động với kỹ năng thấp sẽ phải chịu nhiều rủi ro nhất, đặc biệt các ngành chịu nhiều sự tác động của AI đó là dịch vụ và nông nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu của Cisco, nhìn chung AI sẽ tạo ra thêm 4,5 triệu công việc mới tại khu vực ASEAN trong vòng một thập kỷ tới, trong đó 1,8 triệu công việc tạo ra trong ngành bán buôn bán lẻ; 0,9 triệu công việc trong ngành chế tạo; 1 triệu công việc trong ngành xây dựng; 0,4 triệu công việc trong khối khách sạn, nhà hàng, một số ngành dịch vụ khác; 0,2 triệu công việc trong lĩnh vực quản lý công...

Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ tới, Cisco dự báo, sẽ có đến 28 triệu (tương đương 10,2% tổng lực lượng lao động) công ăn việc làm sẽ bị giảm đi và được thay thế bởi AI, trong đó mỗi quốc gia sẽ có các loại hình công việc bị ảnh hưởng khác nhau.

Trong đó Singapore sẽ là quốc gia có tỷ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 21% (tương đương 500.000 công ăn việc làm) tổng lực lượng lao động bị thay thế. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ công ăn việc làm chịu ảnh hưởng lớn thứ 2 tại khu vực ASEAN, với 13,8% (tương đương 7,5 triệu công ăn việc làm) lực lượng lao động bị ảnh hưởng. Xếp ở các vị trí tiếp theo là Thái Lan với 12% (tương đương 4,9 triệu), Philippines với 10% (tương đương 4,5 triệu), Indonesia với 8% (tương đương 9,5 triệu) và Malaysia với 7,4% (tương đương 1,2 triệu) tổng lực lượng lao động bị ảnh hưởng.

Trong số 28 triệu người lao động bị ảnh hưởng, 6,6 triệu người sẽ cần phải có những kỹ năng mới để thay thế hoặc phải chuyển sang làm việc ở một công việc hoàn toàn mới, thậm chí phải dịch chuyển sang các quốc gia khác để tìm kiếm công việc.

“6,6 triệu người lao động với các kỹ năng sẽ không còn cần thiết trong tương lai, cần phải dịch chuyển ngành nghề, phải học kỹ năng công việc mới hoặc cần phải chuyển từ nước này sang nước khác để làm việc”, ông Naveen Menon, Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN, cho biết. “Chẳng hạn người lao động tại Philippines sẽ phải chuyển sang làm việc tại Việt Nam vì công việc đó không còn cần thiết tại Philippines...”.

Hiện tại, mặc dù một số lượng lớn việc làm ở Indonesia, Malaysia và Philippines cũng sẽ được cắt giảm nhưng những tác động ở các nước này được cho là nhỏ hơn bởi cấu trúc của thị trường lao động mỗi quốc gia khác nhau.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng dự đoán rằng trong khoảng thời gian 10 năm tới, các tác động cạnh tranh của việc thay đổi cơ cấu việc làm và sáng tạo sẽ bù lấp cho nhau. Các công việc mới sẽ được tạo ra ở những nơi khác nhau.

Đáng chú ý là 41% trong số những người bị mất việc là những người thiếu hụt kỹ năng về công nghệ thông tin. Gần 30% người trong số đó thiếu kỹ năng tương tác cần thiết cho việc tìm kiếm công việc trong tương lai như đàm phán, thuyết phục, kỹ năng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Hơn 25% người thiếu kỹ năng cơ bản như học, đọc, viết và những kỹ năng quan trọng khác trong sự phát triển của thị trường lao động ASEAN.

Naveen Menon, Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Cisco cho biết: "ASEAN đã làm rất tốt công việc của mình trong vòng 10 năm qua. Việc sở hữu lực lượng lao động lớn, cùng với các doanh nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi việc áp dụng các công nghệ mới phải được mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên, ngoài tập trung vào đầu tư công nghệ thì cũng phải tập trung vào đào tạo để đảm bảo rằng sự phát triển sẽ giúp đất nước không bị thụt lùi lại phía sau và người lao động cũng không bị bỏ lại”.

Những đòi hỏi như vậy, theo Naveen Menon, yêu cầu tất cả các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp, chính phủ và các nhà tri thức phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng lực lượng lao động hiện tại và tương lai của khu vực đang cải thiện những kỹ năng cơ bản cần thiết. Trong một tương lai số, nơi tất cả mọi người đều có quyền truy cập và sử dụng chung một nguồn dữ liệu thông tin thì những kỹ năng như giải quyết vấn đề, thiết kế, làm việc nhóm ... chính là điểm tạo ra sự khác biệt giữa ranh giới việc làm.

Chia sẻ rõ hơn về những tác động của AI đến nền kinh tế Việt Nam, bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam khẳng định, chắc chắn ngành kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng trước sự tác động của AI, tuy nhiên Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi này, bao gồm việc áp dụng công nghệ để có thể khắc phục những thách thức, chớp lấy những cơ hội và vận hội mới...

Bà Thủy cho biết, Việt Nam hiện vẫn đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó chi phí lao động vẫn còn khá thấp là một trong những lý do chính. Bù lại, một thách thức lớn của Việt Nam đó là đa số người lao động Việt Nam vẫn chưa có kỹ năng cao hoặc chưa lành nghề. Bên cạnh đó lợi thế nhân công rẻ có thể sẽ thay đổi trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Dựa trên nghiên cứu của Cisco, bà Thủy cho rằng chính phủ cần phải có những giải pháp để đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người lao động, nếu không Việt Nam sẽ rất khó để vượt qua các thách thức đã kể ra ở trên và mất đi sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài



Hoàng Hòa