Cuộc đua đầu tư vào dự án chế biến sâu ngành nông nghiệp

Muốn lọt vào Top 15 thế giới như đơn đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh chế biến sâu.

Trong bài phát biểu mới đây khi thăm một nhà máy chế biến nông sản vừa khánh thành tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa nhắc lại mục tiêu trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới.

Đây quả là mục tiêu không mấy dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam vốn bị cho là sản xuất "manh mún", nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết vùng, chưa xây dựng được các nhà máy chế biến sâu để gia tăng giá trị cho nông sản. Vì lẽ đó, nông nghiệp Việt Nam suốt từ năm này sang năm khác đều không tránh khỏi tình trạng được mùa mất giá, mất mùa mất cả giá.

Doanh nghiệp hào hứng

Nhu cầu thị trường đối với nông sản chế biến ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2021, thị trường trái cây chế biến trên thế giới sẽ đạt 317 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị rau - củ - quả Việt Nam cung cấp mới đạt chưa đến 1% con số này, mà sản phẩm chế biến sâu còn rất thiếu vắng.

Nhằm thực hiện mục tiêu đưa ngành nông nghiệp Việt Nam lọt vào Top 15 của thể giới, trong đó, ngành rau - củ - quả lọt vào Top 10, Chính phủ đã phát đi nhiều thông điệp ủng hộ ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung và chế biến sâu nông sản nói riêng. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này.

Hồi đầu năm nay, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao đã khởi công Dự án Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Đây sẽ là một trung tâm chế biến rau quả khép kín, từ việc thu mua nguyên liệu, chế biến sâu và hệ thống bán hàng trong nước cũng như xuất khẩu. Doanh thu hàng năm của Dự án dự kiến là 1.500 - 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 70 -100 triệu USD.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Vinamit cũng sắp tung ra thị trường sản phẩm cà phê tươi và nước mía ép đông khô. Các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ sấy đông khô.

Vinamit là đơn vị tiên phong xuất khẩu trái cây chế biến của Việt Nam sang các thị trường Mỹ và châu Âu. Ngoài mít, Vinamit còn chế biến, sấy khô nhiều loại nông sản khác, như chuối, khoai lang, khoai môn.

Hay tháng 11 tới, Công ty cổ phần Lavifood sẽ đưa vào vận hành nhà máy chế biến sâu nông sản Tanifood. Với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trên diện tích 15 ha, sử dụng công nghệ sản xuất của Đức, Italy, Nhật Bản, Dự án hứa hẹn là một trong những nhà máy chế biến rau - củ - quả lớn nhất Đông Nam Á. Sản phẩm chính của Tanifood là các loại rau - củ - quả tươi, đông lạnh, sấy khô, cô đặc, đóng hộp.

Bên cạnh chức năng chế biến sâu để tăng giá trị cho nông sản, nhà máy này còn là mắt xích quan trọng trong việc thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp và thực hiện mô hình nông nghiệp sạch. Lavifood đã ký với tỉnh Tây Ninh về việc tái cơ cấu cây trồng trên diện tích khoảng 27.000 ha. Với công suất 5.000 tấn nông sản/ngày, Lavifood dự kiến đạt doanh thu hàng trăm triệu USD/năm. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng giám đốc Lavifood cho biết, Công ty đã nhận đơn đặt hàng sớm từ các tập đoàn lớn trên thế giới với tổng giá trị 200 triệu USD.

Theo ông Thắng, khi vận hành hết công suất, nhà máy này sẽ đảm bảo tiêu thụ toàn bộ nguyên liệu cho nông dân của Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị này, góp phần nâng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, số nhà máy có quy mô ngàn tỷ đồng và áp dụng công nghệ hiện đại như Tanifood chưa nhiều. Vì vậy, để đưa Việt Nam trở thành là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới và lọt vào tốp dẫn đầu, thì rất cần thêm nhiều nhà máy như thế.

Giải bài toán thị trường đầu ra

Theo tính toán sơ bộ, số lượng nhà máy chế biến nông sản hoạt động thực sự có hiệu quả và có đầu tư công nghệ trên cả nước hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2018 sẽ có khoảng 8 - 9 nhà máy chế biến nông sản khánh thành, riêng tổng đầu tư vào các nhà máy rau củ quả ước khoảng 5.710 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó chỉ là con số dự kiến còn thực chất nhà máy đáp ứng đầy đủ các quy trình, dây chuyền sản xuất tự động như xử lý nhiệt, xử lý lạnh, sấy khô, sấy dẻo, ép... đạt tiêu chuẩn quốc tế thì không nhiều.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, có nhà máy tốt thì phải có nguyên liệu tốt, chất lượng tốt nhất, đảm bảo tính hữu cơ của sản phẩm, đầu vào tốt nhất. "Đừng để tình trạng mà chúng ta thường hay mắc phải là khi nhà máy đi vào hoạt động thì không có nguyên liệu. Cái quan trọng nhất không phải là kiếm nguyên liệu vì công nghệ sản xuất không phải là phức tạp, mà chính là cái giá cả đầu vào ổn định cho người nông dân", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại lễ khánh thành nhà máy của Lavifood tại Tây Ninh.

Có nguyên liệu tốt, nhà máy tốt, thì phải có đầu ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều chuyên gia đều cho rằng, thị trường đầu ra sẽ quyết định sự thành công của sản phẩm nông nghiệp.

"Cần một cuộc điều tra về nhu cầu sản phẩm của thế giới, nhưng cũng không được quên thị trường Việt với 100 triệu dân trong tương lai, đây là thị trường rất quan trọng. Doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở tìm các nhu cầu của người tiêu dùng để sản xuất sản phẩm. Với công nghệ hiện đại tôi nghĩ việc sản xuất những sản phẩm mới là không khó", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Có sự liên kết, có nhà máy, có thị trường, nhưng vẫn cần có cả cơ chế chính sách và sự "xông xáo" của các cơ quan Nhà nước. Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất chè từng cho biết, hiện nhiều thủ tục xuất khẩu còn rườm rà, mất nhiều chi phí, đặc biệt chi phí logictics còn cao... Nên Nhà nước cần phải có một chương trình táo bạo, mạnh mẽ đầu tư cho hướng xuất khẩu giá trị gia tăng, có nhiều chương trình xúc tiến quảng bá cho thương hiệu Made in Vietnam. Cần chú trọng đến bao bì, in ấn thiết kế để thành phẩm có thêm yếu tố xâm nhập thị trường quốc tế.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp