Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Hướng đi nào cho thương hiệu gạo Việt

Muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và gây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu của Việt Nam, việc hiểu rõ cấu trúc, đặc điểm các kênh phân phối, giao dịch trên thị trường quốc tế là hết sức cần thiết

Cho đến nay, gạo Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Á, chiếm tới 77% trong năm 2014, lớn nhất là thị trường Trung Quốc. Cơ cấu thị trường này không đáng ngạc nhiên do châu Á là nơi tập trung các thị trường tiêu thụ nhiều lúa gạo, lợi thế về địa lý và khách hàng truyền thống. Tuy nhiên cần lưu ý Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường rất đặc thù, có khả năng gây xáo trộn mạnh trên thị trường thế giới khi thay đổi chính sách xuất, nhập khẩu, đảo kho dự trữ nên không thể phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang hai thị trường này. Các thị trường nhập khẩu khác như Philippines, Malaysia và Indonesia đang nỗ lực sản xuất lúa gạo để giảm nhập khẩu. Trong khi đó, do chưa có thương hiệu và năng lực cạnh tranh còn hạn chế, gạo của Việt Nam chưa khai thác được nhiều cơ hội ở các thị trường có giá cao hơn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Ngay cả thị trường Trung Đông và châu Phi chúng ta cũng chưa tìm được những phân khúc thị trường đặc trưng và bền vững cho gạo Việt Nam. Thực tế này đặt ra yêu cầu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro và xây dựng thương hiệu gạo vững mạnh trên thị trường quốc tế.

Cấu trúc thị trường gạo thế giới

Về cơ bản, thị trường gạo quốc tế được chia thành 3 nhóm chính với các đặc điểm như sau:

Nhóm

Đặc điểm

Các nước

Nhóm 1

Thừa gạo và thường xuyên xuất khẩu

Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Hoa Kỳ

10 nước xuất khẩu lớn nhất chiếm tỷ trọng hơn 97%. 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu gồm Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ chiếm hơn 65%.

Nhóm 2

Thiếu gạo và thường xuyên nhập khẩu

Indonesia, Philippinnes, Malaysia, Iran, Iraq, Saudi Arabia, Nigieria và các nước châu Phi, một số nước EU.

Phân bố thị trường nhập khẩu gạo không quá tập trung (10 nước nhập khẩu lớn nhất chiếm tỷ trọng chưa đến 50%).

Nhóm 3

Có ảnh hưởng lớn đến cả sản xuất, tiêu dùng, thương mại và dự trữ gạo của thế giới

Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước có số dân lớn nhất thế giới, sản lượng gạo lớn nhưng cũng có khả năng gây xáo trộn mạnh thị trường gạo thế giới do tăng lượng xuất khẩu đột ngột (khi đảo kho dự trữ bảo hiểm an ninh lương thực) hoặc tăng sản lượng nhập khẩu đột ngột (khi mất mùa phải mua để bổ sung kho dự trữ đảm bảo an ninh lương thực).

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI), trên thế giới hiện có trên 40.000 chủng loại gạo đang được canh tác nhưng có ba nhóm chính thường gồm gạo Indica, Japonica và gạo thơm (aromatic). Gạo Japonica (hạt tròn, khó vỡ, dẻo) được trồng ở các vùng ôn đới (Bắc Á, Bắc Mỹ), phù hợp với thị hiếu của người Bắc Á; gạo Japonica nhiệt đới được trồng tại Nam Mỹ và một số vùng châu Phi. Gạo Indica (hạt dài, dễ vỡ, khi nấu rời hạt) chủ yếu được trồng tại Đông Nam Á và Nam Á (Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, phía Nam Trung Quốc). Nhóm gạo thơm gồm gạo jasmine của Thái Lan, Việt Nam, basmati của Ấn Độ, Pakistan… Gạo Indica đang chiếm khoảng 75% thương mại gạo toàn cầu, Japonica chiếm khoảng 10% còn aromatic chiếm 12-13% tổng thương mại gạo toàn cầu.

Kênh phân phối

Trên thị trường gạo thế giới, các kênh phân phối rất đa dạng và mức độ tham gia vào các kênh phân phối đến đâu phụ thuộc vào năng lực thương mại quốc tế của từng nhà xuất khẩu. Nhìn chung, thị trường gạo quốc tế chưa có hiện tượng độc quyền về giá, mặc dù Thái Lan và Việt Nam thường xuyên giữ vị trí hàng đầu về lượng xuất khẩu.

Giá bán bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp và nhu cầu nội địa của các nước do khoảng một nửa sản lượng lúa gạo được tiêu thụ nội địa. Chính phủ các nước cũng có ảnh hưởng đến giá gạo một mức độ nào đó thông qua chính sách về thu mua tạm trữ, trợ giá xuất khẩu hoặc cấm xuất/nhập khẩu… Đối với các thị trường mở cửa, thương mại lúa gạo và xuất khẩu gạo được định hướng theo thương mại tự do. Do đó, giá thị trường thế giới và tỷ giá hối đoái cũng ảnh hưởng lớn đến giá trong nước.

Trong nội bộ các nước xuất khẩu, thương mại cũng có thể được kiểm soát bởi một nhóm các nhà xuất khẩu hàng đầu. Ví dụ tại Thái Lan, khoảng 80% tổng xuất khẩu được kiểm soát bởi 10 nhà xuất khẩu lớn nhất. Trong khi đó tại nhiều nước nhập khẩu, khoảng 70% lượng gạo nhập khẩu được thực hiện bởi 3 đầu mối nhập khẩu lớn.

Các nhà môi giới và thương nhân quốc tế

Các nhà môi giới quốc hoạt động như trung gian để giúp đạt được một thỏa thuận giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Một khi thỏa thuận này thành công, các nhà môi giới được trả hoa hồng. Các nhà kinh doanh gạo quốc tế có chức năng tương tự như các nhà môi giới, nhưng tham gia vào mua sản phẩm. Họ mua gạo từ các nhà xuất khẩu và bán cho người mua ở nước nhập khẩu.

Hầu hết các công ty môi giới và kinh doanh gạo quốc tế ở châu Âu và Hoa Kỳ, tiêu biểu như:

- Jackson Sons & Co: Trụ sở tại Luân Đôn, Vương quốc Anh.

- Louise Dreyfus: Paris (Pháp)

- Action S.A.: Warsaw (Ba Lan)

- Schepens Co.: Antwerp (Bỉ)

- Continental Grain: New York, Mỹ.

- Cargill Inc.: Minneapolis, Mỹ

Trong trường hợp của Việt Nam, các nhà xuất khẩu gạo nhìn chung chưa tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng tại thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn bán gạo qua nhà kinh doanh quốc tế (Olam, Louise Dreyfus, Swiss Agri, Novel…) cho thị trường châu Phi, hay qua nhà bán buôn (trading company) đối với các thị trường Hồng Kông, Australia, EU…

Các hàng rào thuế quan, phi thuế quan và mức độ cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế

Với cách tiếp cận từ các thị trường nhập khẩu có thể thấy, khoảng cách trung bình từ các nước xuất khẩu gạo đến các nước nhập khẩu là khoảng 5.376 km. Các thị trường Hoa Kỳ, Ghana, Nam Phi hiện đang có khoảng cách trung bình với các nước cung ứng cao nhất, trên 10.000 km, trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á và Trung Quốc được hưởng lợi từ các nhà cung ứng trong khu vực với khoảng cách địa lý trong khoảng từ 1.500-3.000km. Các nước Bắc Á và châu Âu có khoảng cách địa lý trung bình từ 5.000-7.000 km so với nước cung ứng. Từ đây có thể thấy, cơ cấu về không gian cho xuất khẩu gạo trước mắt tập trung khai thác các thị trường gần để giảm thiểu các chi phí vận tải, bảo quản. Nếu muốn vươn tới các thị trường xa sẽ phải có thay đổi mang tính đột phá về vận chuyển, công nghệ bảo quản, tăng giá xuất khẩu để bù đắp chi phí và rủi ro; hoặc mở kênh phân phối sang các thị trường trung chuyển như Hồng Kông, Singapore để từ đó xuất khẩu sang các thị trường khác.

Mức độ cạnh tranh thể hiện ở chỉ số tập trung của các nhà cung ứng tại một thị trường nhập khẩu. Theo tính toán của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), mức độ tập trung trung bình của các thị trường cung ứng là khoảng 0,14 cho thấy thị trường gạo thế giới vẫn tương đối cạnh tranh và sẽ ngày càng có tính cạnh tranh hơn do tự do hóa thương mại.

Đối với các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, mức độ tập trung của các nhà cung ứng thường ở mức cao (trên 0,18 điểm), cho thấy Việt Nam phải cạnh tranh với một số đối thủ lớn khi xuất khẩu gạo vào các thị trường này thay vì nhiều nước cung ứng với thị phần nhỏ và phân tán. Do đó khi tổ chức nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh phải mang tính tập trung, phải có hệ thống giải pháp cho từng nhóm đối thủ cạnh tranh để có chiến lược thâm nhập các thị trường mới, trong khi giữ vững thị phần tại một số thị trường truyền thống chiến lược, tạo tiền đề cho sự đa dạng hóa thị trường một cách phù hợp và bền vững.

... và hướng xây dựng các thương hiệu gạo của Việt Nam

Về phân khúc gạo thơm, trước đây, Thái Lan xuất khẩu chủ yếu gạo thơm cao cấp Hom Mali với giá cao (trên 1.000 USD/tấn), còn gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam là loại Jasmine chủ yếu ở mức giá trên dưới 600 USD/tấn. Nhưng thời gian tới, Thái Lan sẽ khai thác nhiều hơn các phân khúc khác nhau trong đó có loại gạo thơm trung bình mà Việt Nam đang chiếm ưu thế. Gạo thơm Batum của Thái Lan có độ thơm ngang với gạo Jasmine của Việt Nam và có giá trung bình. Nếu gạo Batum giảm giá về mức tương ứng với Jasmine của Việt Nam thì sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho phân khúc gạo thơm của Việt Nam.

Về phân khúc gạo bình dân, năm 2015, khả năng Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường châu Phi do lợi thế tồn kho lớn và giá cạnh tranh.

Về giá xuất khẩu, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn so với giá cùng chủng loại của các nước xuất khẩu lớn, điển hình là đối thủ cạnh tranh Thái Lan. Đối với gạo thường, giá gạo Việt Nam thấp do chất lượng gạo thấp, phẩm chất và độ đồng đều kém. Đối với gạo thơm chất lượng cao, giá gạo Việt Nam thấp do gạo Việt Nam không có thương hiệu, chất lượng và quy cách hạt gạo tiêu chuẩn Việt Nam chỉ tương đương gạo chất lượng cao loại 2 của đối thủ cạnh tranh, điển hình là gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt độ dài tối đa 6,8mm, tương đương với gạo 100% Grade B loại 2 của Thái Lan (độ dài từ 6,6 - 7mm). Trong khi đó, gạo 100% Grade B loại 1 của Thái Lan có độ dài hơn 7mm, có giá cao và xuất khẩu sang các thị trường phát triển như Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Hong Kong, Singapore. Gạo chất lượng càng cao thì chênh lệch giá càng lớn; khi so sánh giá gạo xuất khẩu trung bình năm 2009-2013, gạo Thái 100% Grade B cao hơn giá gạo Việt 5% tấm 26%, gạo Thái 25% tấm cao hơn giá gạo Việt 25% tấm 22%. Chỉ khi Thái Lan giảm giá mạnh để xả kho dự trữ như năm 2014, gạo Việt Nam mới có giá tương đương gạo cùng chủng loại của Thái Lan.

Sở dĩ Thái Lan gạo có ưu thế như vậy so với Việt Nam cũng phần nhiều nhờ vào việc Thái Lan có chiến lược xây dựng thương hiệu và marketing cho mặt hàng gạo từ sớm và được tổ chức thực hiện một cách rất bài bản. Ví dụ nước này đã xây dựng thành công thương hiệu gạo Hom Mali và chiến lược thương hiệu tập trung vào dòng sản phẩm gạo chất lượng cao. Trong chiến lược tuyên truyền hàng xuất khẩu thì “Gạo Thái” được đặt lên vị trí hàng đầu và Thái Lan đổ nhiều công sức, kể cả tài chính vào công tác quảng cáo. Tất cả các cơ hội, như Festival, Hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước đều được Thái Lan tận dụng tối đa. Ví dụ trong các Festival Gạo Thái, Thái Lan đã trưng bày các loại giống lúa tốt cùng các kỹ thuật sản xuất và chế biến gạo hiện đại vào bậc nhất thế giới hiện nay. Ngoài ra, Thái Lan còn hợp tác với các nước, nhất là các nước ASEAN lập ra các tổ chức như Hiệp hội lúa gạo, Hợp tác đối tác trao đổi lúa gạo, Hiệp hội tiêu thụ gạo... nhằm quảng bá hình ảnh gạo Thái Lan ra quốc tế. Chính vì vậy, “Gạo Thái” trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thế giới là dòng gạo ngon, chất lượng, an toàn, cùng với các loại nông sản khác khẳng định cho khẩu hiệu “Thái Lan là bếp ăn của thế giới”.

Đúc rút từ kinh nghiệm của Thái Lan có thể thấy 2 yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu vững chắc cho gạo Thái: Thứ nhất là chọn lọc được những dòng gạo tiêu biểu, có chất lượng vượt trội nhưng ổn định, không bị thoái giống qua thời gian, có thị trường hoặc phân khúc thị trường mục tiêu rõ ràng và ổn định, ít nhất trong trung hạn. Thứ hai là công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu một cách bài bản, hệ thống từ cấp Nhà nước đến tư nhân. Cả hai yếu tố này đều đang là điểm thiếu hụt trong công tác xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam. Chúng ta chưa tuyển chọn được những dòng gạo đáp ứng yêu cầu thứ nhất, do đó khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu thứ 2.

Trong bối cảnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để giảm rủi ro và phụ thuộc vào thị trường châu Á, vấn đề xây dựng thương hiệu càng cần được quan tâm, nhiều ý kiến, giải pháp, nỗ lực của cả Nhà nước và khối tư nhân đã được đưa ra. Tuy nhiên, từ việc phân tích đặc điểm giao dịch gạo trên thế giới cũng như bài học kinh nghiệm của quốc tế, có thể thấy bài toán thương hiệu cho các sản phẩm gạo của Việt Nam có lẽ nên được giải quyết một cách chắc chắn từ chính hai yêu cầu cơ bản trên. Bởi như thế mới tạo ra thực lực cho sản phẩm gạo Việt trên thị trường quốc tế, thay vì sự đầu tư tản mát, gây lãng phí cho cả Nhà nước và các doanh nghiệp, trong khi lại làm nhiễu hình ảnh của các sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.