Đảng bộ Petrovietnam - vững mạnh, trụ cột của nền kinh tế.

Mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) lần thứ I, nhiệm kỳ 2010-2015 “Giữ vững vị trí đầu tàu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đây cũng là giai đoạn tái cơ cấu Tập đoàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hành trình 5 năm đã qua là một chuỗi những bài học vô giá về sự thành công trong công tác đảng của một Đảng bộ vững mạnh, trụ cột của nền kinh tế.

Năng động và hiệu quả

Nhiệm kỳ 2010- 2015, Đảng bộ Petrovietnam lãnh đạo doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Đặc biệt khi giá dầu thế giới giảm dần trong những tháng cuối năm 2014 đến nay; Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981... Ở trong nước các dự án lọc hóa dầu, nhiệt điện than có tổng mức đầu tư cao, nhu cầu thu xếp vốn rất lớn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Việc tiêu thụ các sản phẩm mới (xơ sợi tổng hợp, Ethanol…) gặp khó khăn, trở ngại... Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, Đảng bộ Petrovietnam luôn là hạt nhân lãnh đạo, quy tụ đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên, lãnh đạo doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ SXKD, dịch vụ; khẳng định uy tín, thương hiệu và vị thế của Petrovietnam trong nước và thế giới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đất nước.

.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm một số công trình của PVN

Với tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao, Đảng ủy Petrovietnam nhiệm kỳ 2010-2015 lãnh đạo đơn vị thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chung đại hội đề ra như: Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí ước đạt 3.675 nghìn tỷ đồng, bằng 102,4% kế hoạch, tốc độ tăng bình quân đạt 10%/năm, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2006-2010. Nộp Ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 880,3 nghìn tỷ đồng, bằng 104,5% kế hoạch. Cũng trong 5 năm qua, Petrovietnam đã cung cấp 46,6 tỷ m3 khí khô cho các hộ tiêu thụ trong nước, tốc độ tăng trung bình đạt 0,5%/năm, tăng 29,4% so với thực hiện 5 năm 2006-2010. Tổng sản lượng điện sản xuất 5 năm 2011 - 2015 ước đạt 80,84 tỷ kWh, bằng 101,2% kế hoạch, tốc độ tăng trung bình đạt 9,0%/năm, tăng gấp 3,1 lần so với thực hiện 5 năm 2006 – 2010. Tổng doanh thu dịch vụ dầu khí 5 năm đạt 1.170 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình đạt 9%/năm, chiếm 31,8% tổng doanh thu toàn Tập đoàn, tăng gấp 2,8 lần so với thực hiện 5 năm 2006-2010. Đến nay, hầu hết các đơn vị dịch vụ của Tập đoàn đều có năng lực và khả năng cạnh tranh tốt hơn để thực hiện được những yêu cầu dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

.Trong 5 năm, Tập đoàn đã ký 37 hợp đồng dầu khí mới và nhiều thoả thuận hợp tác quan trọng trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí với các công ty dầu khí quốc tế và công ty dầu khí quốc gia của các nước trên thế giới; có 19 phát hiện dầu khí mới; gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 100% kế hoạch. Tập đoàn đã đưa thêm 29 mỏ/công trình mới vào khai thác (ở trong nước 20 mỏ/công trình, ở nước ngoài 9 mỏ/công trình).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tái cấu trúc nền kinh tế, Tập đoàn đã xây dựng và trình Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015; Đề án tái cơ cấu Tập đoàn là một trong số đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất (Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 05/01/2013). Thực hiện chủ trương này, đến nay Tập đoàn đã hoàn thành cổ phần hoá 4 doanh nghiệp nâng tổng số doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hoá là 19 đơn vị/tổng số 21 đơn vị. Vốn hóa thị trường của PVN và các đơn vị tăng cao trên thị trường chứng khoán.

Xây dựng doanh nghiệp đoàn kết vững mạnh

Giai đoạn 2010-2015 đánh dấu bước chuyển quan trọng của Tập đoàn và các công ty sang giai đoạn hoạt động mới. Đảng bộ Tập đoàn lãnh đạo và kiện toàn bộ máy tổ chức các đoàn thể, gắn công tác xây dựng tổ chức Đảng với xây dựng bộ máy chuyên môn, xây dựng các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh, tạo nền tảng, sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện.

Đảng bộ Petrovietnam đưa ra ba giải pháp đó là: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng Khoa học - công nghệ và đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, Tập đoàn đã xây dựng và phê duyệt Chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chi tiết đến năm 2015. Tăng cường củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo của Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí theo hướng đạt chuẩn quốc gia và khu vực; thành lập Trường Đại học Dầu khí; triển khai đào tạo trên đại học, đẩy mạnh đào tạo nâng cao ở Viện Dầu khí Việt Nam với mục tiêu chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Thành tựu nổi bật nhất của hoạt động NCKH, ứng dụng, đổi mới công nghệ của Ngành Dầu khí Việt Nam sau hàng chục năm nghiên cứu, năm 2012 đã được Nhà nước công nhận với kết quả là Cụm công trình khoa học “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ tam, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”.

Mô hình Tập đoàn kinh tế trong đó Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí và các công ty con (các Tổng công ty) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con đã có sự thay đổi to lớn về chất, xóa bỏ liên kết hành chính bằng liên kết đầu tư tài chính phù hợp với cơ chế thị trường. Quy mô và phạm vi hoạt động của Tập đoàn được nâng lên rõ rệt, sức cạnh tranh được cải thiện, hoạt động ra nước ngoài mở rộng, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư chiều sâu, áp dụng nhiều công nghệ mới. Công ty mẹ - Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò là đầu tàu định hướng, mở đường, hỗ trợ, giám sát các công ty con hoạt động hiệu quả hơn và là trung tâm kết nối, mở rộng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí theo Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam.

Trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Đảng bộ Tập đoàn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên biển, điển hình là việc đấu tranh với đối tượng nước ngoài trong vụ cắt cáp tàu địa chấn, vụ đấu thầu quốc tế 9 lô ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vụ giàn khoan HD981 hoạt động trên Biển Đông…; duy trì hoạt động dầu khí an toàn, đúng kế hoạch. Các công trình dầu khí luôn được đảm bảo an ninh, an toàn… Đặc biệt việc đầu tư tự tổ chức vận hành các tàu khảo sát địa chấn 2D, 3D trên thềm lục địa Việt Nam đã tạo chủ động cho Tập đoàn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và góp phần bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển (trước đây phải thuê các công ty nước ngoài thực hiện).

Vươn tới tầm cao mới

Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết và kế thừa quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, PVN đã thật sự trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước hoàn chỉnh, đồng bộ, phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, có uy tín, hoạt động hiệu quả ở trong nước và ngoài nước. Tập đoàn luôn có đóng góp lớn và giữ vai trò quan trọng đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước. Các sản phẩm của Tập đoàn là dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đóng vai trò chủ lực với tỷ trọng lớn góp phần rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh phát triển kinh tế, Tập đoàn góp phần rất tích cực trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông.

Giai đoạn 5 năm 2015 – 2020 sẽ là 5 năm đầu của thời kỳ thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phục vụ cho sự phát triển Tập đoàn cũng như sẽ tác động tới công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng bộ. Tập đoàn đã đề ra mục tiêu tổng quát là: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển bền vững, đồng bộ, mạnh về nhân lực, tài chính và khoa học - công nghệ, sức cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế, là đơn vị nòng cốt, chủ lực của ngành Dầu khí, là trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: Tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh hằng năm đạt trên 50%; Đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 95%. Các chỉ tiêu kinh tế (trên cơ sở dự tính giá dầu là 70 USD/thùng): Gia tăng trữ lượng dầu khí từ 165-200 triệu tấn quy dầu; khai thác dầu khí đạt 140-150 triệu tấn quy dầu, trong đó dầu thô là 85-90 triệu tấn, khí đạt 55-60 tỷ m3; 150 tỷ kWh điện; 7,9 triệu tấn đạm; 54 triệu tấn xăng dầu. Tổng doanh thu toàn tập đoàn là 3.000-3.300 nghìn tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước từ 680-730 nghìn tỷ đồng;

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển mạnh theo trục tam giác chiến lược: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia; Lọc, hóa dầu, chế biến dầu, khí; Dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Khẳng định Tìm kiếm – thăm dò – khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, tạo bước phát triển nhảy vọt cho Tập đoàn, làm tiền đề phát triển các lĩnh vực tiếp theo: công nghiệp khí; chế biến dầu khí; tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí; dịch vụ dầu khí; công nghiệp điện. Trong đó ưu tiên phát triển ba nhiệm vụ trọng tâm: Thăm dò khai thác dầu khí cả trong nước và ngoài nước; Hóa dầu (bao gồm cả Hóa khí) nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu ngày càng lớn của Việt Nam; Phát triển dịch vụ kỹ thuật dầu khí để làm chủ dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước, từng bước phát triển làm dịch vụ ra khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Việc tìm kiếm, khai thác của ngành Dầu khí đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn, nhưng với truyền thống Anh hùng, tinh thần đoàn kết và Văn hóa Petrovietnam: Nhiệt huyết – Sáng tạo – Chuyên nghiệp – Kỷ cương, Đảng bộ Petrovietnam luôn ý thức được trách nhiệm của mình, chủ động sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, xây dựng đơn vị thành một khối đoàn kết đồng lòng, viết tiếp những trang sử hào hùng và phát huy bản sắc văn hóa của Người đi tìm lửa trên chặng đường mới.


Sông Thương