Đào tạo nghiệp vụ BVMT trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BTNMT quy định về đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường (BVMT) trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Thông tư này gồm 12

Thông tư này áp dụng đối với 2 đối tượng chính là: 1) Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đào tạo, cấp giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường; 2) Tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

Về đối tượng tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu, LPG, Thông tư 43 cũng quy định rất rõ những thành phần phải đào tạo, gồm:

a) Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh của Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu, vận tải xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

b) Cán bộ quản lý, nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh LPG, kinh doanh dịch vụ LPG, kể cả người điều khiển phương tiện vận chuyển LPG theo quy định tại Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, gồm cán bộ, nhân viên làm việc tại: nhà máy sản xuất, chế biến LPG; cảng xuất, nhập LPG; kho tồn chứa LPG, kho bảo quản chai LPG và LPG, cửa hàng bán LPG, trạm nạp LPG vào chai, xe bồn; trạm nạp LPG vào ô tô; trạm cấp LPG; vận chuyển LPG và cho thuê phương tiện vận chuyển LPG.

Theo Thông tư này, Bộ TN&MT giao Tổng cục Môi trường xây dựng và phát hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ BVMT theo quy định; tổ chức phổ biến, tập huấn Chương trình đào tạo cho cán bộ làm công tác đào tạo nghiệp vụ BVMT của Sở TN&MT.

Sở TN&MT có trách nhiệm lập và phê duyệt danh sách cán bộ tham gia giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ BVMT; gửi thông báo tuyển sinh đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu, LPG trên địa bàn; quyết định danh sách và số lượng học viên tham gia đào tạo trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm chất lượng học tập...

Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư này, để được cấp giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ BVMT, học viên phải tham dự đầy đủ các chuyên đề đào tạo bảo đảm thời lượng tham dự đạt ít nhất 90% toàn khóa; Và học viên phải hoàn thành bài kiểm tra kết thúc mỗi chuyên đề theo khung chương trình đào tạo quy định với kết quả điểm bài kiểm tra phải đạt điểm trung bình trở lên.

Giấy Chứng nhận đào tạo nghiệp vụ BVMT được cấp cho từng đối tượng đào tạo và có giá trị sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp và có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc khóa đào tạo, giám đốc sở TN&MT có trách nhiệm xem xét, cấp giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ BVMT cho học viên đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định.

Thông tư cũng quy định, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc đào tạo của sở TN&MT; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong hoạt động đào tạo, cấp giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ BVMT trên phạm vi toàn quốc.

Thu Hường