Đặt chân vào chuỗi cung ứng cơ khí toàn cầu

Có hai con đường giúp doanh nghiệp cơ khí tham gia chuỗi cung ứng. Một là làm vệ tinh cho các tổng thầu nước ngoài hoặc các hãng có tên tuổi để trở thành một mắt xích cung ứng thiết bị phụ tùng cho họ

Thành công ban đầu

Cách đây gần 10 năm, trong ngày khai xuân năm Bính Tuất 2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức gặp mặt với các doanh nghiệp cơ khí hàng đầu trong nước. Tại cuộc họp này, EVN cho biết, tổng khối lượng thiết bị thủy công cho Thủy điện Sơn La sẽ vào khoảng 42.290 tấn, trong đó dự kiến sẽ cho đấu thầu rộng rãi quốc tế 3 gói thầu có tổng khối lượng 15.950 tấn, 5 gói còn lại 26.385 tấn sẽ cho đấu thầu rộng rãi trong nước.

Tuy nhiên lãnh đạo các doanh nghiệp cơ khí hàng đầu trong nước đều khẳng định 3 gói thầu trên hoàn toàn nằm trong tầm tay các nhà thầu Việt Nam. Sau đó, EVN đã “bị” thuyết phục, bởi trước đó, Liên danh MIE, NARIME và VINAINCON cũng đã cùng nhau nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị cho Nhà máy Thủy điện Pleikrông, A Vương, Buôn Kuốp, Hương Điền…

Vả lại, 3 gói thầu dự tính cho đấu thầu rộng rãi quốc tế là gói thầu công trình tràn xả sâu, công trình tràn xả mặt và cầu trục gian máy cũng không còn xa lạ gì đối với các liên danh cơ khí trong nước. Hơn 6 năm sau, ngày 23/12/2012, tại lễ khánh thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng khẳng định: “Chúng ta đã phát huy được các nguồn lực trong nước để tham gia xây dựng công trình. Nếu tính toàn bộ giá trị nhập khẩu toàn dự án thủy điện chỉ chiếm 10%, còn lại là sản xuất trong nước”.

Trước đó, ngày 10/9/2011, PVN đã hạ thủy giàn khoan tự nâng 90 mét nước. Thành công này đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3nước châu Á và 1 trong 10 nước chế tạo được giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế mà trước đây chúng ta phải nhập khẩu.

Đối với nhiệt điện, mới đây, bước đột phá mới đã mở ra với việc khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vào ngày 17/9/2015. Đây là một trong những nhà máy nhiệt điện có công suất lớn nhất tại Việt Nam và là một trong số ít các Dự án nhiệt điện than đã đạt mức nội địa hóa có tỉ lệ đáng khích lệ (khoảng 30%). Hơn thế nữa, lần đầu tiên một dự án lớn được thực hiện thành công bởi chủ đầu tư (PVN) và tổng thầu EPC (Lilama) của Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển ngành cơ khí nói chung và chương trình phát triển 4 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm (thiết bị cho thủy điện, nhiệt điện, xi măng và giàn khoan tự nâng), chúng ta đã có những bước tiến dài. Tính đến nay, với 25 dự án thủy điện, tỷ lệ nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công đã đạt tới 90%; nội địa hóa các thiết bị xi măng đạt gần 70%; sản xuất được giàn khoan tự nâng 90 mét nước; và cuối cùng, đã mở ra bước đột phá trong giành tổng thầu EPC dự án nhiệt điện quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa 30%.

Sức phát triển phi thường

Với sự lớn mạnh cả về nguồn lực, công nghệ và quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành cơ khí sẽ chớp được cơ hội khi Quy hoạch điện VII được ban hành năm 2011. Theo đó, từ 2011-2020 sẽ xây dựng hàng trăm công trình thủy điện, nhiệt điện, với tổng công suất đặt khoảng 54.294 MW, trong đó có nhiều dự án thủy điện lớn như Lai Châu, A Lưới, Đak My 4, Se Kman 3 (Lào), An Khê... Các dự án nhiệt điện lớn như Uông Bí, Nghi Sơn, Mông Dương, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Quảng Trị, Nam Định…

Quy hoạch điện VII hỗ trợ ngành cơ khí có điều kiện về thị trường để nội địa hóa các sản phẩm. Qua đó, hình thành một số liên hợp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị điện với các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước làm nòng cốt. Trên cơ sở đó, có nhiều khả năng đến năm 2020 tự chế tạo trong nước, không phải nhập đối với hầu hết các thiết bị lưới điện truyền tải và phân phối, chế tạo, đồng thời, chế tạo 50 - 60% thiết bị của các nhà máy nhiệt điện than.

Mặt khác, nói về tiềm năng, Báo cáo "Chỉ số năng lực cạnh tranh chế tạo toàn cầu 2014” của Công ty Deloitte Touche Tohmatsu (Anh) và Hội đồng cạnh tranh Hoa Kỳ mới công bố cho biết trong 5 năm tới năng lực cạnh tranh sản xuất của Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng hạng, từ 5,73 điểm, ở vị trí thứ 18 hiện nay lên 6,5 điểm, giữ vị trí thứ 10, và chỉ kém 0,14 điểm so với Singgapoer ở vị trí thứ 9. Báo cáo này dựa trên sự phân tích chuyên sâu kết quả khảo sát từ trên 550 lãnh đạo cao cấp của các công ty chế tạo trên khắp thế giới.

Bảng: Xếp hạng năng lực cạnh tranh chế tạo hiện tại và trong 5 năm tới

Năng lực cạnh tranh chế tạo hiện tại

Năng lực cạnh tranh chế tạo 5 năm tới

Hạng

Nước

Điểm

Hạng

Nước

Điểm

1

Trung Quốc

10,00

1

Trung Quốc

10,00

2

Đức

7,98

2

Ấn Độ

8,49

3

Mỹ

7,84

3

Brazil

7,89

4

Ấn Độ

7,65

4

Đức

7,82

5

Hàn Quốc

7,59

5

Mỹ

7,69

6

Đài Loan

7,57

6

Hàn Quốc

7,63

7

Canada

7,24

7

Đài Loan

7,18

8

Brazil

7,13

8

Canada

6,99

9

Singapore

6,64

9

Singapore

6,64

10

Nhật

6,60

10

Việt Nam

6,50

11

Thái Lan

6,21

11

Indonesia

6,49

18

Việt Nam

5,73

18

Ba Lan

5,69

Sở dĩ Việt Nam được đánh giá cao là do ngành cơ khí Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển khi máy móc thiết bị trong ngành này đã lỗi thời và cần thay thế; ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chính xác v.v… có triển vọng phát triển tốt. Đi cùng với đó là lợi thế tình hình chính trị ổn định và lực lượng lao động dồi dào, dân số trẻ, và giá nhân công tương đối rẻ, hiện đang có làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Thái Lan, Trung Quốc sang Việt Nam, Lào, Myanmar.

Xét về lịch sử phát triển, cơ khí là ngành có tốc độ tăng trưởng phi thường. Năm 1995, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 46 ngàn tỷ đồng, năm 2005 đạt 201 ngàn tỷ đồng, và 2015 ước đạt trên 800 ngàn tỷ đồng. Nghĩa là cứ sau mỗi 10 năm, giá trị sản xuất lại tăng gấp 4 lần. Sức phát triển ấy, không có bất cứ ngành nào dù thuộc nhóm chế tạo, hay nhóm gia công, lắp ráp, hay nhóm khai thác tài nguyên đạt được.

Mặc dù vậy, nhìn trên tổng thể, đến năm 2014 chúng ta mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu cơ khí trong nước. Và thật ra, trên thế giới cũng chỉ có dưới 10 nước phát triển được ngành cơ khí tự lập như Mỹ, Đức, Anh, Thụy Sỹ hay Nhật Bản; còn lại đều phải dựa vào nhau cùng hợp tác phát triển.

Chính vì thế con đường của các doanh nghiệp cơ khí nước ta là phải tìm cách tiếp cận thị trường thế giới bằng cách trở thành nơi cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành cơ khí là sản xuất ra “các sản phẩm có tính trao đổi cao, sản lượng lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia”.

Hai con đường tham gia chuỗi cung ứng

Có hai con đường giúp doanh nghiệp cơ khí tham gia chuỗi cung ứng. Một là làm vệ tinh cho các nhà tổng thầu nước ngoài hoặc các hãng có tên tuổi để trở thành một mắt xích cung ứng thiết bị phụ tùng cho họ. Việc này chúng ta chưa thực sự chủ động lắm. Samsung và nhiều tập đoàn nước ngoài khác như LG, Canon cũng từng tìm kiếm đối tác Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt có chân trong chuỗi cung ứng chưa nhiều.

Đầu năm nay, Bộ Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức đưa đoàn 20 doanh nghiệp Việt Nam đến thăm 8 nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 của Samsung trong lĩnh vực điện tử và cơ khí. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong nước biết được yêu cầu của nhà sản xuất; định vị được vai trò của nhà cung ứng mà có sự đầu tư thích đáng về công nghệ và nhân lực.

Con đường thứ hai là liên kết với nhau để đáp ứng đơn hàng, gói thầu. Có thể liên kết quốc tế như Công ty Lilama 69-1 liên danh với Thyssenkrupp (CHLB Đức) và TTCL (Thái Lan) để trở thành tổ hợp nhà thầu xây dựng nhà máy khai thác và chế biến muối mỏ công suất 320.000 tấn/năm tại Lào; hay PTSC liên kết với Tập đoàn Technip, ThyssenKrupp ký hợp đồng mở rộng Tổ hợp NH3 của Nhà máy NPK Phú Mỹ.

Liên kết trong nước cũng để lại nhiều dấu ấn thành công, như các doanh nghiệp Z17, Z25, Z179 liên kết cung cấp các loại bánh răng, chi tiết sản phẩm gia công kim loại cho các doanh nghiệp cơ khí; Công ty Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM) từ nhiều năm nay đã đặt hàng các chi tiết, sản phẩm từ 25 doanh nghiệp để sản xuất, chế tạo các sản phẩm, thiết bị động cơ, máy nổ; Công ty Vinalift đã cung cấp nhiều thiết bị cầu trục cho Công ty Đóng tàu Sông Thu, Nam Triệu, Sông Cấm; Công ty Quy chế Từ Sơn hợp tác với Công ty CP Lisemco xây lắp cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn...

Dù đi theo con đường nào, trở thành vệ tinh cho các nhà thầu nước ngoài hay hợp tác đáp ứng đơn hàng, gói thầu thì điều cấp bách nhất lúc này là thực hiện bằng được các chương trình quản lý chất lượng của châu Âu, Mỹ, Nhật. Tiếp đến phải có một chương trình đào tạo cho cán bộ, công nhân kỹ thuật thực hiện các dự án có tác phong công nghiệp để thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và năng suất cao mới có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.


Nguyễn Văn