Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Thời cơ thuận lợi

Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm quyền chi phối sẽ được đẩy nhanh hơn với các cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ. Những cái tên Sabeco, Habeco hay nhiều doanh

Lần lữa là mất niềm tin

Việc mua cổ phần của các công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa, chào bán lần đầu là một trong những nghiệp vụ đầu tư quan trọng nhất của các định chế tài chính lớn trên thế giới. Ở các nền kinh tế mới nổi, những doanh nghiệp do nhà nước sở hữu thường có một vị thế độc tôn hay vị thế chi phối trên thị trường. Việc mua cổ phần góp vốn vào các doanh nghiệp này là bước đi nhanh nhất tiếp cận với một thị trường đang phát triển nhanh. Đó là chưa kể đến các yếu tố có lợi trong con mắt của các định chế tài chính lão luyện, các doanh nghiệp có hàng trăm năm kinh nghiệm, như tiềm năng phát triển, yếu tố định giá thấp so với triển vọng hoặc thương hiệu…

Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thời kỳ đầu chỉ mang tính thí điểm với các doanh nghiệp nhỏ, ít quan trọng. Dòng vốn nước ngoài tham gia các thương vụ này không lớn. Khi tiến sang bước thứ hai là cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn, vướng mắc lại nằm ở chỗ phần vốn bán quá nhỏ, doanh nghiệp không chịu niêm yết nên nhà đầu tư nước ngoài gần như chỉ tham gia với góc độ “đặt cọc” cho giai đoạn thứ ba.

Trong giai đoạn hai, nhà đầu tư nước ngoài phải chịu đựng rất mệt mỏi do cả hai hạn chế nói trên đều là những yếu tố không mong muốn nhất: Việc bán quá ít phần vốn khiến nhà đầu tư bên ngoài không thể tham gia vào hoạt động quản trị và bản thân doanh nghiệp vẫn khoác áo cổ phần, nhưng điều hành như doanh nghiệp nhà nước. Việc chậm niêm yết cổ phiếu khiến giao dịch không có thanh khoản cũng như không thể định giá chính xác khoản vốn đầu tư.

Những tổ chức nước ngoài chấp nhận trải qua giai đoạn “lúc khoan, lúc nhặt” hơn chục năm qua của tiến trình cổ phần hóa giai đoạn 2 tại Việt Nam phải có niềm tin rất vững chắc. Việc thúc đẩy nhanh hơn và quyết liệt hơn, chuyển sang giai đoạn rốt ráo của tiến trình cổ phần hóa sẽ góp phần củng cố niềm tin đó trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài vì sự thay đổi này không đơn giản là thay đổi một văn bản, mà là sự thay đổi trong quan điểm và tư tưởng.

Ngày 29/8/2016, Chính phủ đã có cuộc họp về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn đã cổ phần hóa, trong đó có Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)… Lần đâu tiên lộ trình thoái vốn dứt khoát được đặt ra một cách cụ thể, cũng như đưa tiến trình này vào thế không thể lùi, không thể chậm được nữa. Việc công khai lộ trình thoái vốn của Chính phủ là một cam kết đối với cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phần vốn nhà nước tại Sabeco đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều hãng bia khổng lồ trên thế giới

Ngay trong cuộc xúc tiến đầu tư tại Hồng Kông giữa tháng 9 này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp Hồng Kông đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam, nhất là các cơ hội cổ phần hóa.

Nếu Việt Nam đã nỗ lực xây dựng niềm tin đối với cộng đồng đầu tư từ cấp cao nhất thì việc thực hiện những bước đi cụ thể là điều cần thiết và quan trọng hơn cả để duy trì niềm tin đó.

Cơ hội trở thành tâm điểm của dòng vốn quốc tế

Trong một thời gian ngắn, các biến động kinh tế thế giới diễn ra dồn dập, nhất là từ sau khi sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) nổ ra, khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu tranh nhau tìm các địa chỉ đầu tư an toàn và hiệu quả nhất. Không phải ngẫu nhiên thị trường trái phiếu nhiều quốc gia bùng nổ cực kỳ bất thường với mọi lợi suất xuống ngưỡng âm, tức là giới đầu tư sẵn sàng trả thêm phí để được cho vay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí giảm tốc.

Trong khi đó Việt Nam nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 2016 gặp khó khăn, nhưng các dự báo dài hạn từ sau 2017 của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới vẫn dự đoán Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng tốt. Bằng chứng là dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp trong năm 2016 đã gia tăng kỷ lục. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tính chung trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 14,366 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo một báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, số liệu nửa đầu năm nay cho thấy dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần tăng 3,5 lần so với cùng kỳ 2015. Giá trị doanh mục của nhà đầu tư nước ngoài hết tháng 6 đạt trên 16 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất và mức sinh lời lớn nhất trong quý II/2016 tại khu vực Đông Nam Á.

Có hai yếu tố cực kỳ quan trọng đối với tiến trình cổ phần hóa, bán phần vốn nhà nước một cách hiệu quả, là bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt và khả năng hấp thụ vốn đủ lớn. Cả hai yếu tố này đang có nhiều dấu hiệu thuận lợi.

Các doanh nghiệp nằm trong lộ trình bán bớt phần vốn nhà nước trong năm 2016-2017 đều là các doanh nghiệp lớn và mức độ hấp dẫn cao, chủ yếu là vị thế rất lớn trên thị trường trong nước. Điều này đảm bảo mức độ quan tâm lớn của các nhà đầu tư quốc tế. Chẳng hạn phần vốn nhà nước tại Sabeco đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều hãng bia khổng lồ trên thế giới, cũng như các tổ chức đầu tư lớn. Mặt khác, khả năng hấp thụ của thị trường trong những thương vụ hấp dẫn như vậy là rất cao. Đơn cử như đợt thoái vốn lần 1 trong năm 2016 của Sabeco cũng tương đương 24.000 tỷ đồng (bán 53,59% vốn nhà nước đang sở hữu).

Việc thu hút dòng vốn nước ngoài vào thông qua các thương vụ lớn và dài hạn như vậy có tính chất không khác gì các khoản vốn đầu tư trực tiếp. Lâu nay vẫn có quan điểm phân biệt dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán là dòng vốn ngắn hạn, có thể dễ dàng rời bỏ. Tuy nhiên khi đã tham gia mua cổ phần lô lớn, trở thành nhà đầu tư chiến lược, dòng vốn đó sẽ ở lại một thời gian dài.

Trên thị trường chứng khoán niêm yết đang diễn ra sự vận động khác lạ của dòng vốn nước ngoài, mà rất có thể là một sự dịch chuyển vốn khổng lồ hướng đến các cơ hội mới. Nhà đầu tư nước ngoài đang bán ra rất mạnh trên thị trường, lên tới hàng ngàn tỷ đồng từ tháng 8 đến nay. Tuy nhiên giao dịch thứ cấp trên thị trường trái phiếu lại ghi nhận hàng chục ngàn tỷ đồng mua ròng từ đầu năm, thị trường sơ cấp huy động có lãi suất liên tục giảm.

Việc bán ròng hàng ngàn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán được nhìn nhận với con mắt lo ngại như một biểu hiện của độ hấp dẫn giảm đi. Thực tế sự vận động vào ra của dòng vốn ngoại cần quan sát với biến động tỷ giá. Tỷ giá chưa cho thấy bằng chứng nào về một sự rút vốn lớn, đồng thời Ngân hàng Nhà nước đang liên tục mua USD tăng dự trữ ngoại hối.

Như vậy có thể việc hiện thực hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư trên sàn niêm yết không hẳn là nhằm mục đích rút vốn khỏi thị trường Việt Nam. Thực tế đó có thể lại là một cơ hội mới cho thị trường chưa niêm yết, trong đó có hoạt động thoái vốn nhà nước. Trong thời gian chờ đợi, dòng vốn này có thể đảo qua các kênh giữ tiền khác, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ.

Nói tóm lại, chừng nào dòng tiền của các tổ chức nước ngoài vẫn nằm lại thị trường Việt Nam, tức là cơ hội cho các lĩnh vực đầu tư khác vẫn còn. Thậm chí, nếu đó là một sự sắp xếp vốn cho các cơ hội cổ phần hóa thì điều kiện lại càng thuận lợi hơn nữa.