Đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Tôi hy vọng mỗi đồng chí lãnh đạo trường tự đổi mới tư duy, hình thành nên một tổ chức văn hóa chất lượng, sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục đất nước.

Đó là sự kỳ vọng thiết thực nhất, được Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chia sẽ đến lãnh đạo các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, tại Hội nghị “Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm học 2016 – 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017 – 2018”, được tổ chức sáng ngày 20/10 tại TP. Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ Bà Nguyễn Thị Lâm Giang Phó Vụ trưởng – Vụ TCCB Bộ Công Thương báo cáo tại hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định, trước yêu cầu tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện của 48 cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương, để tác động tích cực đến hơn 200.000 học sinh, sinh viên hàng năm, với mục tiêu đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao, có khả năng “Thích Ứng - Đáp Ứng” với nền kinh tế thị trường và nhu cầu thị trường lao động. Các cơ quan quản lý của Bộ Công Thương cũng như lãnh đạo các nhà trường cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để tổ chức triển khai thực hiện tốt về chất lượng đào tạo và công tác tuyển sinh.

Lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẽ ý kiến với các cơ sở giáo dục thuộc Bộ tại hội nghị

Đại diện lãnh đạo Trường Đại học CN TP TP. Hồ Chí Minh đề xuất ý kiến với lãnh đạo BộĐại diện lãnh đạo Trường Đại học Điện lực cho rằng cơ chế tự chủ đã giúp cho Trường đổi mới, sáng tạo hơn Ông Lý Quốc Hùng Chủ tịch Công đoàn Công thương, trao Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Công Thương cho 14 tập thể trường thuộc BộQuang cảnh hội nghị “Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm học 2016 – 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017 – 2018”Trước yêu cầu đổi mới toàn diện căn bản ngành giáo dục, đòi hỏi các trường cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo chuyển biến nhanh về chất lượng đào tạo

Báo cáo tại hội nghị về tổng kết công tác đào tạo năm học 2016 – 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, hệ thống các trường thuộc Bộ có 48 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và 01 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó, trực thuộc Bộ có 35 trường, bao gồm 09 trường đại học, 01 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, 25 trường cao đẳng. Trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty có 13 trường và cơ sở đào tạo, bao gồm: 02 trường đại học, 09 trường cao đẳng và 02 trường trung cấp. Ngoài ra, có 01 trường đại học ( Đại học Nguyễn Tất Thành), 01 trường cao đẳng được tham gia một số hoạt động trong khối các trường thuộc Bộ.

Trong số các trường đại học, đến nay có 06 trường đại học, đang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017. Trong đó trường Đại học Công nghệ Dệt may Hà Hội thực hiện mô hình tự chủ không có Bộ chủ quản.

Trong công tác tuyển sinh, hiện nay các trường thuộc Bộ ngày càng gặp khó khăn, nhất là các cơ sở đào tạo tại các địa bàn xa các trung tâm thành phố lớn. Bức tranh tổng quan tuyển sinh qua các năm cho thấy xu hướng giảm tại tất cả các hệ đào tạo. Theo báo cáo của các trường, năm học 2016 – 2017 có 21/26 trường cao đẳng tuyển sinh hệ cao đẳng đạt dưới 60% so với chỉ tiêu, trong đó, có 15/26 trường chỉ tuyển dưới 30%; tuyển sinh cao đẳng trong hầu hết các trường Đại học giảm mạnh so với năm học 2015 – 2016, có 4/11 trường chỉ tuyển dưới 30%; Hệ đại học đạt 88,6% so với chỉ tiêu, giảm 6,2% so với năm học trước.

Đánh giá chung về các kết quả nổi bật của năm học 2016 – 2017, các trường đã chủ động trong việc xây dựng chương trình, lựa chọn tài liệu giảng dạy phù hợp giảm phụ thuộc vào chương trình khung, một số trường đã tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến của các trường có uy tín trên thế giới.

Thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP về thực hiện thí điểm tự chủ đối với một số cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2015 – 2017, Bộ Công Thương là điểm sáng, khi có 6/23 trường công lập (gần 30%) trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm đổi mới về cơ chế hoạt động. Kết quả bước đầu cho thấy việc thực hiện tự chủ đã mang lại những thay đổi tích cực cho việc sử dụng nguồn lực minh bạch và hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đã không chỉ tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước mà còn có dấu hiệu tăng trưởng mọi mặt, cả về chỉ tiêu tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu ra, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên…

Phương hướng năm học 2017 – 2018, các cơ sở giáo dục của Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục tìm tòi, các hướng đi mới. Trong năm 2018 dự kiến sẽ tập trung tổ chức các lớp bồi dưỡng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công thương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Phát triển đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng và trình độ theo yêu cầu. Tiếp tục thực hiện tự chủ đại học cho 06 trường đã thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ, giám sát, kiểm tra đánh giá để có những đề xuất, kiến nghị phù hợp. Nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, hiệu quả về tổ chức bộ máy, đội ngũ, công tác điều hành quản lý, quản trị, tinh gọn số lượng các cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ.

Tại Hội nghị, lãnh đạo trường Đại học Điện lực, cho rằng, kể từ khi trường thực hiện cơ chế tự chủ, Trường đã có những thay đổi mang tính đột phá, những đề án xây dựng để phục vụ trong công tác đào tạo đã triển khai nhanh hơn, cơ chế tự chủ đã giúp cho trường về thời gian trong các thủ tục xin phép đầu tư, chính sự tự quyết, tự chịu trách nhiệm này đã giúp cho nhà trường triển khai nhanh, có hiệu quả các dự án đầu tư nhằm phục vụ kịp thời công tác đào tạo sinh viên, thay vì như trước đây phải chờ qua Bộ ra quyết định mới thực hiện. Đại diện trường này đã khẳng định từ khi có cơ chế tự chủ, hoạt động của trường đã ngày càng đổi mới và sáng tạo hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, giúp cho sự phát triển được gia tăng qua từng năm.

Theo đại diện của lãnh đạo Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, kể từ khi trường được thực hiện cơ chế tự chủ thì nhà trường rất khó khăn, đại diện lãnh đạo này nhận định, việc đầu tiên khi nhận quyết định thực hiện cơ chế tự chủ là bị cắt ngân sách, thay vì như trước đây mỗi năm nhà trường được cấp từ 15 đến 25 tỷ, giờ nhà trường tự chủ thì phải tự lo, tự quyết định tất cả và tự chịu trách nhiệm, cho nên với cương vị là người đứng đầu của nhà trường bản thân rất thận trọng và lo lắng. Đại diện trường này cũng kiến nghị Bộ nên dành một khoản kinh phí để cấp cho 11 trường đại học cùng xây dựng một chương trình đào tạo chung, cụ thể, mỗi trường sẽ đề xuất và xây dựng riêng từ 1 đến 3 ngành trọng điểm, cụ thể như trường Đại học CNTP TP. Hồ Chí Minh có ưu điểm về công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học…, thì trường sẽ xây dựng một bộ chương trình chuẩn, sau khi mỗi trường cùng xây dựng một bộ chương trình chuẩn của mình, cùng tập hợp tất cả lại và nó sẽ hình thành ra một bộ chuẩn chung phục vụ cho 11 trường, để cùng sử dụng chung trong công tác đào tạo, giảng dạy các sinh viên học sinh, kể cả sử dụng chung các thiết bị phục vụ giảng dạy, với việc làm này ngoài ý nghĩa mang tính liên kết, còn làm giảm kinh phí rất nhiều, so với trước đây mỗi nhà trường đều tự đầu tư kinh phí để mua sắm các trang thiết bị sẽ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách.

Tiếp thu các ý kiến của các trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định và kết luận về hoạt động công tác đào tạo trong thời gian qua và đề nghị các giải pháp sau. Sau 03 năm thực hiện cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học của Bộ Công Thương nói riêng, đã chủ động và linh hoạt hơn, đạt được những kết quả nhất định, về các trường đại học đã có những đổi mới sáng tạo, đột phá hơn trong công tác đào tạo, giảng dạy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có những bước phát triển chiều sâu, tuy nhiên trong thời gian tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao chất lượng trong đào tạo nghề nghiệp, cần có tính sáng tạo hơn, theo hướng phát huy thế mạnh các ngành nghề đào tạo truyền thống, phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công thương và Quy hoạch phát triển phát triển ngành tại các vùng miền.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các trường còn lại thuộc Bộ theo các quy định của Chính phủ; đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương theo hướng tăng cường giao nhiệm vụ đặt hàng theo nhu cầu đào tạo của cơ quan, Nhà nước, các ngành nghề ưu tiên và các doanh nghiệp thuộc ngành. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo đối với các nước có trình độ đào tạo hiện đại, tiên tiến để từng bước tiếp thu, chuyển giao công nghệ đào tạo, phát triển chương trình đào tạo, trao đổi học sinh, sinh viên, đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của ngành…

Trong khuôn khổ hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã trao Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 6 trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ Công Thương vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt năm học 2016 – 2017. Cũng tại hội nghị này, ông Lý Quốc Hùng – Chủ tịch Công đoàn Công thương, thay mặt Bộ Công Thương đã trao Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Công Thương cho 14 tập thể trường thuộc Bộ, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt năm học 2016 – 2017.