Dệt may hướng tới sản phẩm xanh

Những năm gần đây, người tiêu dùng ở các quốc gia trên thế giới có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên vì tính an toàn, hợp với môi sinh, không gây ô nhiễm với môi trường, trong đó có
Đối với thị trường Việt Nam, với đặc điểm khí hậu nhiệt đới, mùa hè rất nóng và khắc nghiệt, không khí khô, nhiệt độ lên rất cao nên người tiêu dùng luôn có xu hướng lựa chọn các loại vải có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, thông thoáng. Cùng với đó, vấn đề ô nhiễm môi trường và thị hiếu tiêu dùng đang có những chuyển biến theo xu hướng chung đã tác động trực tiếp đến các nhà sản xuất, tạo sức ép ngày càng gia tăng về việc song song với tăng trưởng kinh tế phải nâng cao hiệu quả môi trường của DN.


Khu veston May 10 thực hiện SX sạch hơn

Xu hướng chọn sản phẩm thân thiện môi trường
Theo các nhà nghiên cứu, vải thân thiện với môi trường có thể sẽ trở nên đắt đỏ, nhưng do nhu cầu ngày càng tăng về loại hàng này đang thúc đẩy các hãng dệt may tăng cường sản xuất các loại “vải sạch” phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Các nhà sản xuất dệt may hàng đầu thế giới của Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Hàn Quốc… đang chú trọng tới việc phát triển các sản phẩm của mình bằng sợi tự nhiên, sợi hữu cơ, các tập tục thương mại công bằng và quy trình chế biến sạch để thay thế cho ngành kinh tế thường bị chỉ trích là gây ô nhiễm đất và nguồn nước sinh hoạt. Vì thế, sản xuất và kinh doanh vải hữu cơ là nhu cầu tất yếu của thị trường. Đây là những sản phẩm thân thiện với môi trường, đang rất được ưa chuộng và giá của chúng chỉ đắt hơn 15% so với các loại vải thông thường. Do đó, sợi thân thiện với môi trường là mặt hàng chủ chốt của thị hiếu tiêu dùng các sản phẩm may mặc của hiện tại và tương lai.Năm 2009 được coi là “Năm Sợi tự nhiên Quốc tế” của Liên Hợp Quốc nhằm đem lại “liều thuốc bổ” cho lĩnh vực kinh doanh bông, sợi lanh, sợi xidan, sợi gai dầu, sợi anpaca, sợi đay, len, len angora, sợi cashmere và nhiều loại sợi khác tại các nước nghèo, với doanh thu toàn cầu 40 tỷ euro mỗi năm. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cũng cho biết, mỗi năm trên thế giới sản xuất khoảng hơn 30 triệu tấn sợi tự nhiên. Kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, việc sử dụng sợi tổng hợp đã gia tăng trong khi sợi tự nhiên mất nhiều thị phần.Một số doanh nhân của Châu Á, Mỹ và Châu Âu thời gian qua đã chú ý đến sợi gai dầu. Đây là loại sợi có lịch sử 4000 năm được sử dụng để làm buồm cho những con thuyền buôn. Với đặc điểm khỏe, có sức đề kháng tốt, cần ít nước và không cần chăm sóc nhiều, gai dầu là loại cây đặc biệt, loại sợi tự nhiên bền nhất, thậm chí còn hơn cả sợi lanh. Hơn thế, đây là loại sợi thoáng khí, chống được vi khuẩn và tia cực tím. Do đó, bông hữu cơ và gai dầu sẽ là hướng đi chủ đạo trong tương lai, vì chúng là những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng việc bảo vệ thiên nhiên trước sự ấm lên của toàn cầu.

 

Liên tục đổi mới và gia tăng cạnh tranh đáp ứng nhu cầu xanh


Tuy nhiên, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xanh không phải là một lĩnh vực dễ dàng. Và trở ngại đầu tiên là giành được bản quyền cho các sản phẩm cuối cùng như là những nhãn hiệu thân thiện với môi trường. Vì vậy, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ là một lĩnh vực kinh doanh, mà là một thái độ xã hội. Người tiêu dùng hiện nay muốn có những bộ quần áo sang trọng và hợp thời trang nhưng tôn trọng môi trường.
Tháng 6-2007, quy định REACH (REACH là cụm từ viết tắt cho Registration (Đăng ký), Evaluation (Đánh giá), Authorization (Cấp phép) và Restriction (Hạn chế) cho hóa chất) được ban hành và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/6/2008 để thay thế cho 40 luật và các quy định về hóa chất ở EU. Đây là luật nghiêm ngặt nhất về hóa chất trên thế giới cho đến nay. Việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của REACH cần phải đạt được trong khoảng thời gian hạn định 10 năm, để chứng minh rằng các hóa chất đã công bố không gây hại đến sức khỏe con người và môi trường. Mục đích của Quy định REACH là đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người và môi trường ở mức cao bằng cách áp dụng các phương pháp đánh giá độ nguy hại của các chất mà không ảnh hưởng đến lưu thông hóa chất trong thị trường EU trong tình hình gia tăng cạnh tranh và đổi mới liên tục.

Các nhãn hàng quần áo cũng như các nhà bán lẻ trong khi tuân thủ qui định REACH đang góp phần đưa sản phẩm “xanh hơn” đến người tiêu dùng và tạo sức ép cao hơn lên các nhà cung cấp trong việc chấp nhận các hoạt động thân thiện với môi trường hơn nữa.
Ngành dệt may ở nước ta khi kiên định theo xu hướng “sản phẩm xanh” sẽ phát triển trở thành một ngành công nghiệp bền vững. Đứng trước xu hướng này, các nhà sản xuất dệt may nước ta đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình, cần phải lựa chọn để đi đúng hướng ngay từ đầu,  tránh việc chịu rủi ro đối mặt với việc thay đổi chính sách sẽ rất tốn kém trong tương lai. Đó là xu hướng toàn cầu hóa, mà DMVN lại chủ yếu phục vụ xuất khẩu, nên tất yếu sẽ phải đáp ứng những thông lệ quốc tế luôn được đổi mới.
Về phía Chính phủ, cũng đã đề ra những chương trình phục vụ cho mục tiêu hướng tới sản phẩm xanh, đơn cử hình việc vận động các DN thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn từ 2009-2013. Các DN DMVN đều đã tích cực tham gia chiến lược này và có tiến bộ rõ rệt.

Về phía cộng đồng các DN Dệt May, trong chiến lược tăng trưởng xanh, đã chú trọng giải quyết các vấn đề cơ bản: tiết giảm năng lượng, nhiên liệu trong SXKD; áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 1400:2004 cho hoạt động SXKD.  Nhờ đó không chỉ tạo hiệu quả kinh doanh cao hơn, mà còn nâng cao hiệu quả môi trường của DN nói riêng và của xã hội nói chung, góp phần đưa ngành dệt may phát triển ổn định, bền vững.