DNNVV Việt Nam: 3 trở ngại phát triển

3 trở ngại lớn nhất mà các DNNVV Việt Nam đang gặp phải đó là việc thiếu vốn, chính sách của chính phủ chưa có tác dụng phát triển DNNVV và năng lực kinh doanh, năng lực lãnh đạo còn hạn chế.

Sáng 2/3/2017, trong khuôn khổ Hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và kinh nghiệm từ Nhật Bản, báo cáo kết quả khảo sát tình hình DNNVV Việt Nam đã được công bố. Báo cáo do nhóm Công tác về Hỗ trợ DNNVV thực hiện trong thời gian 3 tháng, từ tháng 3 -5/2016 đối với các trung tâm SME-TAC (Trung tâm Hỗ trợ DNNVV), các DNNVV bản địa. Kết quả khảo sát cho biết, hiện số lượng DNNVV ở Việt Nam khoảng 600.000 doanh nghiệp (DN), chiếm 98% tổng số DN Việt Nam. Các DN này chiếm 41% nguồn thu ngân sách, chiếm 78% lao động và đóng góp 49% GDP.

Theo đó, 3 trở ngại lớn nhất mà các DNNVV Việt Nam đang gặp phải đó là việc thiếu vốn, chính sách của chính phủ  chưa  có tác dụng phát triển DNNVV và năng lực kinh doanh, năng lực lãnh đạo  của DN  còn hạn chế.

Trở ngại thiếu vốn, báo cáo khảo sát cho rằng do các DNNVV có lịch sử hình thành ngắn, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo nên khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Khi trao đổi với ngân hàng thì được biết, “DNNVV kém minh bạch nên ngân hàng không yên tâm. Nếu không có tài sản đảm bảo thì rủi ro quá cao nên không cho vay”. Dẫn đến bất cập là doanh nghiệp thiếu vốn nhưng lại không thể vay được vốn.

Báo cáo tình hình DNNVV Việt Nam cũng chỉ ra, có 2 lý do chính khiến họ  khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Một là do DNNVV yếu về tính minh bạch và năng lực kinh doanh và hai là do các DNNVV không thể lập được hồ sơ vay vốn.

Trở ngại về chính sách, theo kết quả khảo sát của nhóm Công tác về Hỗ trợ DNNVV thì các chính sách của Chính phủ chưa có tác dụng phát triển DNNVV. Vấn đề này xảy ra đối với thuế thu nhập doanh nghiệp; quy định nhập khẩu máy móc qua sử dụng...

Báo cáo khảo sát nhấn mạnh: “Thuế thu nhập doanh nghiệp là gánh nặng lớn cản trở doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu phát triển, tuyển dụng – đào tạo nguồn nhân lực…”. Hiện thuế suất đối với các doanh nghiệp nói chung là 20%, với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì được miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế trong 4 năm kế tiếp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được khảo sát thì phần lớn nằm ngoài khu công nghiệp bởi phí thuê đất ở khu công nghiệp cao, doanh nghiệp không thể trả nhiều lần nên doanh nghiệp khó mà vào được khu công nghiệp để hưởng ưu đãi.

Bên cạnh đó quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị qua sử dụng cũng gây khó cho doanh nghiệp. Cụ thể, phần lớn các DNNVV thiếu vốn nên đang sử dụng thiết bị đã qua sử dụng của Nhật Bản, Châu Âu vì chất lượng tốt, bền, đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định mới (Hạn chế các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng từ các nước tiên tiến) các DNNVV không có vốn để mua thiết bị mới của các nước tiên tiến, nên vì quy định họ phải mua thiết bị của Trung Quốc, Đài Loan... có chất lượng thấp, dễ hỏng hóc, không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, lại làm tăng chi phí đầu tư.

Trở ngại năng lực kinh doanh.

Kết quả khảo sát chỉ ra, có tới 55,6% giám đốc các DNNVV có trình độ dưới trung cấp, họ không học về các kiến thức quản trị kinh doanh hiện đại nên không lập được kế hoạch kinh doanh. Nhiều trường hợp có thể quản lý một nhà máy nhỏ nhưng khi tổ chức một doanh nghiệp lớn thì không thể quản lý được nhân sự, phát triển văn hóa doanh nghiệp, quản lý sản xuất theo hướng hiện đại... Do vậy, kinh doanh thường dựa vào cảm giác kinh nghiệm của bản thân nên mức độ rủi ro khá cao.

Từ hiện trạng đó, một số giải pháp được các chuyên gia và các doanh nghiệp đề xuất để từng bước tháo gỡ những khó khăn, trợ giúp DNNVV phát triển như:

Xây dựng chế độ hỗ trợ đặc biệt của nhà nước cho các DNNVV có tính minh bạch cao, kế hoạch đầu tư tốt, năng lực kinh doanh của người quản lý tốt.

Áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cho DNNVV như ở các quốc gia khác. Như ở Thái Lan, thuế thu nhập cho DNNVV là 15%, Indonesisa là 12,5%, ở Singapore thuế thu nhập doanh nghiệp chung là 17%...

Áp dụng chế độ bồi dưỡng, mở các khóa đào tạo để hỗ trợ kinh doanh cho DNNVV. Tận dụng những chuyên gia cí kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, muốn tiếp tục làm việc sau khi đã nghỉ hưu từ Nhật Bản và các nước khác để làm giảng viên, hướng dẫn, tư vấn cho các DNNVV...



Hoàng Hòa