Đoàn công tác của Bộ Công Thương đi thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa

Để góp phần động viên quân, dân trên huyện đảo Trường Sa yên tâm phấn khởi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vù

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng sẽ dẫn đầu Đoàn công tác cùng 70 cán bộ và sinh viên tiêu biểu của các cục, vụ, viện, trường, doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

Ý nghĩa của chuyến đi không chỉ nhằm động viên quân và dân Huyện đảo Trường Sa, mà qua đó còn góp phần tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức, người lao động thuộc Bộ đối với việc xây dựng, bảo vệ Trường Sa thân yêu, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi thế, tham gia Đoàn công tác, có nhiều đồng chí là lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, đoàn thể, trưởng phó các bộ phận.

Có thể kể: các đồng chí lãnh đạo các cục vụ viện, doanh nghiệp gồm: Phương Hoàng Kim, Nguyễn Thế Quang, Đỗ Xuân Tùng, Hoàng Văn Hùng... Các đồng chí hiệu trưởng: Đặng Vũ Ngoạn, Nguyễn Sỹ Cường, Nguyễn Quang Thư, Nguyễn Việt Tấn, Tô Văn Khôi... Các đồng chí là lãnh đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể: Nguyễn Hữu Phòng, Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Xuân Bính, La Thanh Tuấn, Phạm Thịnh Hoàng, Phan Hồng Phương, Đỗ Văn Bách... Các đồng chí lãnh đạo các bộ phận gồm: Nguyễn Thiện Nam, Phan Thanh Bình, Phạm Thanh Liêm... Đặc biệt, tham gia đoàn còn có đồng chí Hồ Đình Chinh - hàm Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang (giữa) dưới tán bàng vuông trong một lần đến thăm đảo Trường Sa lớn

Trong 10 ngày, từ 2/6 đến 11/6/2015, Đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ đến thăm các đảo: Đá lớn (A, B, C), Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông, Trường Sa. Các nhà giàn DK 1/8, DK 1/19.

Bên cạnh việc đi thăm, tặng quà và động viên các chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Đoàn Công tác còn đi thăm các lực lượng (UBND, các hộ dân, các cháu học sinh; Trường học; Bệnh xá; các lực lượng phối thuộc; Tàu trực...). Ngoài ra, Đoàn còn có các hoạt động như tổ chức Lễ dâng hương tại Tượng đài Liệt sỹ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, viếng mộ Liệt sỹ...

Chuyến đi lần này được Bộ Công Thương chuẩn bị chu đáo, từ lựa chọn các thành viên tham dự, cho đến thông báo chương trình chi tiết và những hướng dẫn cần thiết. Đặc biệt cảm động là đồng chí Trưởng phòng Đào tạo và Bồi dưỡng - Vụ Phát triển nguồn nhân lực Nguyễn Thiện Nam, người làm đầu mối liên hệ của chuyến đi này đã dày công sưu tầm tư liệu “Những điều cần chú ý” hết sức bổ ích cho những ai lần đầu tiên ra Trường Sa. Xin trân trọng đăng kèm theo đây để cùng chia sẻ với các thành viên trong Đoàn công tác như một lời chúc tốt đẹp cho chuyến đi. (Một vài chi tiết trong “Những điều cần chú ý” mang tính hài hước, nhưng xin được đăng nguyên văn).

Những điều cần chú ý

Điều bạn cần chuẩn bị là SỨC KHỎE. Không cần nói là sức khỏe cho cả một Hành trình hơn 10 ngày trên biển với 1.200 hải lý, mà sức khỏe để bắt đầu chuyến đi. Trong đoàn của tôi đã có nhiều bạn rơi rớt lại, không tham gia được vì ốm trước khi khởi hành. Thật đáng tiếc phải không!

Còn khi lên tàu, bạn có khật khừ một chút thì cũng không lo. Vì khi tham gia Hành trình, bạn sẽ tự thấy mình khỏe lên, quên đi ốm đau.

Tất nhiên có một vài trường hợp nằm bẹp gần như suốt Hành trình vì say sóng. Đó là điều đáng tiếc thứ hai nếu bạn không có sức khỏe.

Bạn cần sức khỏe bởi vì, ngoài biển nắng, mưa rất thất thường. Bạn hoàn toàn có thể đón nhận những cơn mưa rào khi đang ngồi trên cano để vào các đảo chìm. Và thế là ướt sũng. Một lúc sau lại có nắng to. Đại loại là thời tiết khá thất thường.

Bạn cần sức khỏe để kịp nhảy lên cano, leo lên nhà giàn. Để có thể đi vòng quanh các đảo nổi. Và hơn tất cả để bạn có thể hỏi thăm, động viên được nhiều hơn những người chiến sĩ.

Thứ hai là sự CẨN THẬN. Bạn mang được sức khỏe đi rồi, mà quên mang cẩn thận thì coi chừng bạn sẽ bị rớt lại đó. Cẩn thận cần cho bạn, hay ít nhất là cho tôi. Vì tôi chưa một lần đi biển dài ngày. Chưa bao giờ đối mặt với con sóng lớn. Chưa bao giờ ngồi cano... Nói chung bạn phải hiểu trên biển là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Kinh nghiệm của bạn là con số O. Thì điều bạn phải làm là tuân thủ mọi quy định được ban hành và khuyến cáo của thuyền trưởng và các thủy thủ.

Ví dụ đừng lang thang trên boong tàu làm thơ trong cơn giông... kẻo bạn sẽ rơi bõm xuống biển mà không ai hay biết. Rồi sẽ dập dềnh, dập dềnh mãi. Bạn cũng đừng chứng tỏ bản lĩnh khi không thèm mặc áo phao khi lên xuống xuồng. Bạn cũng chẳng cần tỏ ra tài giỏi khi đứng trên cano đang lướt sóng để chụp ảnh hoặc tạo dáng. Tất cả điều bạn cần làm là hãy cẩn thận và làm theo lời các thủy thủ!

TIỀN. Bạn có cần tiền khi ra các đảo? Trong suốt Hành trình hơn 10 ngày, trong ví tôi chỉ có đúng 600.000 đồng. Và cầm đi bao nhiều thì cầm về cũng bấy nhiêu. Ở Trường Sa không có ai bán để bạn mua. Và cũng không có ai mua để bạn bán.

QUẦN ÁO. Tất nhiên là bạn nên mang theo đủ 12 bộ đồ để mỗi ngày thay một bộ thì tốt. Còn không thì 6 bộ để 2 ngày một bộ. Hoặc có khi là 3 bộ để 4 ngày một bộ... tùy theo sở thích.

Bạn nên mang những quần áo mau khô là tốt nhất. Trên tàu cũng có chỗ giặt, nhưng bạn đừng ham giặt đồ, kẻo sạch quá lại hết cả nước uống đó. Và cũng ít người để ý để độ sành điệu của bạn khi ra đảo đâu. Khi ở tàu bạn có thể mặc quần soóc, áo cộc, nhẹ nhàng. Nhưng khi lên đảo tuyệt đối bạn phải ăn vận một cách lịch sự. Đơn giản đó là sự tôn trọng đối với các chiến sĩ. Nếu bạn "sẹc xi" cũng được, không ai cấm, nhưng có lẽ nên để lúc khác.

Nếu cẩn thận bạn nên mang theo áo mưa hoặc áo gió có khả năng chống thấm nước. Vì khi tăng bo lên cano để vào các đảo chìm, bạn hoàn toàn có thể gặp mưa giông hoặc sóng biển tạt nước vào người. Sẽ rất khó chịu khi bạn nhớp nháp để vào đảo.

Khi lên tàu bạn sẽ được phát một dép rọ nhựa bộ đội. Nên đi lại dép này thay cho tất cả loại dày dép bạn dự định mang theo. Bạn được phát mũ cối. Nhưng nên chuẩn bị mũ mềm cho tiện dụng.

ĐỒ ĂN. Hiện các tàu, bạn có 4 bữa. Sáng 6h, trưa 10 hơn. Chiều 18h và đêm 22h. Bữa sáng và bữa đêm có cháo, bánh đa, mì tôm, chè. Bữa ăn trưa và chiều có cơm, canh củ, rau, cà, thịt lợn, cá, thịt gà... Nếu không quá khắt khe chuyện ăn uống thì bạn không phải mang theo đồ gì ăn cả. Tất nhiên nếu có điều kiện bạn nên mang theo hoa quả tươi - đó sẽ là đồ quý hiếm khi lên tàu. Bên cạnh đó bạn có thể mang đồ hộp tùy thích, ruốc (chà bông), mì tôm, vừng và khoai. Mang khoai để phòng khi say sóng, bạn có thể nhờ nhà bếp nướng để ăn tạm.

ĐỒ UỐNG. Trên tàu có nước uống với ba chế độ: Nóng, lạnh, nguội. Bạn có thể mang theo nước uống của mình. Điều đó tùy thích. Thậm chí có thể mang theo chút rượu. Để khi nào say sóng, uống rượu vào cho say luôn một thể. Coi như "dĩ độc trị độc".

THUỐC MEN. Tôi mua thuốc đau đầu và đau bụng khi lên tàu. Nhưng cuối cùng thì tôi bị đau họng! Nhưng bạn đừng lo lắng vì trên tàu có quân y. Và thực ra, ra biển khơi không khí rất trong lành. Bạn có cơ hội khỏe lên. Bạn chỉ nên mang theo những thuốc đặc biệt, ví dụ bị cao huyết ấp, hen suyễn... hay gì gì đó. Vì chỉ có bạn mới biết bệnh của mình.

MÁY ẢNH, MÁY QUAY. Điều này thì thật sự rất cần cho một chuyến đi mà bạn sẽ khó có cơ hội đi lần thứ hai. Nhiều người lo ngại nước biển sẽ làm hỏng các thiết bị điện tử. Điều lo ngại đó là có thật. Trong đoàn của tôi nhiều bạn đã bị hỏng điện thoại vì sóng biển tạt nước vào. Cuối Hành trình, nhiều anh bạn trong đoàn đã kêu trời vì ống kính bị mốc, hay máy bị chập chờn, lúc chụp được, lúc không. Nói chung, khả năng hỏng hóc là cực kỳ cao. Nhưng bạn có 2 lựa chọn, một là không mang máy móc theo rồi về xin ảnh. Lựa chọn thứ hai là mang theo và tự túc có những bức ảnh hay cảnh quay cực quý cho riêng mình.

Vì công việc, tôi có mang theo máy ảnh, điện thoại có thể quay video và cả laptop, USB Viettel 3G (về Viettel 3G, tôi sẽ có một bài riêng). Hiện giờ, tất cả các thiết bị đó chưa bị hỏng hóc gì. Tôi chụp nhiều ảnh, quay video một vài địa điểm. Đặc biệt là đến cuối Hành trình, có nhiều bác mang ổ cứng di động đến để... xin TẤT cả số ảnh tôi đã chụp. Tất nhiên tôi phải khất, và chỉ cho họ những bức ảnh kỷ niệm tôi chụp họ thôi...