Doanh nghiệp chủ động phòng vệ thương mại: Hoàn toàn đủ lực

Pháp lệnh về tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam ban hành năm 2002, nhưng hơn 10 năm nay, DN Việt Nam mới 3 lần sử dụng các công cụ này, trong khi có 80 vụ chúng ta bị kiện từ các
Sao vẫn chần chừ?

Tháng 9/2014, lần đầu tiên Việt Nam sử dụng thành công công cụ chống bán phá giá (CBPG) khi Bộ Công Thương ban hành quyết định về áp dụng biện pháp CBPG đối với mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu từ một số nước, vùng lãnh thổ. Đây là lần thứ ba công cụ PVTM được sử dụng tại Việt Nam. Trước đó, tháng 9/2009, lần đầu tiên một DN Việt Nam là Công ty Kính nổi VIGLACERA và Liên doanh Kính nổi Việt Nam đã đệ đơn lên Bộ Công Thương yêu cầu điều tra CBPG đối với sản phẩm kính nổi nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, sau 7 tháng tiến hành điều tra, ngày 8/2/2010, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã công bố báo cáo cuối cùng về kết quả điều tra kết luận, không áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi nhập khẩu bởi sự gia tăng nhập khẩu không phải là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.

Tiếp theo, vào cuối năm 2012, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã gửi đơn đến Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu vào Việt Nam. Cuối tháng 4/2013, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời bằng cách áp dụng mức thuế nhập khẩu 5% đối với một số mã dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, tính cả vụ kiện CBPG đối với thép không gỉ gần đây nhất thì đến nay, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có 2 lần áp dụng thành công công cụ PVTM. Lần áp thuế thép không gỉ này được các nhà quản lý đánh giá là sẽ tạo bước ngoặt cho các doanh nghiệp áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ chính mình. Vấn đề đặt ra là vì sao hơn 10 năm nay, DN Việt Nam mới 3 lần sử dụng các công cụ này, về phía cơ quan chức năng mới nhận được 11 vụ điều tra thương mại do DN Việt Nam khởi xướng trên tổng số 80 vụ chúng ta bị kiện từ các nước?

Bà Phạm Thị Quỳnh Chi, Phó trưởng phòng Điều tra vụ kiện PVTM doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh phân tích: “Nguyên nhân đầu tiên là chi phí. Để tiến hành một vụ kiện, doanh nghiệp phải chứng minh được hàng hóa nhập khẩu đang gây thiệt hại tới doanh nghiệp, đến ngành sản xuất trong nước là bao nhiêu, hoặc hàng hóa nhập khẩu này đang được bán dưới giá thành. Mà việc chứng minh này đòi hỏi một số lượng lớn số liệu trong một thời gian dài, chi phí đi theo đó cũng rất lớn”.

Ngay cả doanh nghiệp trong nước có nhiều kinh nghiệm như POSCO VST cũng phải mất hơn 1 năm mới hoàn thành các số liệu trong nước cho việc khởi kiện. “POSCO là công ty có vốn đầu tư nước ngoài mà còn phải chuẩn bị hơn 1 năm, thuê luật sư giỏi của Hàn Quốc về mảng PVTM, rồi cả luật sư Việt Nam, hai bên cùng phối hợp, có như vậy mới đạt được kết quả như mong đợi”- Bà Đinh Ánh Tuyết, Luật sư Văn phòng IDVN cho biết thêm.

Bà Đinh Ánh Tuyết còn cho biết: “Có rất nhiều nhóm doanh nghiệp đến hỏi chúng tôi là muốn tham vấn xem khả năng khởi kiện như thế nào nhưng mà không phải ai, không phải nhóm doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng đủ nguồn lực, đủ quyết tâm để biến mong muốn thành sự thật. Vì làm việc ấy phải đầu tư dài hạn. Trong bất kỳ một vụ kiện PVTM nào đều không bao giờ có việc viết một cái đơn lên thế là xong, mà nguyên đơn phải chuẩn bị đầy đủ mọi số liệu, hồ sơ cung cấp cho cơ quan điều tra. Về nguyên tắc, cơ quan điều tra không có nghĩa vụ đi thu thập số liệu”.

Vạn sự khởi đầu nan

Chúng tôi hiểu một nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn chưa có nhiều vụ kiện chống bán phá giá là tâm lý e ngại kiện tụng, ngại va chạm với quy định luật pháp quốc tế của phần đông doanh nghiệp. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, ba vụ kiện PVTM đầu tiên của DN Việt Nam đã phần nào cho thấy những đổi thay trong suy nghĩ cũng như cách hành động, ngoài tâm thế phòng thủ cố hữu DN đã bắt đầu chuyển lên chủ động tấn công.

Sau ba lần khởi kiện và hai lần thành công, doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học cho mình trong một tương lai phía trước. Trong thời gian tới, với các vụ tranh chấp thương mại thì các hiệp hội, doanh nghiệp cần có chuẩn bị tốt nhất về nhân lực, lựa chọn người tư vấn và có sự chuẩn bị thật kỹ về hồ sơ yêu cầu điều tra để có kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, để việc khởi kiện được thuận lợi và dễ dàng, doanh nghiệp cần tham vấn luật sư trong nước và quốc tế.

Có thể thấy rằng, nếu có sự chuẩn bị và phối hợp tốt giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại đáng kể. Tại các quốc gia phát triển, công cụ PVTM được sử dụng khá phổ biến để bảo vệ việc xâm lấn nhanh của hàng nhập khẩu. Ở Việt Nam, ngoài việc đả thông tâm lý “ngại kiện”, điều cần phải giải quyết ngay là các doanh nghiệp phải trang bị cho mình các quy định về trình tự thủ tục nộp hồ sơ khởi kiện, tính toán biên độ phá giá, biên độ thiệt hại… một cách đầy đủ bởi thực tế việc thu thập các số liệu về nhập khẩu, số liệu về giá bán của các nhà xuất khẩu vào thị trường Việt Nam thực sự khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

“Thực tiễn cho thấy ở hầu hết các nước trên thế giới, ngành sản xuất nội địa luôn luôn dựa vào những thông tin thống kê chi tiết mà các cơ quan Nhà nước công khai cho doanh nghiệp để sử dụng cho việc đi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ. Trong hoàn cảnh phần lớn những thông tin liên quan như trên ở Việt Nam khó có thể tiếp cận một cách công khai, dễ dàng thì đây rõ ràng là một thách thức đối với doanh nghiệp, hiệp hội khi xem xét sử dụng các công cụ PVTM, đặc biệt là chống bán phá giá”, chuyên gia Kim Thành, Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của Doanh nghiệp trong nước thuộc Cục Quản lý cạnh tranh cho biết. Theo chuyên gia này, để có thể sử dụng thành công các công cụ PVTM, doanh nghiệp và hiệp hội Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị có liên quan về vấn đề số liệu cũng như nâng cao năng lực, kiến thức pháp luật.

Ba biện pháp PVTM đang được áp dụng phổ biến là:

Chống bán phá giá: đây là biện pháp để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh;

Chống trợ cấp: là biện pháp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.

Biện pháp tự vệ: là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp này thường được áp dụng một cách khắt khe hơn so với hai biện pháp còn lại.


Đại Liên