Đơn hàng ồ ạt trong quý 3, cổ phiếu ngành dệt may "cất cánh"

Cổ phiếu GIL, TCM, TNG đều có mức tăng trên 20% chỉ trong chưa đầy 2 tháng qua.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá trong tháng 8 để chấm dứt chuỗi giảm giá 4 tháng liên tiếp. Sự tăng trưởng của thị trường có sự đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn như dầu khí (GAS, PLX), ngân hàng (BID, CTG, VCB) hay bán lẻ- tiêu dùng (SAB, MWG, PNJ). Tuy nhiên, một nhóm ngành có mức vốn hóa nhỏ cũng có mức tăng trưởng không kém: Dệt may.

Đơn hàng ồ ạt trong quý 3, cổ phiếu ngành dệt may cất cánh - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu TNG, GIL, TCM trong thời gian qua

Ba cổ phiếu nổi bật nhất của nhóm dệt may trong thời gian qua thuộc về CTCP Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (TCM: HoSE), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG: Hnx) và CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL: HoSE).

Diễn biến khá giống với đường đi của Vn-Index, TCM, TNG và GIl đều tạo đáy ở giai đoạn đầu tháng 7 và đi lên. Tính từ đáy tháng 7 đến giá chốt ngày 31/8, TNG đã tăng 24%, GIL tăng 30% còn TCM tăng được tới gần 40%. Sự tăng trưởng của cổ phiếu ngành dệt may có sự hỗ trợ rất lớn từ yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.

Đối với TCM, hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 7 năm 2018 đạt kết quả rất ấn tượng. Doanh thu thuần đạt khoảng 15,4 triệu USD, tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt khoảng 17%.Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1,7 triệu USD (gần 40 tỷ đồng). Mức lợi nhuận của tháng 7/2018 tương đương với 77% lợi nhuận của cả Q3/2017. Lũy kế 7 tháng đầu năm, lợi nhuận của TCM đạt gần 147 tỷ đồng,đạt khoảng 133% so với kế hoạch.

TNG cũng có tháng 7 đột phá với doanh thu tháng đạt 413 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Doanh thu tháng 7/2018 của công ty tương đương với 49% doanh thu của cả Q3/2017. Lợi nhuận sau thuế trong tháng đạt tới 23,6 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 7 tháng đầu năm, TNG thu về gần 91 tỷ đồng LNST, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh tiếp tục giữ vững ngôi đầu về lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS). Theo báo cáo tài chính hợp nhất Q2 của công ty, lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu của GIL đạt 1.247 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Tuy vậy, LNST của công ty đạt 64,4 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. EPS 6 tháng đầu năm đạt 4.944 đồng.

Ngoài yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, còn một yếu tố khác hỗ trợ cho sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu nhóm dệt may đó là tỷ giá. Tỷ giá VND/USD đã tăng mạnh ở giai đoạn cuối tháng 6 và tiếp tục neo ở mức cao trong thời gian qua. Dệt may là một trong những nhóm ngành được hưởng lợi từ tỷ giá, và với diễn biến tích cực trong thời gian qua dự kiến giai đoạn 2 quý cuối năm tiếp tục sẽ là thời kỳ bùng nổ lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may.

Theo CafeF