Dự báo nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc sẽ tăng mạnh

Theo tờ Financial Times (Anh), tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao trong một thời gian dài đã dần thay đổi thói quen ăn uống của người Trung Quốc. Người Trung Quốc đang tiêu thụ nhiều thịt hơn, kéo the

Kể từ khi giảm bớt các hàng rào nhập khẩu từ năm 2001, Trung Quốc đã thi hành chính sách “tự cung tự cấp” các loại ngũ cốc quan trọng – trừ đậu tương, theo đó, việc nhập khẩu ngô, gạo và lúa mỳ được giữ ở mức tối thiểu. Đậu tương được Trung Quốc cho phép nhập khẩu với số lượng lớn nhằm chuyển đổi đất trồng đậu tương sang canh tác các loại cây nguyên liệu chính khác như: bông… và Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng về thức ăn gia súc đã thúc đẩy việc gia tăng nhập khẩu ngô của Trung Quốc. Ông Chris Mahoney, trưởng ban nông nghiệp tại tập đoàn kinh doanh nguyên liệu thô và khai mỏ Glencore Xstrata nhận định, trong dài hạn, Trung Quốc, vốn đang chiếm đến 75% lượng đậu tương dược giao dịch trên toàn cầu, cũng sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu ngô lớn trên thế giới.

Một số thay đổi trong quan điểm của Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định rõ nhận định của ông Chris Mahoney. Trong năm 2012, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, ông Han Changfu đã viết một bài báo với nội dung cho rằng Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận việc phụ thuộc vào các nguồn cung hàng hóa từ nước ngoài và việc nhập khẩu ngô sẽ không được rơi vào bài học nhập khẩu đậu tương. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ông Han Changfu đã cho biết việc nhập khẩu ngô sẽ được tăng lên dần dần nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn gia súc.

Ông Fred Gale, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, mặc dù mục tiêu “tự cung tự cấp” 95% nhu cầu ngũ cốc vẫn được giữ không đổi nhưng khối lượng nhập khẩu ngũ cốc và ngô đang tăng lên đã khiến các quan chức Chính phủ Trung Quốc và các chuyên gia phân tích tranh luận về vấn đề “tự cung tự cấp”.

Trong tuần trước, ông Xu Xiaoqing, trưởng ban phát triển nông thôn tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, đã cho biết Trung Quốc có thể nhập khẩu từ 20 đến 30 triệu tấn ngô/năm nhằm bù đắp việc thiếu hụt nguồn cung đang ngày càng gia tăng. Trao đổi với tờ Financial Times, ông Xu Xiaoqing cho biết: “Nhu cầu về ngô của chúng tôi (Trung Quốc) đang tăng lên đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ nhập khẩu nhiều ngô hơn nữa trong tương lai, tuy nhiên, điều này sẽ không giống như trường hợp nhập khẩu đậu tương. Việc nhập khẩu 20 tấn ngô không phải khối lượng lớn do nó chỉ chiếm khoảng 10% tổng mức tiêu thụ của chúng tôi”.

Dự báo tình hình nhập ngô của Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới

Tuy nhiên, với việc là nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, bất kể sự thay đổi nhỏ nào từ việc thu mua hàng hóa của Trung Quốc đều dẫn đến những tác động sâu sắc lên thị trường lương thực thế giới. Mặc dù sản lượng thu hoạch ngũ cốc của Trung Quốc hiện ở mức kỷ lục nhưng việc nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhanh đã đè nặng áp lức lên hoạt động nông nghiệp của Trung Quốc, vốn đã gặp khó khăn do bị giới hạn diện tích gieo trồng và thiếu hụt nguồn cung nước tưới tiêu.

Theo dự báo của USDA, lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu được dự báo sẽ tăng gấp đôi từ mức 3 triệu tấn trong niên vụ 2012/13 lên mức 7 triệu tấn trong niên vụ 2013/14. Đến năm 2022, Trung Quốc được dự báo trở thành quốc gia nhập khẩu ngô hàng đầu thế giới, với lượng ngô được nhập khẩu lên tới 19,6 triệu tấn. Cuối năm 2012, Ukraina đã lần đầu tiên xuất khẩu ngô sang Trung Quốc; đầu năm 2013, Argentina cũng lần đầu tiên trở thành bạn hàng xuất khẩu ngô sang Trung Quốc. Ukraina và Argentina là hai quốc gia trồng và xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia phân tích nhận định, mặc dù không có những chính sách rõ ràng từ Chính phủ Trung Quốc trong việc đa dạng hoa nguồn cung ngô nhập khẩu, nhưng việc nhanh chóng đồng ý nhập khẩu ngô từ Ukraina và Argentina có thể cho thấy các quan chức Chính phủ Trung Quốc đang mong muốn có thêm nhiều lựa chọn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng ngô đang tăng nhanh của nước này.

Ông Jean – Yves Chow, phó giám đốc tập đoàn tài chính Rabobank (chi nhánh Hong Kong), tập đoàn chuyên cung cấp tài chính cho giao dịch hàng hóa lương thực – thực phẩm, cho biết: “Trung Quốc không muốn bị lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung ngô từ Mỹ. Bài học hạn hán năm 2012 tại Mỹ là ví dụ điển hình cho điều này”. Trong năm 2012, hạn hán tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, đã khiến nguồn cung ngô sụt giảm và đẩy giá ngô lên mức cao nhất từng được ghi nhận, đạt 8,49 USD/giạ (27,2 kg).

Ông Martin Fraguio, chủ tịch Hiệp hội ngô Argentina (Maiza) tin rằng các hiện các hoạt động thu mua ngô của Trung Quốc đang dựa trên sự hấp dẫn về giá khi giá ngô trên thị trường thế giới giảm thấp so với năm 2012 và bất cứ quyết định nào của Trung Quốc đều dựa trên phản ứng của thị trường. Ông Martin Fraguio cho biết thêm, Argentina có thể xuất thêm 2 đến 3 chuyến hàng nữa đến Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm 2013.

Ukraina cũng đang hướng đến thị trường Trung Quốc; một thương nhân giao dịch ngô tại Ukraina cho biết: “Ukraina đang thực sự loại bỏ sự thống trị của Mỹ trên thị trường ngô thế giới”.