Đưa lưới điện ra xã đảo, huyện đảo: Đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội

Việc phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo Tổ quốc, bao gồm các huyện đảo: Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Phú Quốc (Kiên Giang)... với vị trí chiến lược hết sức quan trọng được Ðảng, N

Nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó

Phương án cấp điện cho các đảo bằng cáp ngầm đã được các Bộ, ngành và ngành Điện tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, cho thấy lợi thế hơn hẳn so với các phương án khác (xây nhà máy nhiệt điện, điện gió hay năng lượng mặt trời) cả về tính ổn định, bền vững và chi phí vận hành. Khi đi vào vận hành, điện lưới quốc gia sẽ làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống dân sinh, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị giao trực tuyến Bộ Công Thương tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, phương án cấp điện cho các xã đảo, huyện đảo là nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó. Chính vì thế, EVN đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai các dự án này. Trước mắt, còn chưa đầy 1 tháng nữa, Dự án cấp điện từ hệ thống điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bằng cáp ngầm sẽ hoàn thành. Hiện, miền Trung chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, đơn vị thi công đang tranh thủ từng ngày, chạy đua với thời gian khẩn trương hoàn thành dự án.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Việc triển khai các dự án điện lưới ra hải đảo của EVN là một nhiệm vụ mang ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của bà con nhân dân, đồng thời, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trước đó, ngày 24/7, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực Miền Trung về phương án đầu tư Dự án cấp điện lưới Quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An bằng cáp ngầm. Quy mô đầu tư Dự án: khoảng 8,5 km đường dây trên không 22 kV, từ trạm 110/35/22 kV - 1x25 MVA Hội An đến cột đấu nối với cáp biển ở phía đất liền; xây dựng tuyến cáp ngầm 22 kV dưới biển dài khoảng 15,5 km; mở rộng 1 ngăn xuất tuyến 22 kV tại Trạm biến áp 110 kV Hội An và xây dựng mới khoảng 10 km đường dây trên không 22 kV trên đảo Cù Lao Chàm. Dự toán tổng mức đầu tư công trình khoảng 426 tỷ đồng. Dự kiến tháng 9 năm 2015 sẽ hoàn thành Dự án.

Theo số liệu của EVN cung cấp, hiện tại, cả nước có 12 huyện đảo đều đã có điện lưới và điện tại chỗ, trong đó EVN đang quản lý và bán điện cho các huyện đảo gồm huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) được EVN tiếp nhận từ 01/01/2014 và Phú Quốc (Kiên Giang). Đối với huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) do huyện quản lý sẽ bàn giao cho EVN quản lý vào cuối năm 2014 sau khi EVN thực hiện xong việc đầu tư lưới điện ra đảo. Như vậy đến cuối năm 2014, EVN sẽ quản lý và bán điện cho 8/12 huyện đảo. 4/12 huyện còn lại do quân đội quản lý gồm các huyện Bạc Long Vỹ (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa).

Còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, việc nối điện ra các vùng biển đảo cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc bởi điều kiện thi công rất phức tạp, thời tiết biển khắc nghiệt; việc vận chuyển vật tư, thiết bị ra đảo cũng khó khăn không kém. Việc xây dựng được móng cột điện cao hơn 10 m ở mép đảo, một bên là vách núi dựng đứng, thì khâu vận chuyển xi-măng, đá, sắt thép ra hết sức khó khăn và tốn kém. Đối với vận hành cung cấp điện bằng các nguồn tại chỗ, khả năng nguồn cung cấp bị hạn chế, việc sửa chữa, thay thế cũng như cung cấp vận chuyển nguyên liệu bị hạn chế do khoảng cách xa bờ và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết mưa bão, biển động làm cho việc cung cấp điện không được ổn định, liên tục.

Bên cạnh đó, bà Bùi Thúy Quỳnh, Phó trưởng ban Kinh doanh, EVN cho biết, một trong những khó khăn khi thực hiện các dự án là huy động vốn. Với đặc điểm các đảo ở xa bờ trên 100km, độ sâu của biển lớn có nơi đến trên 90m, trong khi phụ tải ngoài đảo không lớn, việc cấp điện lưới quốc gia khó cả về giải pháp kỹ thuật cũng như vốn đầu tư lớn. Việc thiết kế, thi công các công trình trên biển đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, việc cung cấp thiết bị mang tính đơn chiếc, đòi hỏi kỹ thuật cao, ít nhà thầu trên thế giới thực hiện được, có ít sự lựa chọn, dẫn tới vốn đầu tư lớn.

Để giải quyết khó khăn này, EVN đã triển khai theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia đầu tư. Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Chương trình ủng hộ kinh phí đưa điện ra đảo Cô Tô với chủ đề "Chung tay thắp sáng vùng biển đảo Cô Tô", thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, với số tiền đóng góp cho Dự án là 205 tỷ đồng .

Đảm bảo cung cấp điện an toàn

Theo ông Nguyễn Tài Anh, mặc dù việc triển khai các dự án còn gặp nhiều khó khăn, nhưng EVN vẫn quyết tâm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đã được các cấp, ngành giao phó. Đối với 8/12 huyện đảo đã có điện lưới, EVN sẽ đảm bảo cung cấp điện an toàn liên lục ổn định phát triển kinh tế xã hội các huyện đảo giàu mạnh.

Đối với 4/12 huyện đảo còn lại do khoảng cách xa bờ trên 100km nên giải pháp kỹ thuật cấp điện bằng cáp ngầm rất khó khăn, vì vậy để đảm bảo nâng cao điều kiện sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân trên đảo, EVN tăng cường thêm nguồn điện bằng việc sử dụng các nguồn hiện có và nghiên cứu thêm các nguồn mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, v.v… Thực hiện các chương trình hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân sử dụng thiết bị điện tiết kiệm hiệu quả như sử dụng bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời, đèn tiết kiệm điện, các thiết bị gia dụng tiết kiệm điện, v.v…

Đối với một số đảo lớn, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, EVN sẽ phối hợp cùng bàn bạc với UBND tỉnh để có các giải pháp cung cấp điện cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương cũng như khả năng thực hiện của EVN.

Trong năm 2013, đối với 3 huyện đảo Phú Quốc, Lý Sơn và Phú Quý do chưa được cấp bằng lưới điện quốc gia, các huyện đảo này được cấp điện từ máy phát điện bằng dầu diesel. Với sản lượng điện năm 2013 khoảng 74,77 triệu kWh, EVN phải bù lỗ cho chi phí phát điện bằng dầu diesel hơn 214,35 tỷ đồng.