Đường đi là đích đến

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành và CPH đã tạo ra những DN mới, đa sở hữu, thu hút được vốn đầu tư ngoài xã hội, từ đó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là thị trường vốn và thị trường

Thoái vốn - nhu cầu của DN

Tái cơ cấu DNNN trong năm 2014 cũng như 3 tháng đầu năm 2015 đạt kết quả tích cực, thể hiện ở việc tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành đạt kế hoạch đề ra với những con số ấn tượng.

Trước hết về CPH, theo kế hoạch năm 2015 phải hoàn thành cổ phần hóa 289 DNNN thì đến nay có 29 DN đã CPH, 81 DN có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp; số DN còn lại đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Điều này đã giải tỏa được những lo ngại trước đó về tính khả thi của gần 300 DN phải CPH trong một năm. Những đơn vị thực hiện CPH đạt kết quả cao là TP. Hà Nội và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cả nước đã thoái được gần 5.000 tỷ đồng nhưng tổng thu về đã lên tới gần 7.000 tỷ đồng. Đơn vị thực hiện tốt là PVN thoái vốn 307 tỷ đồng thu về 1.068 tỷ đồng; EVN thoái vốn 588 tỷ đồng thu về 593 tỷ đồng...

Một câu hỏi đặt ra là, các đơn vị nói trên đang đầu tư ngoài ngành có lãi, vậy tại sao phải thoái vốn về? Vấn đề này được nhìn nhận trên hai hướng. Trên bình diện toàn nền kinh tế, PVN, EVN hay TKV... đều là đơn vị nắm giữ những nguồn lực điều tiết các cân đối vĩ mô, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia. Những sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp có ý nghĩa trước hết đối với nền kinh tế, sau đó mới là bản thân họ.

Trên bình diện thứ hai, việc thoái vốn cũng là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Chẳng hạn việc thoái vốn của PVN không chỉ đơn thuần để tái cơ cấu hoạt động, mà còn nhắm tới mục tiêu tạo vốn cho các dự án mới mà PVN đang triển khai. PVN hiện là chủ đầu tư, đồng chủ đầu tư của hàng loạt dự án lớn lên tới hàng tỷ USD như Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (3,7 tỷ USD), Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (hơn 5 tỷ USD), Dự án Đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn (hơn 700 triệu USD), Dự án Đạm Cà Mau; hay các dự án điện lớn có quy mô từ 1.200 MW trở lên, như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú 1, Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Nhiệt điện Sông Hậu... đều trên mức 1,5 tỷ USD/dự án. Do đó, thoái vốn 5.000 tỷ đồng là một trong những phương thức huy động vốn nhằm tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính: thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Hoặc như EVN. Từ nay đến năm 2020 phải đầu tư một khoản khá lớn, trên 30 tỷ USD cho các ngành nghề kinh doanh chính gồm: sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.

Đây cũng là một trong những lý do để các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tích cực nhất trong thực hiện thoái vốn. Tính đến hết năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ hoàn thành thoái vốn được 43 đơn vị tại 5 tập đoàn, 3 tổng công ty, thu về hơn 4.130 tỷ đồng, chiếm 51% tổng số tiền thu về từ thoái vốn của các DNNN cả nước.

Thu hút được vốn đầu tư xã hội

Điểm nhấn quan trọng nhất trong tái cơ cấu DNNN là các DN sau CPH đã tiến hành điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, CPH đã tạo ra những doanh nghiệp mới, đa sở hữu, thu hút được vốn đầu tư ngoài xã hội, từ đó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là thị trường vốn và thị trường chứng khoán. Chính vì thế, hiệu quả hoạt động của DN được nâng cao thể hiện ở tổng tài sản của các DNNN tăng lên, đạt 3,2 triệu tỷ đồng, gấp 1,6 lần. Đây là con đường đi và cũng là đích đến của mục tiêu tái cơ cấu DNNN.

Nếu lấy ví dụ minh họa, không gì hơn dẫn ra trường hợp của Petrolimex. Năm 2011, Chính phủ phê duyệt Đề án cho phép Petrolimex cổ phần hóa để tái cấu trúc thành tập đoàn đa sở hữu.

Chính nhờ đề án tái cấu này, tháng 7/2011 Petrolimex IPO thành công ngay phiên đầu tiên, bán hết toàn bộ trên 27 triệu cổ phiếu, thu về 412 tỷ đồng; năm 2012 thoái vốn đầu tư thu về gần 1.000 tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn, sau CPH, chiến lược kinh doanh của Petrolimex được định vị rõ ràng hơn với việc lấy sản xuất, kinh doanh xăng, dầu là trục chính, bên cạnh một số ngành khác liên quan chặt chẽ đến trục chính như hóa dầu, khí hóa lỏng; vận tải xăng dầu; xây lắp các công trình xăng dầu, lọc hóa dầu.

Chiến lược kinh doanh có “đường nét” cùng với việc đổi mới công nghệ quản trị như tập trung khai thác vận hành hệ thống ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp) và hệ thống Egas (quản lý cửa hàng xăng dầu) bảo đảm tích hợp hệ thống, vận hành an toàn phục vụ kịp thời, chính xác công tác dự báo, quản trị tiền - hàng, hóa đơn, chứng từ, số liệu để phục vụ mục tiêu kinh doanh đã thuyết phục xã hội bỏ tiền (thông qua mua cổ phiếu) đầu tư cùng Petrolimex. Năm đầu tiên thực hiện tái cấu trúc 2011, vốn chủ sở hữu của Petrolimex 11.630 tỷ thì đến 2013 đã là 15.635 tỷ. Theo kế hoạch, năm 2015 này Petrolimex sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn xã hội hóa lên 25%, giảm vốn của nhà nước xuống còn 75%.

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành, CPH, lên sàn là con đường giúp các DNNN tái cấu trúc toàn diện, đi đôi với đảm bảo gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp ở cấp tập đoàn (như Petrolimex), cấp tổng công ty, công ty đã có, khẳng định hành trình tái cấu trúc DNNN ở ta là đúng hướng. Vì thế, trong cuộc họp đánh giá tình hình tái cơ cấu DNNN trong quý I, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu dứt khoát năm nay phải hoàn thành tái cơ cấu 289 DN theo kế hoạch, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành cao hơn, gắn với tiếp tục đổi mới mô hình quản trị.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, cơ chế, chính sách cơ bản đã đầy đủ và phù hợp, vấn đề còn lại là trách nhiệm và quyết tâm thực thi, từng Bộ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty và các địa phương phải tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu DNNN. Cụ thể hơn, Thủ tướng chỉ đạo DN nào đã có Ban chỉ đạo thì phải khẩn trương tiến hành xác định giá trị, công bố và tiến hành CPH gắn với đẩy mạnh niêm yết trên thị trường chứng khoán; DN nào cổ phần hóa rồi nhưng chưa đạt tỷ lệ như quy định thì tiếp tục bán cổ phần, đồng thời tiếp tục rà soát các DN không cần Nhà nước chi phối để tiếp tục bán. Thủ tướng lưu ý rà soát, bổ sung danh mục DNNN cần tiếp tục cổ phần hóa theo 2 loại: Nhà nước không cần nắm giữ và giảm tỷ lệ DN mà Nhà nước phải nắm giữ chi phối.


Trần Thành Thọ