EVFTA: Xóa bỏ hàng rào thuế quan cao nhất, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, hợp tác mới cho doanh nghiệp hai bên. Hiệp định xóa bỏ hàng rào thuế quan cao nhất, mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp Vi

Trở về từ Brussels, Vương quốc Bỉ, sau chuyến đàm phán, kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với báo chí những vấn đề xung quanh chuyến đi này.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết chúng ta đã đạt được những đồng thuận nào qua chuyến làm việc với Cao ủy Thương mại EU vừa qua?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tại phiên làm việc với Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malstrom vào ngày 25/6 vừa qua tại Brussel, Bỉ, ta và EU đã đạt được một số kết quả rất tích cực.

Hai bên đã thống nhất việc tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư ra khỏi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU thành một hiệp định riêng (gọi là Hiệp định Bảo hộ đầu tư – IPA); thống nhất toàn bộ quá trình rà soát pháp lý của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU); và thống nhất toàn bộ các nội dung của IPA được tách ra từ FTA trước đây.

Như vậy, hai bên đã hoàn thành toàn bộ các nội dung để có thể chuẩn bị cho việc ký kết và tiếp theo đó là phê chuẩn FTA và IPA.

Công việc tiếp theo là dịch thuật văn bản hiệp định sang tiếng Việt và 24 tiếng các quốc gia thành viên. Sau đó 2 bên trình các cơ quan có thẩm quyền để ký kết. Chúng ta đang phấn đấu ở giai đoạn cuối cùng để có thể ký kết hiệp định vào cuối năm 2018. Nếu kịp được tiến độ thì cả hai Hiệp định này sẽ tiếp tục được trình ra phê chuẩn tại Nghị viện Châu Âu và Quốc hội Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để tận dụng tốt nhất những cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác cơ hội và ưu đãi các cam kết của Hiệp định

Phóng viên: Sau khi hai Hiệp định này được ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA là một hiệp định thương mại dự do thế hệ mới. Đây là một trong những hiệp định xóa bỏ hàng rào thuế quan cao nhất, mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như các ngành hàng, sản phẩm của Việt Nam. Cụ thể, có đến 99% các ngành hàng sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, giảm thuế ngay về 0%, trong khi với chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hiện nay, Việt Nam mới được hưởng 0% cho khoảng 42% nhóm hàng, sản phẩm.

Tới đây, với mức độ tăng trưởng của Việt Nam, chúng ta sẽ không còn ưu đãi GSP nữa, nên ưu đãi thuế quan ở Hiệp định này có tính cơ bản, mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp hay sản phẩm của Việt Nam như: nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp ô tô... đều được hưởng ưu đãi khi vào thị trường châu Âu.

Theo con số tính toán của các nhà kinh tế 2 bên, với EVFTA tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 4-6% vào năm 2019, tương đương tăng thêm khoảng 19 tỉ USD. Đến 2028 sẽ tăng thêm hơn 75 tỉ USD. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế của chúng ta với EU có tính bổ trợ chứ không có tính cạnh tranh trực tiếp, nên thuận lợi rất lớn và cơ hội rất đáng kể nếu ta biết cách khai thác và tổ chức trong khâu sản xuất, tiếp cận thị trường.

Phóng viên: Bên cạnh những cơ hội mà EVFTA mang lại, các doanh cũng phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh. Theo Bộ trưởng doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón làn gió mới từ EVFTA?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bất kỳ 1 FTA nào khi gắn với việc có cơ hội thâm nhập thị trường của đối tác thông qua cắt giảm thuế quan và đơn giản hóa thủ tục, thì ta cũng phải cam kết mở rộng thị trường của chúng ta. Tuy nhiên, tôi phải nói chi tiết này để ta thấy được ý nghĩa rất quan trọng của EVFTA. EVFTA có thể nói là một khâu hội nhập rất thành công của Việt Nam. 

Thứ nhất, Một trong những nguyên tắc đầu tiên ta đã đạt được khi đàm phán là nguyên tắc bất cân xứng, nghĩa là trong đàm phán, các nước đều công nhận và thống nhất sự khác biệt giữa trình độ phát triển giữa ta và bạn, nên hai bên thống nhất, đưa ra cơ chế để tạo sự linh hoạt, để Việt Nam có một quá trình chuyển đổi dài hơn trong thực hiện cam kết hội nhập.

Thứ hai, do cơ cấu bổ trợ lẫn nhau nên doanh nghiệp ta và EU có nhiều cơ hội hợp tác hơn là cạnh tranh trực tiếp. Ngay cả trong những lĩnh vực tương đồng, như ngành chăn nuôi, ta cũng thấy sự khác biệt giữa Việt Nam và EU.

Chúng tôi không nhìn tác động của EVFTA hoàn toàn dưới góc độ tích cực, rõ ràng là có áp lực cạnh tranh trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp ô tô... nhưng những áp lực này đều đã có trong các FTA khác. Điều quan trọng là chúng ta hãy nhìn dưới góc độ tích cực để khai thác tốt các lợi thế và cạnh tranh cũng có thể là một nhân tố tích cực. Nếu tổ chức không tốt việc thực thi thì sẽ lãng phí cơ hội của chúng ta.

Sự chủ động sẵn sàng của doanh nghiệp là quan trọng hơn cả vì họ là chủ thể khai thác cơ hội và ưu đãi các cam kết của Hiệp định, nhưng cũng là chủ thể chịu tác động từ Hiệp định. Vì vậy, thực tiễn thời gian qua không chỉ thành công mà còn tồn tại liên quan đến nội dung Hiệp định.

Mặc dù các chương trình hành động Chính phủ ban hành đầy đủ, nhưng cần chủ động hơn trong tiếp cận nguồn lực để đưa Hiệp định này thực sự nằm trong quan điểm, tư tưởng và nhận thức của từng doanh nghiệp.

Để làm được điều này không phải dễ dàng bởi doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với quy mô 97% nên hạn chế nguồn lực, khả năng tiếp cận thông tin là điểm nghẽn mấu chốt. Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đưa ra tương tác hai chiều với các Bộ, ngành.

Tới đây, Chính phủ cần xác định rõ vai trò, thời điểm và tổ chức lại hoạt động của các Bộ, ban, ngành nhằm chủ động hơn trong các hoạt động.

Ngoài ra, trước bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, xu thế bảo hộ mậu dịch đang hình thành rõ nét thì việc chủ động hội nhập, hình thành chính sách, vượt qua trở ngại, thậm chí liên quan đến hoạt động tranh chấp thương mại như bán phá giá... là bài học quý báu cần thiết.

Vì thế, để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn Bộ trưởng!