EVN kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954-21/12/2014)

Vào lúc 9h00 ngày 21/12/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới dự và trao tặng phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lẵng hoa chúc mừng.

Cách đây tròn 60 năm, ngày 21/12/1954, mặc dù bộn bề công việc sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô nhưng Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21/12 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.

Trong 60 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 31,5 MW công suất năm 1954, đến nay tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia khoảng 34.000 MW, đứng thứ 3 hiện nay trong khu vực Đông Nam Á và thứ 31 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện. Ngành Điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết của Đảng là “đảm bảo điện đi trước một bước”. Từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp, đến năm 2014 sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt 141,4 tỷ kWh, cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận công lao to lớn của các thệ hệ ngành Điện trong 60 năm qua, đồng thời đề nghị ngành Điện cần phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục phát triển nhanh và mạnh để đáp ứng yêu cầu cao cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó, cần đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện, đảm bảo cung cấp đầy đủ, vững chắc nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Những bước tiến thần kỳ của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và gần đây nhất là Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á... Để có được thành công này, ngành Điện lực nói chung, EVN nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau cả trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng trong 10 năm từ năm 2003 đến năm 2013, tổng vốn đầu tư của EVN đã đạt 493.577 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2013, lần đầu tiên EVN vượt qua mốc 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng và năm 2014, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư của EVN ước đạt 123.654 tỷ đồng. Ngành Điện tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ và quy mô đầu tư.

60 năm lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam cũng chính là 60 năm trường kỳ công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và xây dựng đất nước sau giải phóng miền Nam. Các thế hệ những người làm điện đã nỗ lực "giữ dòng điện như dòng máu của mình", đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại năm 1975. Sức mạnh ấy vẫn tiếp tục được phát huy sau giai đoạn đất nước thống nhất, bước vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, mở ra giai đoạn mới - Giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, ngành Điện là một trong những ngành kinh tế ổn định, sớm thống nhất được mô hình hoạt động, cũng là ngành kinh tế năng lượng đầu tiên lập các quy hoạch tổng thể, mang tầm chiến lược (từ Quy hoạch điện I giai đoạn 1981- 1985 đến Quy hoạch điện VII giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến 2030). Đây chính là cơ sở quan trọng để các đơn vị trong ngành lập các kế hoạch phát triển cụ thể cho từng giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các nhóm giải pháp chiến lược cũng đã được hoạch định, chỉ đạo triển khai một cách bài bản. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với từng giai đoạn phát triển từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam (năm 1994) đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (năm 2006) đã hội tụ được sức mạnh tổng hợp, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành, làm cơ sở vững chắc để có những thành công rực rỡ như ngày hôm nay.