GENCO 3: Anh cả ngành phát điện Việt Nam có gì?

Công suất điện của GENCO 3 hiện chỉ đứng sau công ty mẹ EVN với sự phân bổ đồng đều trong cơ cấu điện khí, điện than và thủy điện. Điện mặt trời sẽ là lĩnh vực tiếp theo được GENCO3 triển khai sắp tới

Tìm nguồn khí mới giải bài toán đầu vào tại Phú Mỹ

Với tổng công suất 6.540 MW, Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3) hiện là nhà phát điện lớn nhất trên thị trường, không kể công ty mẹ EVN. Xét trên toàn ngành, thị phần công suất GENCO 3 đạt 16% trong khi thị phần sản lượng chiếm nhỉnh hơn với 17%.

Tài sản chính của “anh cả” ngành phát điện này là 9 nhà máy điện bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện khí, 3 nhà máy thủy điện và 2 nhà máy nhiệt điện than cùng hai công ty con nhiệt điện và 3 công ty thủy điện do GENCO 3 sở hữu 30% vốn.

Trung Tâm Nhiệt điện Phú Mỹ

Trong đó, nhà máy điện khí Phú Mỹ có công suất lớn nhất cũng là “con gà đẻ trứng vàng” của GENCO 3. Trung tâm điện lực Phú Mỹ là trung tâm điện lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay với tổng công suất gần 4.000 MW, trong đó GENCO3 có 4 nhà máy với 2.458 MW. Mặc dù thời gian khấu hao bình quân của 4 nhà máy điện Phú Mỹ chỉ còn 3-4 năm nhưng việc liên tục nâng cấp giúp kéo dài thời gian hoạt động các nhà máy thêm 15-20 năm.

Tương tự như các nhà máy điện khí khác, Phú Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với bài toán nhiên liệu đầu vào. Sản lượng khí từ Nam Côn Sơn, mỏ cung cấp khí chính cho Phú Mỹ, dự kiến sẽ suy giảm từ năm 2023. Dù đã có cam kết từ đơn vị cung cấp khí về việc bù lượng khí suy giảm này nhưng khả năng giá khí sẽ bị đẩy tăng lên khi đàm phán mới hợp đồng.

Tuy nhiên, theo chia sẻ từ ông Đinh Quốc Lâm - Tổng giám đốcGENCO 3, chi phí nhiên liệu sẽ được chuyển thẳng vào giá điện. Tất nhiên, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng thị phần của GENCO 3 nhưng việc không còn phải trích chi phí khấu hao sau 3-4 năm tới sẽ là lợi thế Trung tâm điện khí này.

Hơn nữa, nhà đầu tư chiến lược tương lai của GENCO 3 cũng được kỳ vọng có thể khắc phục vấn đề trên. Nhất là khi cả 4 ứng viên đăng ký mua 36% vốn GENCO 3 tính đến thời điểm này đều là các công ty lớn trên thế giới trong lĩnh vực phát điện.

Tại buổi Roadshow tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Đinh Quốc Lâm cũng cho biết một trong các dự án mà GENCO 3 đang triển khai là Trung tâm Điện lực Khí Long Sơn sử dụng khí hóa lỏng LNG nhập khẩu với 3 nhà máy công suất 1.200 MW/nhà máy.

Khí LNG từ TTĐL Long Sơn ngoài việc cấp cho các nhà máy của chính trung tâm này còn có thể đưa tới các nhà máy điện Phú Mỹ với chiều dài đường ống vận chuyển tối đa chỉ 20 km để cấp bù lượng suy giảm từ năm 2023 trở đi. Kéo được nguồn khí trên sẽ tăng đáng kể hiệu quả hoạt động của các nhà máy điện khí ở Trung tâm điện lực Phú Mỹ.

Trong khi Phú Mỹ được đưa vào khai thác từ nhiều năm trước thì GENCO 3 cũng đang đồng thời sở hữu 2 nhà máy điện than mới đưa vào hoạt động từ năm 2015 gồm Vĩnh Tân 2 và Mông Dương với công suất lần lượt là 1.244 MW và 1.080 MW. Chi phí khấu hao cao hơn hiệu suất hoạt động khiến các dự án điện mới lỗ trong những năm đầu. Tuy nhiên, ngay từ năm 2017, Mông Dương 1 có lãi 254 tỷ đồng. Nằm tại vị trí tốt và sở hữu công nghệ hiện đại, các nhà máy mới này cũng chính là động lực cho tăng trưởng của GENCO trong tương lai.

Trong lĩnh vực điện than, ngoài hai nhà máy mới này, GENCO 3 còn sở hữu công ty con CTCP Nhiệt điện Ninh Bình với công suất 100 MW.

Bỏ ngỏ kế hoạch tăng sở hữu các công ty thủy điện

Trái với PV Power dựa chủ yếu vào điện khí với tỷ trọng khoảng 64% thì tại GENCO 3 lại có cơ cấu công suất khá đồng đều với 46% điện khí, 38% điện than và 15% thủy điện.

Ngoài 3 nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3 thực thuộc, GENCO 3 còn sở hữu 30% vốn tại 3 doanh nghiệp thủy điện gồm Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), Thủy điện Thác Bà (TBC) cùng Thủy điện Sesan 3A. Thời tiết thuận lợi giúp thủy điện Buôn Kuốp tăng lợi nhuận gấp 4 lần trong năm qua. Tình hình thời tiết các năm tới dự kiến sẽ “ủng hộ” các nhà máy thủy điện 4 năm nữa theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thủy điện.

Về định hướng đầu tư vào thủy điện, lãnh đạo GENCO 3 cho biết đang khảo sát xây dựng các thủy điện quy mô nhỏ, tiếp tục đầu tư thêm vào các nhà máy đang sở hữu, mang lại cổ tức lớn cho GENCO 3 các năm qua. Về việc có hay không thoái vốn các khoản đầu tư không chi phối, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch Tổng công ty cũng khẳng định doanh nghiệp hiệu quả cao sẽ không thoái, trừ những khoản đầu tư với tỷ lệ sở hữu quá ít.

Vĩnh Sơn Sông Hinh - đơn vị do GENCO 3 sở hữu 30% vốn, đang sở hữu một trong các dự án thủy điện lớn ít ỏi hiện nay là dự án Thượng Kom Tum. Chia sẻ về tiến độ dự án lớn có thời gian dài bị trì hoãn này, lãnh đạo GENCO 3 thừa nhận đây là dự án phức tạp nhất Đông Nam Á. Nhà thầu Trung Quốc phải bỏ cuộc. Công ty đã thuê nhà thầu Mỹ triển khai thi công với tốc độ đào hầm gần 400m/tháng và hiện còn 3,5 km nữa.

“Dự kiến vào khoảng đầu năm 2019, dự án Thượng Kon Tum sẽ tích nước và chậm nhất sẽ khởi động tổ máy trong tháng 4/2019, phát điện các tổ máy này vào tháng 6/2019. Quy mô sản xuất thủy điện sẽ tăng cao và là nguồn lợi lớn cho công ty”, ông Lê cho hay.

Ngoài các lĩnh vực điện truyền thống, GENCO3 dự kiến sẽ là đơn vị tiên phong thực hiện các dự án năng lượng tái tạo mới dự kiến đặt tại Bình Thuận, Ninh Thuận hay dự án Điện mặt trời trên lòng hồ thủy điện Srepok 3.

Trong ba Tổng công ty phát điện thuộc EVN, GENCO 3 là đơn vị được giao phụ trách chính thị trường miền Nam. Vậy nên, khoảng 80% công suất điện hiện nằm tại khu vực có nhu cầu sử dụng điện rất cao, chiếm hơn 50% tổng công suất điện tiêu thụ cả nước này. Cùng đó, theo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), 50% công suất của GENCO 3 nằm ở vùng trọng điểm thiếu hụt điện.

Nhu cầu điện tiếp tục gia tăng ở miền Nam sẽ đảm bảo cho hiệu suất hoạt động cho các nhà máy của Tổng công ty. Thị trường điện cạnh tranh cũng sẽ tạo ra các lợi thế cho các nhà máy điện. Như với Phú Mỹ, giá bán theo hợp đồng mua bán điện hiện đang thấp hơn 33% so với giá trên thị trường phát điện cạnh tranh. Về giá tiêu thụ điện, lãnh đạo GENCO 3 cho biết trong 5 năm gần đây, các nhà máy thủy điện được thanh toán 80% theo giá hợp đồng, còn lại theo thị trường điện cạnh tranh. Còn đối với khối nhiệt điện, tỷ lệ này là 90%:10%.

Coi trọng yếu tố con người, tiếp tục yêu cầu nâng cao năng suất

Ngoài việc mở rộng quy mô để tăng trưởng lợi nhuận, bản thân công ty cũng hướng đến giảm chi phí để tăng tỷ suất lợi nhuận thông qua việc đang phát triển mô hình sửa chữa tập trung, nhằm chủ động kiểm soát chi phí.

Phát triển mảng dịch vụ này, GENCO hướng đến việc đáp ứng nhu cầu sửa chữa chuyên nghiệp cho các nhà máy trong GENCO 3 và cho EVN khi được giao nhiệm vụ, đồng thời còn để cung cấp dịch vụ sửa chữa chất lượng cao và vận hành thuê các nhà máy điện trong và ngoài nước.

Một điểm nhấn đáng chú ý của doanh nghiệp phát điện này chính là việc sở hữu đội ngũ nhân sự với năng suất lao động cao nhất so với các đơn vị phát điện khác ở Việt Nam. Lãnh đạo GENCO 3 cho biết công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ quản lý, ứng dựng công nghệ thông tin, cải tiến nâng cấp thiết bị,…nhằm đưa năng suất lao động của Tổng Công ty vào top đầu của khu vực Đông Nam Á.

Yếu tố con người, năng suất lao động liên tục được Tổng giám đốc GENCO 3 nhắc tới trong buổi Roadshow vừa qua. Được biết, Tổng công ty Nhà nước này đang áp dụng hệ thống quản trị dần theo các tiêu chuẩn ERP, KPIs, văn phòng điện tử… Hơn 20 năm làm việc với các đối tác lớn trên thế giới, lãnh đạo Tổng công ty cũng tự tin đang sở hữu đội ngũ nhân sự tác phong làm việc hiện đại, hiệu quả. Như đối với một dự án khó như Thượng Kon Tum, với vai trò là cổ đông lớn của Vĩnh Sơn - Sông Hình, bản thân GENCO 3 cũng cử người trực tiếp giải quyết khi dự án gặp vấn đề. Nhân tố con người cũng như kinh nghiệm với các nhà máy điện Việt Nam sẽ càng trở nên then chốt khi Tổng công ty tiếp tục mở rộng với các dự án điện mới tới đây.


PV