Giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh, đạt 1,81 tỷ USD

Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1,81 tỷ USD, tăng 42%; Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Số liệu cập nhật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuấtkhẩu gạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến hết tháng 5/2018,Trung Quốc vẫn là thịtrường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 30% thị phần (đạt 844,1 nghìn tấn và 499,4 triệu USD), đứng thứ 2 là Indonesia với 18,7% thị phần (đạt 596 nghìn tấn và 280 triệu USD).

Trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 21,3% (đạt 844,1 nghìn tấn). Các thị trường có mức xuất khẩu tăng, điển hình là Indonesia, Iraq, Malaysia, Hoa Kỳ.

Trong tháng 6/2018, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu các nước xuất khẩu lớn đều giảm so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Indonesia, Philippines, châu Phi, Bangladesh đều giảm. Ngoài ra, do nguồn cung trong nước tại các quốc gia này đang tăng nhanh khiến cho giá xuất khẩu giảm kéo theo giá lúa nguyên liệu trong nước giảm.

Cụ thể tại Việt Nam, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giá trung bình lúa tươi loại thường (IR50404) chỉ đạt 5.200 đồng/kg, loại thơm, Jasmine đạt 5.800 đồng/kg, giảm 100- 200 đồng/kg so với tháng trước; giá lúa khô loại thường đạt 6100 đồng/kg, loại thơm, Jasmine đạt 6.400 đồng/kg, giảm 300-500 đồng/kg so với tháng trước. Mặc dù, giá lúa hiện tại vẫn cao hơn khoảng 500 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ 2017. Tính đến hết ngày 25/6/2018, các tỉnh vùngĐồng bằng sông Cửu Longđã bước vào thời điểm bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu, dự báo giá lúa sẽ có xu hướng giảm nhẹ khi nguồn cung được bổ sung.

Chuyển biến đáng kể về chất lượng

Trong nửa đầu năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ghi nhận sự chuyển biến đáng kể đối với chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu tăng đối với các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, và giảm ở loại gạo phẩm cấp trung bình (gạo trắng 5% tấm). Cụ thể, trong tháng 5/2018, xuất khẩu gạo thơm (Jasmine) đạt 129,2 triệu USD, chiếm tỷ lệ cao nhất với 33% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 53,8% so với tháng trước và tăng 103% so với tháng đầu năm.

Gạo trắng 15% tấm và 25% tấm đạt 128,2 triệu tấn vẫn tăng57,7% so với tháng trước do các doanh nghiệp đang tập trung thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang Philippines và Indonesia. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu gạo Japonica (Nhật) đạt 19,1 triệu USD giảm 11%, gạo trắng 5% tấm đạt 65,9 triệu USD giảm 41,4%. Ngoài ra, gạo nếp xuất khẩu đạt 38,6 triệu USD, giảm 35,9% so với tháng trước do thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc giảm mua.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2018/2019 dự báo sẽ tăng 1,3% lên mức kỷ lục đạt 633 triệu tấn, trong đó lượng tồn trữ từ niên vụ 2017/18 tăng 5% so với một năm trước đó. Trong khi, tồn trữ gạo thế giới cuối vụ dự kiến đạt 144,7 triệu tấn, tăng 900.000 tấn so với vụ 2017/18, là năm thứ 11 liên tiếp tăng vào cao nhất kể từ năm 2000/01 (khi đạt 146,7 triệu tấn).

Nhiều nước dự báo tăng sản lượng như Bangladesh, Miến Điện, Cambodia, Indonesia, Madagascar, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam và Philippines.

Như vậy, xuất khẩu gạo trong nửa cuối năm có thể sẽ gặp khó khăn do giá được dự báo sẽ giảm tiếp do nguồn cung được bổ sung từ các nước.

Theo VOV