Giải pháp đột phá cho ngành Điện tử tin học Việt Nam giai đoạn hiện nay

Công nghiệp điện tử - tin học là một ngành công nghiệp trẻ bùng nổ mạnh mẽ từ năm 1990 trở lại đây, được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn không thể thiếu đối với mỗi quốc gia, doanh

Ở Việt Nam, ngành Công nghiệp Điện tử giai đoạn 2000 - 2010 có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt từ 20-30%, trong năm 2011 tốc độ tăng trưởng của ngành tăng lên tới hơn 96%. Nhiều tập đoàn CNTT lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang mở rộng quy mô hoạt động, điển hình là Intel, Samsung Electronics, Canon, Nokia,… Riêng năm 2012, ngành đã xuất khẩu hơn 22,9 tỷ USD sản phẩm, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và lần đầu tiên đưa sản phẩm điện tử (vượt xuất khẩu dầu thô) trở thành ngành hàng xuất khẩu lớn nhất nước. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là linh kiện, sản phẩm, thiết bị phần cứng, máy tính, điện tử, viễn thông…

Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đã đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành Điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành CNTT, nhưng trên thực tế giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI.

Còn các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp, chủ yếu là lắp ráp các thiết bị điện tử dân dụng bằng các linh kiện ngoại nhập, chiếm gần 80% giá thành sản phẩm và thực hiện những dịch vụ thương mại, không có sản phẩm thương hiệu riêng cũng chưa phát triển được các sản phẩm, chương trình phần mềm có giá trị thương hiệu riêng….Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn lớn, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, manh mún, phát triển theo dạng tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể, cộng thêm với việc chưa có định hướng chiến lược nào được thông qua, chính sách hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trình độ khoa học, công nghệ và trang thiết bị sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp đều lạc hậu, tiêu hao nhiên liệu, nguyên liệu lớn, tay nghề của người lao động thấp nên chất lượng sản phẩm đầu ra không cao, khả năng cạnh tranh kém, rất khó được các nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận, gây khó khăn trong xúc tiến thị trường đầu ra.

Vậy, quyết sách nào cần có để ngành Công nghiệp Điện tử tin học Việt Nam phát triển đột phá trong giai đoạn hiện nay?

Thứ nhất, Nhà nước cần có biện pháp quy hoạch tổng thể ngành, xây dựng, hình thành các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trọng điểm nhằm thúc đẩy, thu hút sự quy tụ, đầu tư của các doanh nghiệp, tạo ra sự liên kết, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp điện tử.

Thứ hai, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp điện tử, các cá nhân trong và ngoài nước như ưu đãi thuế nhà đất, miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử, áp dụng mô hình đào tạo liên kết 3 bên (doanh nghiệp - viện, trường - cơ quan quản lý nhà nước) để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao theo yêu cầu của doanh nghiệp….

Thứ ba, Hỗ trợ xúc tiến thị trường đầu ra, phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành:xây dựng bảo hộ, khuyến khích các tổ chức, cơ quan nhà nước sử dụng các sản phẩm điện tử tin học sản xuất trong nước. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI sản xuất phụ trợ và các tập đoàn đa quốc gia.

Thứ tư, Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoặc các trung tâm thương mại ở nước ngoài để tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu và ký kết hợp đồng, tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

Thứ năm, Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam cần xác định rõ nhưng công đoạn hoặc những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung đầu tư theo chiều sâu thay vì dàn trải như hiện nay. Chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm mà mình có thế mạnh, nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao để có thể tham gia vào hệ thống sản xuất khu vực, xây dựng phát triển sản phẩm phần mềm có giá trị, tạo thương hiệu sản phẩm để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cần tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý tiêu thụ sản phẩm, các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa sau bảo hành và cung ứng phụ tùng vật tư được xây dựng đồng bộ và rộng rãi.

Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp cần phải tự cứu mình trước, tránh tình trạng trông chờ vào Chính phủ, vào “bầu sữa Nhà nước”. Chỉ khi các doanh nghiệp tự tin, tìm hướng phát triển phù hợp với xu hướng chuyên môn hoá và toàn cầu hoá thì khi đó, ngành có lợi thế tiềm năng như CNĐT mới đóng vai trò thực sự trong sự phát triển chung của nền kinh tế của Việt Nam.