Giải pháp quản lý nợ xấu tại các ngân hàng

ThS. ĐẶNG THU TRANG (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hội nhập quốc tế làm tăng uy tín và vị thế của hệ thống Ngân hàng Việt Nam, nhất là trên thị trường tài chính khu vực. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cũng tăng dần theo lộ trình nới lỏng các quy định đối với các tổ chức tài chính nước ngoài. Để đảm bảo đứng vững và phát triển, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần khắc phục được những điểm yếu đang tồn tại như công nghệ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ chế quản lý, giám sát. Và trên con đường hội nhập đó, vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại cần được quan tâm đặc biệt.

Từ khóa: Nợ xấu, quản lý nợ, ngân hàng Việt Nam, hội nhập.

I. Bối cảnh nợ xấu tăng cao

Trong nền kinh tế thị trường, hệ thống ngân hàng được ví như huyết mạch của cả nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng quốc gia hoạt động một cách thông suốt, lành mạnh là tiền đề để các nguồn lực tài chính được luân chuyển, phân bổ và sử dụng có hiệu quả, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò to lớn đó, người ta không thể không nói tới những “tổn thất” và “hậu quả” nặng nề mà hệ thống ngân hàng có thể gây ra nếu như các hoạt động của chúng trở nên “trục trặc”, mà tâm điểm của nó là những rủi ro phát sinh trong hoạt động tín dụng. Rủi ro tín dụng luôn gắn liền với các khoản Nợ xấu (non - performing loan), đó là các khoản nợ không còn khả năng sinh lời hay không có khả năng thu hồi. Nợ xấu ở mức cao trở thành gánh nặng của các ngân hàng thương mại (NHTM), làm chậm quá trình đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Nếu không được quản lý nghiêm túc, nó sẽ tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại lớn cho hệ thống NHTM Việt Nam, giảm lợi thế cạnh tranh trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế. Chính bởi vậy, việc quản lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước và các NHTM Việt Nam ráo riết thực hiện, nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, giải tỏa tắc nghẽn cho hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là quản lý nợ xấu sẽ được thực hiện bằng cách nào để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả?

II. Tình hình nợ xấu năm 2016 và dự báo năm 2017

1. Nợ xấu năm2016 và chất lượng tín dụng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 2,46%.

Chất lượng tín dụng theo báo cáo của các tổ chức tín dụng cải thiện nhẹ, dự phòng rủi ro tăng lên và lãi dự thu tiếp tục là một điểm được lưu ý. Trong năm2016, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó,xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiếm 21%. Dù tiếp tục giảm nhẹ và một lượng lớn được xử lý nói trên, nhưng Ủy ban Giám sát đánh giá, nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu vẫn lớn. Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224 nghìn tỷ đồng (chiếm 85% nợ xấu bán cho VAMC và chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng). Cũng theo số liệu trên, năm 2016, số dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống ước tăng khoảng 11,9% so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 5,4%); dự phòng rủi ro cụ thể tăng 24,9%, cao hơn so với cùng kỳ năm2015 (11,9%); tỷ lệ dự phòng rủi ro cụ thể/nợ xấu báo cáo là 57,2%.

2. Dự báo nợ xấu năm 2017

Theo hãng xếp hạng tín dụng FITCH, những thách thức nợ xấu sẽ tiếp diễn trong năm 2017, bởi khối lượng nợ xấu lớn sẽ cần thời gian dài để giải quyết do những cản trở về mặt pháp lý. (Xem biểu dưới)

Tuy nhiên, với trọng tâm ngành Ngân hàng năm2017 là thí điểm Basel II tại 10 ngân hàng lớn, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng về sự tiến triển trong ngành, cũng như sự khắc phục triệt để với vấn đề nợ xấu. Bên cạnh đó,theo kết quả cuộc Điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự Báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa mới hoàn thành cho thấy, các TCTD khá lạc quan về kết quả đạt được trong năm 2016 và vững tin vào những bước phát triển mới trong năm 2017. Hơn nữa, môi trường kinh doanh bên trong và bên ngoài cải thiện rõ nét hơn trong quý IV/2016, hứa hẹn tiếp tục cải thiện trong năm 2017, tạo đà cho các bước phát triển mới trong ngành Ngân hàng, giảm bớt được những gánh nặng xử lý nợ xấu. Điều này tạo kì vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ được giảm xuống trong năm 2017.

III. Giải pháp quản lý nợ xấu

1.Nâng cao chất lượng công tác thông tin tín dụng

Trong công tác tín dụng, thông tin là yếu tố đóng vai trò quyết định giúp cho các ngân hàng ra quyết định có đầu tư hay không. Các thông tin từ phía khách hàng cung cấp nhiều khi lại thiếu đầy đủ, chính xác, do vậy cán bộ tín dụng không thể chỉ dựa vào các luồng thông tin do khách hàng cung cấp trong dự án, mà cần phải nắm bắt, xử lý các thông tin về mọi vấn đề liên quan đến phương án, dự án từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh việc sử dụng hệ thống Thông tin tín dụng CIC,thì các ngân hàng thương mại cần phải năng động trong việc tìm hiểu nắm bắt được cácthông tin chính xác của khách hàng thông qua các biện pháp như:

- Phỏng vấn người xin vay.

- Điều tra tại nơi hoạt động kinh doanh của người vay.

- Lấy nguồn thông tin từ ngân hàng bạn.

- Nguồn thông tin từ các cáo báo tài chính.

- Nguồn thông tin khác.

2. Cải cách bộ máy tín dụng và quyền hạn của cán bộ

Hiện nay, hầu hết các NHTM ở Việt Nam đều gặp phải các vướng mắc về cơ cấu. Bộ máy tổ chức quá cồng kềnh, tuy nhiên hoạt động không có hiệuquả. Do vậy, cần tiến hành cải cách bộ máy tín dụng hoạt động theo thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro tín dụng. Tách các chức năng tiếp thị, quan hệ khách hàng, thẩm định rủi ro độc lập, quyết định tín dụng và quản lý nợ cùng với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, đảm bảo tính độc lập, khách quan. Thực hiện sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên của cán bộ, các cấp liên quan tới cấp tín dụng và bộ phận kiểm tra và giám sát tín dụng độc lập. Có như vậy, công tác tín dụng mới hoạt động trôi chảy, hiệu quả, từ đó làm giảm phát sinh nợ xấu.

3. Nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng

Yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của bất cứ một hoạt động nào trên mọi lĩnh vực. Đối với hoạt động tín dụng thì yếu tố con người lại càng đóng một vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng tín dụng, chất lượng dịch vụ và hình ảnh của NHTM và từ đó quyết định đến hiệu quả tín dụng của ngân hàng. Bởi vậy, cần dành một quỹ thời gian để hướng dẫn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng nghiệp vụ marketing, kỹ năng bán hàng, thương thảo hợp đồng và văn hóa kinh doanh. Đồng thời phải thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ tín dụng và kiên quyết loại bỏ, thuyên chuyển sang bộ phận khác những cán bộ yếu về tư cách đạo đức, thiếu trung thực, những cán bộ tín dụng thiếu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

4. Khuyến khích khách hàng vay vốn mở tài khoản tại ngân hàng

Thông qua những thay đổi trong tài khoản của khách hàng, ngân hàng có thể dễ dàng theo dõi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, do vậy, nên khuyến khích khách hàng mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng mình. Từ đó, ngân hàng có thể sớm phát hiện ra những dấuhiệu không tốt trong hoạt động kinh doanh của khách hàng, từ đó có những biện pháp cụ thể để đề phòng, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng. Đồng thời, thông qua việc khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán mà ngân hàng cung cấp, ngân hàng có thể hiểu được nhu cầu của khách hàng để không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng và sự phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của khách hàng về các dịch vụ này.

5. Kiểm tra chặt chẽ quá trình trước, trong và sau khi cho vay để kịp thời có biện pháp xử lý nếu khách hàng sử dụng vốn sai mục đích

Ngân hàng nghiêm chỉnh thực hiện quy trình tín dụng, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, đảm bảo nắm bắt theo dõi đúng tình hình sử dụng vốn của khách hàng để có biện pháp cụ thể nhằm hạn chế phát sinh nợ xấu. Kiểm tra trước khi cho vay bao gồm kiểm tra các điều kiện vay vốn của khách hàng, như: hồ sơ pháp lý, tình hình tài chính, nhu cầu vay, mục đích vay vốn. Kiểm tra trong khi cho vay, giúp cán bộ tín dụng cho vay đúng đối tượng, nhu cầu vay của khách hàng.Kiểm tra sau khi cho vay: sau khi giải ngân, cán bộ tín dụng cần kiểm tra xem khách hàng có sử dụng tiền vay đúng mục đích đề nghị vay hay không, theo dõi để phát hiện sớm những khoản vay có vấn đề.

6. Hoàn thành xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ theo chuẩn quốc tế

Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là nền tảng cốt yếu đầu tiên để triển khai các công cụ quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Theo đó, định kỳ (hàngquý), các khách hàng sẽ được đánh giá và xếp vào 1 hạng nào đó, ví dụ là AA, BB+ hay CCC. Căn cứ kết quả xếp hạng tín dụng này, ngân hàng sẽ phân loại toàn bộ dư nợ của khách hàng vào 1 nhóm nợ, ví dụ nếu là AA thì phân vào nhóm 1, nếu là CC thì phân vào nhóm 3.

Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là phương pháp đánh giá định lượng, toàn diện và nhất quán về tình trạng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng, trên cơ sở chấm điểm rất nhiều chỉ tiêu tài chính và phi tài chính, đánh giá về các thông số tài chính, triển vọng kinh doanh, triển vọng ngành, chất lượng quản lý nội bộ... của khách hàng. Nội dung chỉ tiêu và thang điểm được xây dựng trên cơ sở số liệu thống kê thực tế của rất nhiều khách hàng, ý kiến của các chuyên gia... nên đảm bảo tính khoa học, đánh giá sát thực và quan trọng là có tính dự báo cao.

Áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng theo chuẩn quốc tế sẽ giúp các NHTM chủ động quản lý chất lượng danh mục tín dụng của mình. Đây chính là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của ngân hàng.

7. Khi khách hàng có dấu hiệu phát sinh nợ xấu, phải tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp thích hợp.

- Phân tích thực trạng các món nợ quá hạn (NQH), nợ tiềm ẩn rủi ro và nợ đã được xử lí rủi ro để từ đó đánh giá được khả năng thu hồi nợ thông qua phân tích nợ có đảm bảo, không đảm bảo, thực trạng tài sản thế chấp có thể xử lí thu hồi nợ, phương án xử lí vận dụng các giải pháp, chính sách của các ban ngành liên quan trong việc xử lí nợ tồn đọng.

- Quan hệ chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng có liên quan trong việc cho vay, thu nợ, xử lí nợ, xử lí TSĐB.

- Tiếp tục chuyển NQH của các món vay cũ không có khả năng trả nợđể xử lí rủi ro. Thực tế có những trường hợp khách hàng bắt đầu gặp khó khăn nhưng đã được phát hiện kịp thời, có biện pháp xử lý ngay từ đầu như quản lý kho hàng, kho nguyên vật liệu, phong tỏatài sản, tiến hành khởi kiện sớm… nên khả năng thu hồi nợ rất cao, do máy móc thiết bị lúc này còn đang hoạt động có giá hơn lúc đã bị bỏ hoang.

8. Đa dạng hóa biện pháp xử lý nợ xấu

Ngoài các biện pháp xử lý nợ xấu thông thường, vẫn đang được áp dụng thường xuyên tại các NHTM như trích quỹ Dự phòng rủi ro để bù đắp, thanh lý TSĐB, tài sản thế chấp,… các NHTM có thể tăng cường việc sử dụng các biện pháp khác. Có thể kể đến như:

Thứ nhất, bán các khoản nợ xấu cho AMC và các nhà đầu tư nước ngoài.Việc các NHTM bán đứt khoản nợ xấu cho các công ty mua bán nợ là một giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý nợ xấu, làm trong sạch bảng cân đối của các ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh của chính mình với mục tiêu duy nhất là lợi nhuận và gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Thứ hai, chuyển nợ thành vốn góp. Đối với những khoản nợ tồn đọng vẫn còn đối tượng thu hồi ngân hàng cũng có thể chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp và được chuyển nhượng phần vốn góp này. Ngoài ra, căn cứ vào thực trạng và khả năng trảnợ của doanh nghiệp, ngân hàng được cơ cấu lại nợ bằng các hình thức: dãn nợ, miễn lãi suất hoặc cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư thêm.

Thứ ba, biện pháp nuôi nợ.Đó là việc ngân hàng tiếp thêm vốn để giúp khách hàng vượt qua giaiđoạn khó khăn tài chính tạm thời. Trong những trường hợp này, việc ngân hàng tiếp tục tài trợ thêm cho khách hàng đã giúp khách hàng của mình ổn định lại tình hình tài chính, sẽ góp phần làm lành mạnh hóa khoản nợ.

Thứ tư, xử lí nợ bằng đồng tài trợ.Có một số khoản nợ xấu vượt khả năng của một ngân hàng để giải quyết, do vậy mà cần có sự phối hợp giữa các ngân hàng theo dạng đồng tài trợ để xử lý nợ .Việc các ngân hàng tham gia đồng tài trợ, hay hợp vốn để xử lí nợ xấu tạo ra thế mạnh như: mỗi ngân hàng có hệ thống khách hàng quen thuộc, có lĩnh vực am hiểu tường tận, hay nói cách khác là có thế mạnh riêng. Do vậy, việc đồng tài trợ sẽ tập trung và bổ sung cho nhau thế mạnh, hạn chế mặt yếu, tạo sự kiểm soát đồng bộ về khách hàng, bổ sung vốn, bổ sung nghiệp vụ và học hỏi lẫn nhau về nghiệp vụ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình Ngân hàng thương mại- Trường Đại học Kinh tế Kĩ thuật Công nghiệp.

2.Giáo trình Ngân hàng thương mại- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

3. Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, báo cáo tổng quan thị trường tài chính.

4. Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế- xã hội năm 2016.

5. Các trang báo mạng:

- Vietstock.vn

- Cafef.vn

- Taichinhdientu.vn

- Vietnambiz.vn

- Thoibaotaichinhvietnam.vn

SOLUTIONS FOR DEBT MANAGEMENT

IN COMMERCIAL BANKS

MA. DANG THU TRANG

Faculty of Banking and Finance

University of Industrial Economics and Technology

ABSTRACT:

International integration increases the prestige and position of the banking system in Vietnam, especially in the regional financial market. However, competitive pressure has also been gradually increased in line with the loosening of regulations for foreign financial institutions. To maintain and develop, commercial banks in Vietnam need to overcome existing weaknesses such as technology, professional qualifications, management and monitoring mechanisms. Furthermore, on the path of integration, the problem of bad debt of commercial banks should be paid special attention.

Keywords: Bad debt, debt management, Vietnamese banks, integration.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây