Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Hậu Giang

TS. NGUYỄN HỒNG HÀ (Trưởng bộ môn Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Trà Vinh), HUỲNH CÔNG HỘI (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang)

TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012 - 2016 để thấy được vai trò quan trọng của vốn FDI trong phát triển kinh tế tỉnh Hậu Giang thông qua 3 chỉ tiêu quan trọng: (1) Đóng góp lớn vào nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; (2) Tạo động lực tăng trưởng GDP thông qua giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu; (3) Góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động tại tỉnh Hậu Giang. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm thu hút vốn FDI vào tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.
Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng sản phẩm quốc nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang.

1. Đặt vấn đề
Năm 2004, tỉnh Hậu Giang được chia tách từ tỉnh Cần Thơ theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội Việt Nam. Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của châu thổ sông Mê Kông, cách TP. Hồ Chí Minh 240km, TP. Cần Thơ 40km, TP. Rạch Giá 60km, TP. Sóc Trăng 60km, TP. Cà Mau 120km và thị xã Bạc Liêu 75km theo các tuyến quốc lộ.
Phía Bắc giáp TP. Cần Thơ, trung tâm động lực thu hút các nguồn lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Long và sông Hậu, nơi có nhiều tiềm năng lớn về cung cấp nước ngọt, vận tải sông biển, khai thác cát sông san lấp mặt bằng - là trục đường thủy chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, vào năm 2016, Hậu Giang đã thu hút được 26 dự án có vốn FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 727,645 triệu USD. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có; cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, khoa học kỹ thuật, tay nghề… còn lạc hậu so với các tỉnh trong vùng cũng như cả nước (haugiang.gov.vn). Khi tích lũy nội bộ chưa cao do mức độ phát triển thấp, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc tìm ra các giải pháp thiết thực để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI đối với tỉnh Hậu Giang là vấn đề đặc biệt cấp thiết nhằm khơi dậy và phát huy hết các tiềm năng của tỉnh, đồng thời tạo thuận lợi đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của tỉnh trong thời gian tới.
2. Thực trạng thu hút FDI tỉnh Hậu Giang
Trong giai đoạn 2012 - 2016, số dự án có vốn FDI của tỉnh Hậu Giang được cấp mới tăng đáng kể về mặt số lượng và số vốn đăng ký. Cụ thể, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Hậu Giang có 29 dự án đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đăng ký 808,5 triệu USD, riêng giai đoạn 2012 - 2016 vốn đăng ký là 09 triệu USD chiếm trên 1,1%. Đặc biệt đây là lần đầu tiên, Hậu Giang góp mặt trong bảng xếp hạng các tỉnh thành có dự án FDI triệu USD. Điều này cho thấy khả năng thu hút vốn FDI của tỉnh Hậu Giang còn rất nhiều tiềm năng (Bảng 1). Các dự án đều được đăng ký qua các năm, trong đó ít nhất là năm 2014 chỉ có 1 dự án dược cấp giấy chứng nhận đầu tư, với vốn đăng ký 5 triệu USD và nhiều nhất là năm 2013 với 5 dự án FDI được cấp, với vốn đăng ký chỉ là 2,2 triệu USD.
Đối với vốn thực hiện trong giai đoạn này đạt tỷ lệ khá thấp so với vốn đăng ký. Đó là do giai đoạn chuẩn bị của các dự án FDI thường mất nhiều thời gian cho các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng nên việc giải ngân cho vốn đầu tư phải qua nhiều năm mới hoàn thành. Việc giải ngân trong năm nhiều hơn so với vốn đăng ký là do việc các dự án từ những năm trước đó thực hiện trong năm sau. Một vấn đề về vốn thực hiện trong thời gian qua cho thấy các dự án có quy mô nhỏ luôn có thời gian đi vào hoạt động ngắn và vốn thực hiện cũng hoàn thành theo như đăng ký.
Có hai hình thức đầu tư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là đầu tư liên doanh và đầu tư 100% vốn nước ngoài. Trong đó, hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ khá cao cả về số lượng dự án và vốn đăng ký, cho thấy chính sách thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng của Chính phủ và địa phương bởi quy định của Luật Đầu tư 2005 và Luật Đầu tư 2014. Các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại tỉnh Hậu Giang chủ yếu là lĩnh vực sản xuất, đây là lĩnh vực sử dụng lao động khá lớn. So với khu vực ĐBSCL, Hậu Giang có số lượng dự án FDI chiếm tỷ trọng khá thấp trên 4,21%, nhưng vốn đăng ký chiểm tỷ trọng thấp, đạt trên 11,21%. So với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn này số dự án thu hút vào tỉnh Hậu Giang chiếm tỷ trọng khá thấp, tuy nhiên số vốn đăng ký thấp, chủ yếu là các dự án sản xuất.
Các dự án FDI được phân bổ không đồng đều, một số địa phương ở xa, hoặc chưa có khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc chưa có quỹ đất sạch nên số lượng dự án FDI đầu tư còn hạn chế, thậm chí không có dự án nào như: huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A và thành phố Vị Thanh. (Bảng 4) Trong giai đoạn 2012 - 2016, Malaysia và Hà Lan là quốc gia có nhiều dự án đầu tư, chiếm 66,66%, tiếp theo là Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ. Về quy mô vốn đầu tư thì Mỹ là quốc gia có vốn đầu tư cao nhất với dự án nhà máy sản xuất bơ margine và các loại dầu ăn động thực vật, với tổng vốn trên 0,5 tỷ USD, tuy nhiên đây là dự án đầu tư có quy mô lớn nên việc triển khai còn nhiều quy trình thủ tục nên chưa giải ngân được. (Bảng 5) Bảng 5 cho thấy, giai đoạn này Hà Lan và Malaysia đầu tư vào tỉnh Hậu Giang nhiều nhất, với 6 dự án, tổng vốn đăng ký là 6,17 triệu USD, chiếm tỷ trọng 68,55% tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
3. Đánh giá về thu hút vốn FDI trong thời gian qua
3.1. Những thành công trong thu hút vốn FDI
Thứ nhất, bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Hậu Giang là một tỉnh nghèo, thu ngân sách chỉ đáp ứng 51% chi ngân sách của tỉnh trong năm 2016, hàng năm phải dựa vào nguồn hỗ trợ từ Trung ương; công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ tay nghề của lao động qua đào tạo còn thấp. Với nguồn vốn đầu tư FDI trong thời gian qua đã góp phần cho tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh. Đặc biệt có những dự án FDI áp dụng công nghệ cao như: công nghiệp chế biến, điện tử, giấy,… đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ hai, đóng góp vào GDP, vào giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.
Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, gia công đã làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Mức độ đóng góp của FDI vào GDP ngày càng tăng, trong giai đoạn 2012 – 2016; tốc độ tăng bình quân 14,33%, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm 73,25% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Thứ ba, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Trong các dự án FDI thu hút vào tỉnh Hậu Giang thời gian qua, phần lớn là sử dụng nhiếu lao động, trong đó lĩnh vực chủ yếu là may mặc, giày da đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương.
3.2. Những khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư
Thứ nhất, thu hút đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh: Có ít các dự án trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, lắp ráp, đầu tư hạ tầng...; Cơ cấu đầu tư còn thể hiện nhiều bất hợp lý, số lượng dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, sử dụng công nghệ cao còn rất ít. Đặc biệt là kêu gọi đầu tư vào hạ tầng khu kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh đã nhiều lần mời gọi các nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng.
Thứ hai, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được các dự án có giá trị gia tăng cao. Hầu hết các dự án đang đầu tư chỉ ở quy mô vừa và nhỏ chủ yếu sử dụng lao động thủ công.
Thứ ba, một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh chỉ mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể, chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng, công việc bồi thường sẽ gặp nhiều khó khăn đặc biệt là đơn giá đất, điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án, gây khó khăn cho việc triển khai của doanh nghiệp.
Thứ tư, lực lượng lao động dồi dào nhưng phần lớn chưa qua đào tạo nghề, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật cao, kỹ thuật lao động còn mang tính thủ công... chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư sử dụng lao động đòi hỏi có tay nghề cao.
Thứ năm, môi trường đầu tư chưa thật sự thông thoáng: Chủ đầu tư luôn đối mặt với khó khăn, ách tắc; những vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời. Chủ đầu tư mất nhiều thời gian làm thủ tục qua nhiều cơ quan làm tăng chi phí chuẩn bị gây phiền hà. Việc giải phóng mặt bằng còn nhiều phức tạp, chưa kịp thời.
Thứ sáu, mức độ cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư ở các địa phương lân cận như Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng… ngày càng lớn đặt ra cho tỉnh nhiều thách thức.
4. Giải pháp thu hút vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
4.1. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng
Qua phân tích cho ta thấy tầm quan trọng của việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài phải đồng bộ với quá trình phát triển bền vững kinh tế tỉnh Hậu Giang, đặc biệt lưu ý khâu thu hút và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, các ngành kinh tế mũi nhọn như: nông nghiệp, công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường trong tỉnh, trong đó phát triển hệ thống giao thông hạ tầng bền vững, lâu dài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đầu tư được thuận tiện.
4.2. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư
Một là, đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác vận động xúc tiến đầu tư. Phối hợp với các Bộ ngành xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và quy chế thực hiện. Nghiên cứu hình thành một bộ phận xúc tiến đầu tư của tỉnh Trà Vinh tại một số địa bàn trọng điểm trong nước cũng như ở nước ngoài để chủ động vận động, xúc tiến đầu tư trực tiếp đối với từng dự án, từng tập đoàn, công ty, nhà đầu tư có tiềm năng.
Hai là, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, các nhà đầu tư có năng lực tài chính, trong đó chú trọng vận động, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng.
Ba là, nghiên cứu và có chính sách vận động thu hút đầu tư các đối tác, nhà đầu tư với trọng điểm phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh như các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Hoàn thiện nội dung và chất lượng tài liệu xúc tiến đầu tư để quảng bá thông tin về môi trường đầu tư của tỉnh.
Bốn là, tập trung hỗ trợ dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai hoạt động thuận lợi và có hiệu quả (Xúc tiến đầu tư tại chỗ), nhằm thông qua các nhà đầu tư này để quảng bá hình ảnh về môi trường đầu tư Việt Nam.
Năm là, hỗ trợ tích cực về các hướng dẫn thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, cụ thể như các thủ tục: Giao đất và cho thuê đất, cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, lưu trú cho nhà đầu tư nước ngoài, thông tin về giá cả thị trường trong ngoài nước... Các thủ tục hưởng các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài theo các quy định đã ban hành.
4.3. Cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư
Một là, cải cách thủ tục hành chính: Là giải pháp đột phá nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cần có cơ chế, giải pháp để nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân được phân công giải quyết thủ tục đầu tư; xây dựng quy chế phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tạo sự thống nhất, thuận tiện, nhanh gọn khi giải quyết thủ tục. Cụ thể, các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất, thủ tục cấp giấy phép xây dựng, thủ tục về môi trường, và các điều kiện đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.
Hai là, thực hiện linh hoạt chính sách đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi, đảm bảo minh bạch, phù hợp với nhu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Triển khai nhanh chóng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Tiếp tục cải tiến và công khai hóa các quy trình, thủ tục hành chính để đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đẩy nhanh áp dụng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư qua mạng điện tử.
Ba là, rà soát các văn bản pháp luật đã ban hành để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh, hủy bỏ những văn bản không còn phù hợp; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
4.4. Nâng cao trình độ của cán bộ quản lý và đào tạo nghề
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác quản lý, bồi dưỡng tài năng trẻ trong hàng ngũ cán bộ công chức nhà nước và quản lý kỹ thuật. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp hóa nhằm đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp sử dụng lao động nhằm làm cho công tác đào tạo nghề hợp lý cả về mặt chất lượng và số lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và người học yên tâm hơn khi tham gia học nghề. Xây dựng cơ chế chính sách sử dụng nguồn nhân lực cũng được đổi mới theo hướng gắn với cơ chế thị trường. Vì vậy cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách sử dụng để phát huy vai trò to lớn của nguồn nhân lực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung đối với Trà Vinh nói riêng. Việc đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng nguồn nhân lực nhằm mục tiêu động viên, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo, tiềm năng trí tuệ, tạo điều kiện để mọi người có việc làm và tạo động lực để khuyến khích mọi người làm việc có hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang (2012 - 2016), trang 82 - 90.
2. Đặng Thành Cương (2012). Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Nghệ An, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
3. Hà Nam Khánh Giao, Lê Quang Huy, Hà Kim Hồng, Huỳnh Diệp Trâm Anh: Nghiên cứu các yếu tố tác động đến thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Cà Mau. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Số 5/2015, trang 44.
4. Phạm Xuân Hậu và Phạm Thị Bạch Tuyết: Thực trạng và giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Số 52/2013.
5. Nguyễn Hồng Hà: Mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế tỉnh Trà Vinh. Tạp chí Phát triển và Hội nhập. Số 26/2016, trang 12 - 15.
6. Nguyễn Văn Bổn và Nguyễn Minh Tiến: Các nhân tố quyết định dòng vốn FDI ở các nước châu Á. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Phần D: Khoa học Chính trị, Kinh tế và Pháp luật: Số 31/2014, trang 124 - 131.
7. Nguyễn Thị Liên Hoa và Bùi Thị Bích Phương: Nghiên cứu các nhân tố tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại những quốc gia đang phát triển. Tạp chí Khoa học và Hội nhập. Số 14 (24) - Tháng 01 - 02/2014.
8. Nguyễn Minh Hồng: Thực trạng và triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Thông tin Khoa học xã hội. Số 8/2007.
9. Nguyễn Mạnh Toàn: Các nhân tố tác động đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một địa phương của Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng. Số 5(40)/2010.
10. Nguyễn Tuấn Lộc và Nguyễn Thị Tuyết. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trường hợp nghiên cứu điển hình tại TP.Đà Nẵng. Tạp chí Phát triển và Hội nhập. Số 11 (21) - Tháng 7 - 8/2013.
11. Nguyễn Thị Ái Liên (2011). Môi trường đầu tư với hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
12. Nguyễn Đức Hải (2013). Marketing lãnh thổ nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
13. Sở Kế hoạch và Đầu tư (2012 - 2016), Các báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài năm 2012 - 2016.
14. Trần Thị Tuyết Lan (2014). Đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng phát triển bền vững ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
15. Tỉnh ủy Hậu Giang, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 03/11/2016, về việc tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư giai đoạn 2016 - 2020.
16. Các bài báo trên các website:
http://www.thesaigontimes.vn/149876/FDI-ky-vong-va-thuc-te.html, ngày 12/8/2016.
http://www.thesaigontimes.vn/149874/Thu-hut-FDI-nhung-goc-khuat-nguy-hiem.html, ngày 12/8/2016.
http://www.thesaigontimes.vn/123065/Vai-tro-cua-FDI-trong-phat-trien-ky-thuat-va-cong-nghe.html, ngày 25/11/2014.
http://www.thesaigontimes.vn/129365/De-loi-ich-cua-von-FDI-khong-chi-la-luong-tien.html, ngày 28/4/2015.
http://www.thesaigontimes.vn/133138/Xuat-khau-khoi-FDI-cao-gap-doi-doanh-nghiep-trong-nuoc.html, ngày 17/7/2015.
http://www.thesaigontimes.vn/147024/Canh-bao-hiem-hoa-moi-truong-dang-sau-viec-thu-hut-FDI.html, ngày 27/5/2016.
http://baochinhphu.vn/Tieu-diem/Thu-tuong-keu-goi-DN-FDI-den-Viet-Nam-bang-ca-khoi-oc-va-trai-tim/293365.vgp, ngày 05/12/2016.

SOLUTIONS TO ATTRACT FOREIGN DIRECT INVESTMENT IN HAU GIANG PROVINCE

PhD. NGUYEN HONG HA

Head of Department of Finance - Banking, Tra Vinh University

HUYNH CONG HOI

Department of Planning and Investment of Hau Giang Province

ABSTRACT:

The article analyzes the situation of attracting foreign direct investment (FDI) into Hau Giang province in the period of 2012 - 2016 to see the important role of FDI in Hau Giang economic development through 3 indicators: (1) Making a great contribution to the province's socio -economic development investment capital; (2) Creating a driving force for Gross domestic product (GDP) growth through industrial production value, export turnover; (3) Contribute to job creation to increase income for laborers in Hau Giang Province. From there, the authors propose solutions to attract FDI into Hau Giang province in the coming time.

Keywords: Foreign direct investment, Gross domestic product, Department of Planning and Investment of Hau Giang province, Hau Giang Statistical Office.